congdongnails.com

10 cách bảo đảm tài chính cho bản thân khi chăm sóc người khác

Dù là bạn tạm ngừng công việc để nuôi dạy con cái hoặc cắt giảm thời gian làm việc của mình để chăm sóc cha mẹ già, trở thành một người chăm sóc (caregiver) có thể tác động lớn đến nguồn tiền dự trữ của bạn nếu bạn không chuẩn bị chu đáo. Sau đây là một số cách giúp những người chăm sóc bảo đảm sự an toàn tài chính cho bản thân, từ đó giúp họ hoàn thành vai trò chăm sóc hiệu quả hơn:

Ảnh: Internet

1. CHUẨN BỊ TRƯỚC CHI PHÍ CHO 6 ĐẾN 9 THÁNG
Giá cả sinh hoạt tác động đến người chăm sóc có thể lớn hơn bạn nghĩ. Gần 25 phần trăm số người chăm sóc gặp rắc rối trong việc trả các hóa đơn, và nhiều người còn mắc nợ. Giải pháp tốt nhất đó là luôn có một khoản tiền dự trữ trong ngân hàng. Hãy đánh giá thu nhập hàng tháng của bạn và xem nó còn lại bao nhau sau khi bạn đã trừ hết các chi phí. Hãy cố gắng tiết kiệm được một khoản mà bạn thấy là có thể giúp bạn chi tiêu “thoải mái”, rồi sau đó chọn chế độ chuyển khoản tự động hàng tháng vào một tài khoản tiết kiệm lãi suất cao.

2. NHỜ BẠN ĐỜI GÓP SỨC
Hẳn bạn đã biết đến chính sách 401(k) dành cho người đang đi làm. Nhưng khi bạn không đi làm thì sao? Nếu bạn quyết định rời bỏ sự nghiệp một thời gian để chăm lo gia đình hoặc chăm sóc bố mẹ già, và bạn đời của bạn vẫn đi làm, anh/cô ấy có thể trích ra một phần thu nhập cho một tài khoản spousal IRA dưới tên bạn. Khoản tiền đó sẽ có ích cho bạn khi bạn nghỉ hưu.

3. ĐỪNG DẰN VẶT BẢN THÂN VÌ KHÔNG Ở NHÀ CHĂM LO CHO GIA ĐÌNH
Dù rằng 70 phần trăm phụ nữ có con dưới 18 tuổi vẫn có công việc ngoài gia đình, một số bà mẹ vẫn cảm thấy có lỗi vì không ở nhà toàn thời gian để chăm con. Nhưng lợi ích của việc bạn đi làm là rất lớn: Xã hội cần sự cống hiến của bạn; và nhờ bạn đi làm mà tương lai của bạn sau khi nghỉ hưu sẽ đỡ bấp bênh hơn.

4. THUÊ NGƯỜI CHĂM SÓC
Bạn nên cho phép mình không ôm đồm mọi việc. Nếu có ai đó có thể hỗ trợ bạn chăm sóc người thân, đó sẽ là một sự nhẹ nhõm lớn lao. Bạn có thể nhờ đến nhân viên chăm sóc chuyên nghiệp cho ba mẹ già, hoặc nhờ giáo viên trông trẻ thêm giờ để bản thân không quá vất vả. Tìm cách tự mình cáng đáng mọi việc thường chỉ khiến bạn thêm buồn phiền và mệt mỏi, và những người được bạn chăm sóc có thể cảm nhận được điều đó từ bạn.

5. TÌM HIỂU TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH CỦA BỐ MẸ
Bạn không cần phải hỏi ba mẹ mình về giá trị tài sản ròng (net worth) của họ hoặc phải xin xác nhận của ngân hàng nơi họ gửi tiền, nhưng mở lời với họ về chuyện tiền bạc có thể giúp bạn tránh được nhiều chuyện bất ngờ sau này. Hãy bắt đầu bằng việc hỏi về các khoản chi và các hóa đơn của họ, các tài khoản ngân hàng mà họ có, và họ muốn ai tiếp quản tài sản của họ nếu có chuyện gì đó xảy ra với họ.

6. THẢO LUẬN VỚI ANH CHỊ EM RUỘT TỪ SỚM VỀ VIỆC CHĂM SÓC BỐ MẸ
Đây không phải là đề tài nhiều người muốn nói tới, nhưng đề cập tới vấn đề này sớm sẽ giúp tránh mâu thuẫn và các rắc rối tài chính về sau. Thảo luận về vấn đề này trước khi có khủng hoảng xảy ra là việc quan trọng cần làm, nhằm bảo đảm rằng mọi người nhất trí với nhau trong cách giải quyết. Bạn cần cho anh chị em của mình biết bạn trông đợi gì từ họ khi mà bạn là người trực tiếp chăm sóc bố mẹ già. Từng người trong số họ có khả năng và có thể đóng góp bao nhiêu? Hãy chỉ rõ vai trò của từng người và kỳ vọng bạn dành cho họ, trước khi các bạn đưa ra những quyết định quan trọng.

7. ĐỪNG BỎ QUÊN SỰ NGHIỆP
Trong lúc làm một người chăm sóc toàn thời gian, bạn hãy cân nhắc việc thỉnh thoảng nhận những dự án làm tự do để tạo thêm thu nhập và thu hẹp khoảng trống trên sơ yếu lý lịch của bạn. Điều này có thể giúp bạn quay trở lại thị trường lao động dễ dàng hơn khi thời cơ đến. Bạn cũng nên giữ liên lạc với đồng nghiệp, tham gia vào các dự án kết nối dành cho người trong ngành, và tiếp tục cập nhật kiến thức liên quan ngành nghề của mình.

8. START RAISING FINANCIALLY SMART KIDS
Sự thật là: 74 phần trăm các ông bố bà mẹ có con đã trưởng thành vẫn hỗ trợ con cái mình về tài chính. Nếu bạn muốn con mình trở thành những người lớn biết tự lập, hãy minh bạch về tài chính với con. Hãy nói chuyện với con của bạn về tiền bạc, về ngân sách của gia đình. Hãy làm gương cho con về cách bạn sử dụng tiền bạc. Đây là một bài học sẽ theo trẻ gần như suốt cuộc đời.

9. DỰ ĐOÁN VỀ TƯƠNG LAI TÀI CHÍNH CỦA BẠN
Chúng ta không biết tương lai của mình sẽ như thế nào, nhưng chúng ta có thể chuẩn bị. Hãy tìm cho mình một nhà tư vấn tài chính (financial advisor). Nhà tư vấn tài chính giỏi có thể giúp bạn lên kế hoạch tài chính cho mình, đầu tư và tiết kiệm cho tuổi hưu dựa vào tình hình tài chính của bạn và các mục tiêu dài hạn mà bạn hướng tới. Hoặc bạn cũng có thể tự hoạch định mọi thứ cho mình. Hãy đánh giá các nhu cầu tài chính lớn của gia đình bạn (tiền cho con học đại học, tiền tiêu lúc nghỉ hưu, v.v… ), sau đó chia chúng ra thành các mục tiêu để bạn có hướng phấn đấu ngay từ bây giờ.

10. CHĂM SÓC TỐT CHO BẢN THÂN
Như một câu danh ngôn cổ có nói: “Đừng đốt chính mình để sưởi ấm cho người khác” (“Don’t set yourself on fire to keep others warm”); nghĩa là đừng hy sinh tương lai tài chính của bạn để chăm lo cho người khác. Bạn không thể chăm sóc người khác một cách tốt nhất, khi mà bạn bỏ bê chính mình.

Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine