Hầu như cha mẹ nào cũng muốn có những giây phút gần gũi với con cái mình. Sự kết nối (connection) quan trọng với người lớn chúng ta cũng như với con trẻ. Trong một mối quan hệ cha mẹ – con cái bền vững, người trong cuộc sẽ rất hạnh phúc và chúng ta nhận được cũng nhiều như chúng ta cho đi.
Những trẻ có sự gắn bó mật thiết với cha mẹ thường muốn hợp tác với cha mẹ hơn, khi các bé có thể. Thông thường, khi các bé tin rằng mình được bố mẹ hiểu và ủng hộ, các bé sẽ có động lực để nghe lời bố mẹ hơn.
Để có được sự gắn kết với con trẻ, bạn cần có tương tác tích cực (positive interaction) với con nhiều gấp năm lần so với những tương tác tiêu cực (negative interaction) như la hét, cằn nhằn, chê bai, mắng chửi,…
Nhưng các ông bố bà mẹ cũng là con người, và có những ngày tất cả những gì bạn làm được chỉ là đáp ứng những nhu cầu căn bản nhất của con mình. Tuy vậy, bạn không cần quá lo lắng! Sau đây là 10 hoạt động không tốn của bạn thời gian, nhưng có thể giúp bạn củng cố sự gắn bó giữa bạn với con cái:
1. Đặt mục tiêu 12 cái ôm (hoặc sự tiếp xúc cơ thể) mỗi ngày
Một nhà trị liệu từng nói: “Chúng ta cần 4 cái ôm mỗi ngày để sinh tồn. Chúng ta cần 8 cái ôm mỗi ngày để duy trì trạng thái. Chúng ta cần 12 cái ôm mỗi ngày để phát triển” (“We need 4 hugs a day for survival. We need 8 hugs a day for maintenance. We need 12 hugs a day for growth.”). Mỗi buổi sáng việc đầu tiên bạn nên làm khi gặp con là ôm ấp con trong vài phút, và vào mỗi tối trước khi con đi ngủ bạn cũng nên ôm con. Hãy ôm con khi nói lời tạm biệt, khi bạn và con gặp lại nhau, và ôm con thường xuyên những khi bạn có cơ hội. Vuốt tóc trẻ, vỗ lưng trẻ, xoa vai trẻ. Hãy giao tiếp bằng mắt và mỉm cười với trẻ. Nếu bé nhà bạn đã tương đối lớn và cháu khước từ những cái ôm của bạn, hãy bình tĩnh dẫn dắt cháu đến sự kết nối. Để cháu ngồi xuống và uống một ly nước mát, tán gẫu với cháu trong lúc bạn xoa bóp chân cho cháu… Đây là một trong những cách bạn có thể làm để tìm hiểu xem ngày hôm nay của cháu diễn ra như thế nào.
2. Chơi đùa
Nô đùa và cười vui giúp bạn kết nối với con bằng cách kích thích cơ thể của bạn và bé sản sinh endorphin và oxytocin. Hãy để tiếng cười là một phần trong thói quen hàng ngày của bạn và con. Tiếng cười giúp trẻ có cơ hội thoát khỏi những lo lắng và căng thẳng. Chơi đùa cùng trẻ cũng giúp trẻ muốn hợp tác với bạn hơn.
3. Không để công nghệ gián đoạn những khi bạn tương tác với trẻ
Nếu bạn dẹp điện thoại qua một bên và thật sự lắng nghe trẻ, điều đó sẽ giúp trẻ thấy hạnh phúc vì biết rằng trẻ quan trọng đối với bạn. Khi bạn và trẻ đi xe hơi cùng nhau, sự thiếu giao tiếp bằng mắt cũng có thể khiến trẻ bớt áp lực, từ đó bạn và trẻ có thể dễ dàng mở lòng với nhau hơn; khi đó, bạn nên tắt nhạc trong xe đi để lắng nghe trẻ nói.
4. Kết nối trước những chuyển đổi
Trong quá trình chuyển đổi từ giai đoạn này sang giai đoạn khác trong đời, trẻ thường gặp nhiều khó khăn. Nếu bạn có thể nhìn vào mắt cháu, gọi tên cháu, kết nối với cháu, làm cháu cười,… tức là bạn đang giúp cháu có được nội lực vượt qua những giai đoạn chuyển đổi.
5. Một-kèm-một
Bạn hãy phấn đấu dành cho mỗi đứa con của mình 15 phút hàng ngày – chỉ có bạn và từng đứa. Hãy luân phiên làm những việc trẻ thích, sau đó là việc bạn muốn làm trong suốt những thời gian một-kèm-một đó. Vào những ngày các bạn làm việc trẻ thích, bạn hãy dành cho trẻ nhiều yêu thương và để trẻ dẫn dắt bạn. Vào những ngày các bạn làm việc mà bạn muốn làm, hãy thử những hoạt động/trò chơi khiến trẻ vui cười.
6. Đón nhận cảm xúc
Con của bạn cần giải tỏa cảm xúc, nếu không, hành vi của cháu sẽ bị cảm xúc dẫn dắt. Giải tỏa cảm xúc đem lại cho trẻ cơ hội chữa lành những khó chịu trong lòng, và đem bạn lại gần con hơn. Vì vậy, hãy thể hiện sự cảm thông và yêu thương trẻ, đừng tỏ ra giận dữ, hãy đón nhận nước mắt và nỗi sợ vốn thường ẩn sau cảm xúc giận dữ của trẻ. Nếu trẻ khóc trước mặt bạn, tức là trẻ tin tưởng bạn, bạn đừng phụ lòng tin đó. Bạn chỉ cần chào đón những cảm xúc đó và thể hiện sự cảm thông với trẻ. Sau đó trẻ sẽ cảm thấy nhẹ nhõm, có thái độ hợp tác và gẫn gũi với bạn hơn.
7. Lắng nghe, và đồng cảm
Sự kết nối bắt đầu từ việc lắng nghe. Hãy khuyến khích trẻ trò chuyện với bạn. Nhìn nhận sự việc từ quan điểm của trẻ sẽ giúp bạn đối xử tôn trọng với con mình hơn và tìm kiếm những giải pháp có lợi cho tất cả các bên. Hiểu được suy nghĩ của con sẽ giúp bạn điều chỉnh cảm xúc của mình, và kể cả khi bạn rơi vào tâm trạng “chiến hay biến” (fight or flight), bạn cũng ít khi xem con là kẻ thù của mình.
8. Sống chậm lại cùng con và tận hưởng từng khoảnh khắc
Đừng vội vã thúc ép con trong những hoạt động thường ngày. Mỗi sự tương tác đều là một cơ hội để kết nối. Bạn không cần phải ép con lên giường đi ngủ chỉ để vội vã ôm hôn con hoặc đọc truyện cho con. Hãy sống chậm lại và chia sẻ những khoảnh khắc với con: Để con hít hà những quả dâu tây trước khi bạn cho chúng vào máy xay. Khi bạn giúp con rửa tay, hãy đưa tay bạn xuống vòi nước đang chảy, cùng con cảm nhận dòng nước mát lạnh. Vùi mặt vào tóc con và ngửi mùi tóc con. Nghe con cười. Trìu mến nhìn vào mắt con và cùng con cởi mở tấm lòng, chia sẻ tình thương yêu giữa bạn và con…
9. Âu yếm và chuyện trò trước giờ ngủ
Khi con đã lên giường, bạn có thể dành đôi chút thời gian vào thăm con và âu yếm con trong bóng tối. Những giây phút kết nối an toàn và ấm áp đó dễ khiến trẻ tâm tình với bạn về những điều khiến trẻ bân tâm: ngày hôm nay của trẻ ở trường ra sao, trẻ nghĩ gì khi bị bố la vào sáng nay, hay những lo lắng của trẻ trong kỳ thi ngày mai,… Bạn không cần phải giải quyết những vấn đề của trẻ ngay lúc đó. Bạn chỉ cần lắng nghe. Ghi nhận lại cảm xúc của trẻ. Trấn an cháu rằng bạn đã lắng nghe những tâm sự của cháu, bạn và cháu sẽ cùng nhau tháo gỡ những vướng mắc đó vào ngày mai. Khi ngày mai đến, hãy tiếp tục thăm hỏi để nắm được tình hình của trẻ. Bạn hãy biến những hoạt động này thành thói quen kể cả khi trẻ đã lớn hơn. Khi đêm gần muộn cũng thường là thời gian duy nhất các cháu tuổi “teen” có mong muốn tâm sự.
10. Hiện diện trong đời con
Hầu hết chúng ta sống cuộc đời mình chỉ với một nửa sự chú tâm. Nhưng con của bạn chỉ có 900 tuần thơ ấu sống cùng bạn trước khi cháu rời gia đình và bắt đầu sống tự lập. Hãy tập thói quen chú tâm 100% mỗi khi bạn tương tác cùng con. Cố gắng đừng để những thứ tiện nghi trong cuộc sống, những mối bận tâm,… khiến bạn xao lãng. Không phải lúc nào bạn cũng có thể thực hiện được điều này. Nhưng nếu bạn làm được việc này vài lần mỗi ngày, bạn sẽ dần ý thức được sự hiện diện của mình trong đời sống của con, và bạn sẽ có với con những kỷ niệm bạn không bao giờ quên.
Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine
Ảnh: parentscafe.org