congdongnails.com

10 ý tưởng giúp bạn ứng phó với nỗi cơ đơn trong lúc giãn cách xã hội

Nếu trong giai đoạn giãn cách xã hội này mà bạn cảm thấy cô đơn, hãy thử một số hoạt động sau:

Ảnh: bridgesward / Pixabay

1. Lên kế hoạch cho việc thường xuyên giao tiếp qua điện thoại hoặc video
Mặc dù giao tiếp ảo có thể không gây thỏa mãn nhiều như giao tiếp trực tiếp, nhưng nó vẫn tốt hơn việc hoàn toàn không giao tiếp. Những ứng dụng cho phép người dùng vừa trò chuyện vừa nhìn thấy nhau (FaceTime, Zoom, Skype,…) có thể giúp bạn bớt cô đơn và buồn phiền. Thay vì hủy các sự kiện xã giao định kỳ của mình, như câu lạc bộ sách hay đi ăn cùng bạn bè, bạn hãy thử tổ chức chúng online; và tạo ra những sự kiện mới trên mạng để kết nối với người nhà, cộng sự, bạn hữu,… Thậm chỉ chỉ cần mười phút hỏi thăm nhau cũng có thể tạo sự khác biệt. Hãy lên lịch cho hoạt động này hàng ngày hoăc hàng tuần từ trước để các bạn có điều gì đó để trông đợi. Có điều đừng quên nghĩ cho những người không có điều kiện kết nối công nghệ hoặc những người cần được hỗ trợ thêm.

2. Bao bọc bản thân trong sự ấm áp
Cuộn mình trong một chiếc mền ấm, tắm nước nóng, hoặc uống một tách trà nóng có thể giúp xoa dịu cơ thể và tinh thần của bạn. Sự ấm áp của chúng giúp bạn liên tưởng đến những đụng chạm cơ thể và sự gắn bó. Comfort food cũng có thể cho tác dụng tương tự: Chúng là bạn cảm thấy an toàn và được quan tâm.

3. Đắm chìm vào thế giới giả tưởng
Những câu chuyện hay nhất thường là những câu chuyện khiến chúng ta thật sự quan tâm đến các nhân vật trong đó như thể chúng ta quen biết họ. Giới nghiên cứu đề xuất: Trong những lúc bạn cô đơn, các nhân vật giả tưởng trong phim, sách,… có thể cho tác dụng như “social surrogates” (tạm dịch: “thế thân xã hội”) để giúp bạn cảm thấy bớt cô độc.

4. Làm việc tốt
Một trong những cách hay nhất để xoa dịu nỗi cô đơn đó là làm việc tử tế. Khi chúng ta gặp khó khăn, việc giúp đỡ người khác có thể cho ta cảm giác mình không đơn độc và sự hiện diện của mình có ý nghĩa. Bên cạnh việc giúp đỡ ai đó trực tiếp (nếu được), bạn cũng có thể làm việc tốt từ xa.

5. Dành thời gian ở giữa thiên nhiên
Nếu bạn may mắn sống gần một công viên, rừng, núi,… không đông đúc, việc dành thời gian ở ngoài trời có thể giúp bạn thấy hạnh phúc và bớt lẻ loi, kể cả khi bạn làm điều đó một mình. Tận hưởng khung cảnh thiên nhiên cũng được cho là đem lại nhiều lợi ích về sức khỏe, như cải thiện hệ miễn dịch.

6. Xem lại ảnh cũ và ôn lại những kỷ niệm
Nếu trước giờ bạn vẫn muốn sắp xếp lại những tấm ảnh chụp và video của gia đình mình, thì đây là thời điểm lý tưởng cho việc đó. Nếu bạn tình cờ tìm được những hình ảnh hoặc tư liệu quý giá, hãy gửi chúng qua email cho những người có liên quan để bạn và họ có thể cùng nhau ôn lại những kỷ niệm. Hoạt động này có nhiều lợi ích về mặt tâm lý, như giúp bạn cảm thấy thêm gần gũi với những người bạn thương yêu.

7. Tìm một hoạt động tập thể nào đó
Nếu việc giãn cách xã hội làm bạn có nhiều thời gian rảnh ở nhà, một cách hay để giết thời gian đó là chơi trò chơi hoặc giải đố (bạn có thể chơi từ xa cùng bạn bè), hoặc tham gia hoạt động sáng tạo như vẽ hay đan lát,… Những hoạt động đòi hỏi sự tập trung này sẽ giúp bạn có niềm vui lâu dài và xua đi những suy nghĩ, tâm trạng tiêu cực.

8. Tham gia lớp thể dục thể thao trực tuyến
Các lớp thể dục thể thao có tiếng là đem lại sự nâng đỡ về mặt xã hội và tạo bối cảnh cho việc tập luyện, khí thế của một huấn luyện viên nhiệt huyết cũng giúp bạn phấn chấn hơn. Nếu thời gian này, bạn không được đến lớp thể dục thể thao mà trước đây bạn thường đến, hoặc bạn đang tìm cách mới để luyện tập, hãy thử tham gia một live streamed workout class (lớp thể dục trực tuyến), hay theo học một personal trainer (huấn luyện viên cá nhân) có cung cấp những virtual sessions (buổi học ảo).

9. Nghe nhạc và hát
Ca hát có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Hát theo một giọng hát nào đó được thu sẵn cũng là một cách kết nối, đặc biệt là khi bài hát đó gợi lên cảm xúc chung nào đó.

10. Cầu nguyện hoặc thiền
Nhiều hình thức cầu nguyện và thiền có liên quan đến việc gửi những suy nghĩ tích cực và lời cầu chúc đến người khác. Dù bạn theo tôn giáo nào đi nữa, dành thời gian nghĩ đến những ý nghĩ yêu thương có thể có tác dụng chữa lành. Ví dụ, loving-kindness meditation (thiền định yêu thương) là hình thức thiền bằng cách thầm nhẩm đi nhẩm lại những câu như “May you be happy” (“Mong bạn được hạnh phúc”) và “May you be free from suffering” (“Mong bạn thoát khỏi khổ đau”) dành cho bản thân và những người bạn yêu quý, sau đó dần dần mở rộng ra với mọi người trên thế giới, và tất cả các sinh vật. Giới nghiên cứu cho rằng họat động này có thể giúp tăng cảm giác kết nối xã hội cũng như cảm giác chấp nhận bản thân. Đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn như thế này, thiền và cầu nguyện có thể giúp bạn củng cố lòng bác ái theo nghĩa rộng.

Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine