Khoá học nails

11 thói quen của một gia đình lành mạnh

Sau hơn hai thập niên khảo sát và nghiên cứu, người ta nhận thấy một gia đình lành mạnh có những thói quen đơn giản mà quan trọng sau đây:

Up Vietbeauty Gia Dinh Lanh Manh - baogiadinh.vnẢnh: Pexels / Pixabay

1. Ăn cùng nhau
Khi một gia đình ngồi lại dùng bữa cùng nhau, các thành viên có xu hướng ăn uống những thực phẩm lành mạnh hơn. Nghiên cứu còn cho thấy những bữa ăn gia đình giúp trẻ nhỏ có thành tích học tập tốt hơn và biết tránh hút thuốc, nhậu nhẹt, và chất gây nghiện. Nếu gia đình bạn chưa có thói quen dùng bữa cùng nhau, các bạn có thể đặt mục tiêu ngồi ăn chung với nhau hai bữa mỗi tuần, sau đây tăng dần lên cho đến khi việc ăn cùng nhau trở thành một thói quen.

2. Nấu ăn cùng nhau
Tương tự, việc chuẩn bị bữa ăn cùng nhau cũng có lợi cho các thành viên trong gia đình. Các món ăn nấu tại nhà thường lành mạnh hơn, và cả gia đình dành thời gian ở bên nhau khi nấu nướng sẽ giúp tạo ra những kỷ niệm đẹp. Những đứa trẻ được học nấu ăn cũng sẽ phát triển được một số kỹ năng sống quý giá. Hơn thế nữa, do là công việc chung của cả gia đình nên người bố hoặc người mẹ không phải gánh vai trò nấu nướng một mình.

3. Cùng nhau lên kế hoạch cho các chuyến đi chơi
Việc bố mẹ cho các con đóng góp ý kiến khi lên kế hoạch cho những chuyến đi chơi sẽ giúp trẻ có cơ hội giao tiếp và trình bày những điều trẻ muốn làm, đồng thời cân nhắc ý kiến của những thành viên khác và thậm chí là học cách thỏa hiệp. Một chuyến đi chơi như vậy bảo đảm trẻ sẽ ít than phiền hơn vì trong chuyến đi có những hoạt động mà trẻ thích.

Xem thêm:  Những lợi ích sức khỏe của việc nuôi chó

4. Tôn trọng thời gian ở một mình của nhau
Bên cạnh thời gian tụ họp với nhau, việc các thành viên gia đình thỉnh thoảng muốn dành thời gian ở một mình là điều bình thường và lành mạnh. Thời gian ở một mình cho phép người ta suy ngẫm, thả lỏng, giải quyết vấn đề và nhiều lợi ích khác. Những gia đình lành mạnh sẽ biết tôn trọng thời gian ở một mình của từng thành viên trong nhà.

5. Học cách lắng nghe
Trong một gia đình lành mạnh, cha mẹ không chỉ biết nói mà còn biết lắng nghe con cái, và ngược lại. Những gia đình có thói quen giao tiếp hai chiều như vậy thường hiểu nhau nhiều hơn, và vì thế mà thân thiết với nhau hơn.

6. Có lịch trình chăm sóc sức khỏe
Nếu các bạn muốn gia đình mình có những thói quen lành mạnh, việc chăm sóc sức khỏe phải trở thành một “routine” cho mọi thành viên trong nhà. Điều này có thể có nghĩa là cả nhà cùng đánh răng vào một giờ cố định vào buổi tối; hoặc không ai ăn đồ ngọt sau một giờ nào đó trong ngày; có kế hoạch kiểm tra sức khỏe định kỳ cho các thành viên; ngưng xem ti-vi hay dùng máy vi tính sau một giờ nào đó; và mọi người cố gắng ngủ đủ giấc mỗi tối; v.v…

7. Vận động
Các hoạt động thể chất – như đi bộ, đạp xe đạp,… – có thể được gia đình bạn thực hiện cùng nhau. Hãy lên lịch cho các hoạt động vui chơi cuối tuần. Vào dịp sinh nhật của thành viên nào đó, mọi người có thể tổ chức một cuộc chạy đua trước khi cắt bánh.

Xem thêm:  Làm gì khi mèo nhà bạn bị rối loạn lo âu chia cách?

Vận động thể chất thường xuyên cũng giúp mọi người đảm nhận vai trò của bản thân trong gia đình hiệu quả hơn.

8. Dành cho các thành viên thời gian downtime
Nếu bạn thấy ai đó hoặc mọi người trong gia đình mình quá bận rộn và tất bật với các nhiệm vụ hàng ngày, hãy tạo điều kiện cho người đó hoặc cho mọi người (bao gồm bản thân bạn, vợ/chồng bạn và bọn trẻ) được nghỉ ngơi. Dành ra một sáng thứ bảy xem phim hoạt hình với các con. Dành ra một ngày cuối tuần không làm gì và tùy cơ ứng biến… Nếu những ngày năng động giúp gia đình bạn khỏe mạnh về thể chất, đôi khi những ngày thư giãn và không làm gì có thể giúp ích cho sức khỏe tinh thần của các bạn.

9. Học cùng nhau
Kể cả khi bạn đã là người lớn, tinh thần học hỏi suốt đời sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều. Tinh thần học tập suốt đời là một chìa khóa giúp bạn thành công.

Cả gia đình bạn có thể cùng nhau xem các chương trình giáo dục hoặc phim tài liệu. Cùng nhau tổ chức một family book club. Hoặc viết một cuốn sách nếu các bạn thích. Con của bạn không phải người bằng vai phải lứa với bạn trên nhiều mặt, nhưng cùng con học hỏi những điều mới là một cách giúp bạn hiểu con hơn một chút, khích lệ tinh thần ham học của con, đồng thời cho con biết bạn là một ông bố/bà mẹ có tư duy cởi mở.

Xem thêm:  VIETBEAUTY’S STYLE GUIDE: BEST OF BLUE

10. Cùng nhau xem tin tức
Đây là cơ hội để bạn giúp con “tiêu hóa” những thông tin mà sau này cháu khó tránh khỏi: những vụ xả súng ở trường học, chiến tranh,… Việc cả gia đình dành thời gian tiếp nhận, bàn luận và xử lý dòng thời sự đang diễn ra là một việc lành mạnh.

11. Cởi mở và trung thực
Cởi mở và trung thực là hai yếu tố hàng đầu giúp bạn xây dựng những mối quan hệ tích cực – không chỉ với những người xung quang bạn, với người bạn đời, mà còn với con cái,…

Vì vậy bạn cần trung thực với mọi thành viên trong gia đình. Đừng giấu giếm điều gì. Nếu bạn muốn bạn đời và con cái bạn cởi mở và trung thực với bạn, bạn cũng cần cởi mở và trung thực với họ. Đây là nền tảng để mọi người tin tưởng lẫn nhau.

Lời kết
Đời sống gia đình có thể phức tạp. Không phải gia đình nào cũng có thể được mô tả là “healthy” (“lành mạnh”). Nhưng nếu bạn mong muốn xây dựng một gia đình “healthy”, các chỉ dẫn trên đây có thể là gợi ý cho bạn.

Mặc dù những gia đình khác nhau có thể được lợi từ các phương thức riêng của chính họ, một điều luôn luôn đúng đó là: Nỗ lực xây dựng một gia đình lành mạnh là sự đầu tư luôn tạo ra lợi nhuận.

Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine

Được gắn thẻ