Bạn vừa có một ngày vất vả. Bạn về nhà và chỉ muốn ngủ một giấc, nhưng người bạn đời đến bên bạn, chạm vào eo bạn và nháy mắt đề nghị “họp giao ban” với bạn? Nếu bạn muốn từ chối anh/cô ấy, hãy thử áp dụng 3 bước sau đây:
Nếu bạn không có tâm trạng để làm “chuyện ấy” khi người bạn đời đề nghị, một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm là giải thích tại sao bạn không có tâm trạng.
Nhiều người dễ tự ái khi bị bạn tình từ chối “giao ban”. Họ có thể nghĩ: “Chắc anh/cô ấy không thấy mình hấp dẫn nữa”, “Chắc anh/cô ấy giận mình” hoặc “Chắc anh/cô ấy hết yêu mình rồi.”
Vì thế nếu bạn quá mệt để có thể làm “chuyện ấy”, hãy nói ra. Nếu bạn vừa có một ngày dài với căng thẳng trong công việc, hãy cho bạn đời biết. Việc đó giúp bạn đời của bạn hiểu thế giới nội tâm của bạn hơn một chút và biết rằng bạn không hứng thú với tình dục không phải là do bạn hết yêu thương anh/cô ấy.
Hoặc, nếu bạn không hứng thú với “giao ban” đích xác là vì lỗi từ người bạn đời (chẳng hạn, hai bạn cãi nhau và đã nhiều ngày chưa làm lành,… ), cũng hãy nói cho anh/cô ấy biết. Đừng ngại nói về những đề tài khó khăn với nhau để giải tỏa căng thẳng, hóa giải im lặng và hiểu lầm giữa đôi bên.
2. Đề xuất một thời điểm khác – (tương đối) sớm
Hãy nghĩ việc bạn khước từ “chuyện ấy” với bạn đời cũng tương tự như lập kế hoạch đi chơi với bạn bè. Nếu bạn mời một người đi ăn, và người đó trả lời “không”, nghe cũng có vẻ hơi sốc. Bạn có thể sẽ băn khoăn: “Có phải người đó bận vào tối nay? Hay họ không muốn đi chơi với mình nữa? Họ giận gì mình chăng? V.v…” vì bạn không có đủ thông tin để xét đoán.
Nhưng, nếu bạn mời một người đi ăn tối, và họ nói: “Xin lỗi tối nay mình rất mệt và chỉ muốn ở nhà, nhưng nếu được thì tụi mình đi ăn vào tuần tới nhé!”. Điều đó cho thấy “không” ở đây chỉ là “không phải bây giờ”.
Tương tự, khi nói đến tình dục, một từ “không” nhát gừng có thể làm đối phương đau lòng. Họ cũng sẽ tự hỏi: “Không” như vậy kéo dài bao lâu? Họ có nên hỏi lại sau một giờ? Một ngày? Một tuần? Hay không bao giờ? Bạn đời họ muốn nói gì với họ khi từ chối “giao ban”?
Nhưng việc từ chối “chuyện ấy” sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn nếu bạn đề xuất một thời điểm khác cho quan hệ vợ chồng. Ví dụ như: “Hiện tại em không khỏe, nhưng có thể chúng ta sẽ thử vào cuối tuần nhé, khi mà hạn chót công việc của em đã qua?” (I’m not feeling it right now, but maybe we could try on the weekend, once my work deadline has passed?”), hoặc “Lát nữa vào tối nay sau khi anh đã chạy bộ xong” (“Later tonight after I go for a run?”) hay “Vào buổi sáng trước khi đi làm, sau khi em đã ngủ được một giấc ngon lành?” (“In the morning before work, after I’ve had a good sleep?”).
3. Tìm cách khác để kết nối
Chỉ vì bạn hiện đang không có tâm trạng cho “chuyện ấy” không có nghĩa là bạn không thể kết nối và thân mật với bạn đời theo cách khác.
Nghiên cứu cho thấy: Cả nam lẫn nữ nhận được nhiều điều từ tình dục hơn là chỉ khoái cảm thể xác đơn thuần. Vì thế kể cả khi hoạt động tình dục không là một phương án được bạn chọn, thì một sự âu yếm vuốt ve trìu mến, nắm tay, một cuộc đối thoại có ý nghĩa, hay thậm chí một trò chơi hoặc hoạt động nào đó hai bạn đều thích cũng giúp hai bạn kết nối.
Dù không phải là tình dục, nhưng nếu bạn đời bạn tìm đến bạn như một cách để cảm nhận sự gần gũi, vẫn có nhiều cách khác để các bạn gắn kết.
Lời kết
Từ chối đề nghị làm “chuyện ấy” của bạn đời với ba chiến lược trên không hoàn toàn đảm bảo là sẽ không nảy sinh bất đồng hoặc bạn đời của bạn sẽ không giận vì bạn nói “không” với anh/cô ấy. Nhưng kể cả khi mâu thuẫn nảy sinh, nếu các bạn quản lý và giải quyết mâu thuẫn một cách hiệu quả, việc đó sẽ giúp củng cố mối quan hệ của hai bạn.
Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine