Khoá học nails

6 lời khuyên chưa thật sự tốt mà bố mẹ không nên dạy con mình

… Và giải pháp thay thế – nếu bạn muốn con mình thành công và hạnh phúc về lâu dài:

 - baogiadinh.vn

Ảnh: parents.com

1. Trẻ thường được dạy: Hãy tập trung vào tương lai. Hãy nhìn vào phần thưởng trước mắt. (Focus on the future. Keep your eyes on the prize.)

Thay vào đó, hãy dạy trẻ: Sống/Làm việc trong khoảnh khắc hiện tại. (Live/Work in the moment.)

Một tâm trí lúc nào cũng tập trung vào tương lai – như hy vọng mình giành điểm cao trong học tập hoặc mơ mình vào đại học – sẽ có xu hướng dễ lo âu và sợ hãi. Một chút áp lực có thể giúp trẻ có động lực, nhưng áp lực thường xuyên và kéo dài dễ khiến sức khỏe và trí tuệ của trẻ suy yếu, trẻ có thể tập trung kém đi hoặc giảm trí nhớ. Kết quả là, việc tập trung quá nhiều vào tương lai có thể làm trẻ giảm năng lực trong hiện tại.

Trẻ sẽ hạnh phúc và dễ có thành tích tốt hơn nếu trẻ biết cách sống cho giây phút hiện tại. Khi cảm thấy hạnh phúc, các bé sẽ học nhanh hơn, tư duy sáng tạo hơn, và giải quyết vấn đề dễ dàng hơn.

Sống có mục tiêu là tốt. Nhưng thay vì bắt con luôn tập trung vào bước tiếp theo trong danh sách những việc cần làm, hãy giúp trẻ tập trung vào nhiệm vụ hoặc cuộc đối thoại mà trẻ đang có.

2. Trẻ thường được dạy: Áp lực là điều không tránh khỏi, hãy luôn thúc ép bản thân. (Stress is inevitable;  keep pushing yourself.)

Thay vào đó, hãy dạy trẻ: Hãy học cách thư giãn. (Learn to chill out.)

Trẻ nhỏ thường cảm thấy lo lắng về nhiều thứ, lo về điểm số và cảm thấy áp lực phải học tập tốt hơn. Đáng buồn là, xã hội chúng ta chưa nhìn nhận đủ nghiêm túc về các vụ tự tử vì nạn nhân không chịu được áp lực. Cách người lớn chúng ta sống thường truyền cho trẻ thông điệp rằng áp lực là một điều không tránh khỏi nếu muốn sống một cuộc đời thành đạt. Đè nén áp lực bằng rượu bia, thuốc ngủ hoặc Xanax,… không phải là lối sống lành mạnh để làm gương cho trẻ.

Là cha mẹ, bạn nên dạy con mình những kỹ năng cháu cần để giữ được cân bằng khi đối mặt với áp lực. Dù không thể thay đổi được đặc thù công việc và cuộc sống của mình, bạn có thể dạy con tập thiền (meditation), yoga, và cách thở để ứng phó với căng thẳng hiệu quả hơn.

Xem thêm:  Các quý ông, đây có thể là những lý do khiến vợ bạn luôn căng thẳng

Các công cụ này giúp trẻ vận dụng hệ thần kinh giao cảm “nghỉ ngơi và tiếp nhận” (parasympathetic “rest and digest” nervous system), thay vì phản ứng với căng thẳng kiểu “chiến hay biến” (“fight or flight” stress response).

3. Trẻ thường được dạy: Hãy giữ cho mình bận rộn. (Stay busy.)

Thay vào đó, hãy dạy trẻ: Tìm thấy niềm vui khi không làm gì cả. (Have fun doing nothing.)

Xã hội phương Tây thường đánh giá cao các cảm xúc tích cực có cường độ cao như sự hưng phấn (excitement), và ít khi coi trọng các cảm xúc có cường độ thấp như sự yên bình (calm). Không có gì sai khi sống trong trạng thái hưng phấn, vui vẻ, trải nghiệm những cái mới. Nhưng cảm giác hưng phấn kéo dài, cũng giống như cảm giác căng thẳng, sẽ khiến sinh lý chúng ta mệt mỏi do nó kích thích hệ thần kinh “chiến hay biến”.

Hơn thế nữa, nghiên cứu chỉ ra rằng não bộ chúng ta dễ nảy sinh những ý tưởng độc đáo hơn khi chúng ta thư giãn; giống như nảy ra sáng kiến nào đó khi ta đang tắm. Vì vậy, thay vì bắt trẻ lúc nào cũng bận rộn, hãy cho trẻ thời gian không-làm-gì-cả. Bất cứ tình huống nào cũng có thể là cơ hội cho trẻ tìm thấy niềm vui – như ngồi trong phòng chờ (waiting room) hoặc đi bộ đến trường,… Trẻ có thể chọn những hoạt động thư thái như đọc sách, dắt cho đi dạo, hoặc đơn giản là nằm dưới gốc cây ngắm mây bay,… Các trẻ có được những khoảng thời gian thư thái như vậy thường sáng tạo và năng nổ hơn. Những hoạt động như vậy còn giúp trẻ học cách thư giãn.

Mục đích ở đây không có nghĩa là bạn không được để trẻ thử sức trong những hoạt động mới hoặc bạn ngăn cản trẻ học hỏi. Mục tiêu ở đây là bạn không để trẻ quá bận rộn đến mức không có thời gian vui chơi độc lập, được ở một mình và được mơ mộng, được học cách tìm thấy niềm vui đơn giản từ việc tồn tại (being) thay vì phải làm (doing) một cái gì đó.

4. Trẻ thường được dạy: Hãy thể hiện những sở trường của con. (Play to your strengths.)

Thay vào đó, hãy dạy trẻ: Đừng sợ phạm sai lầm và hãy học cách thất bại. (Make mistakes and learn to fail.)

Cha mẹ thường có xu hướng nhận diện con của họ qua những sở trường của trẻ. Họ gọi con họ là “đứa giỏi toán” (“a math person”), “đứa hoạt bát” (“people person”), hoặc một “họa sĩ” (“artist”). Nhưng những quan niệm đó có thể đóng khung trẻ trong những lĩnh vực đó và khiến trẻ ít muốn thử những cái mới, những cái mà có thể trẻ không giỏi. Điều này dễ khiến trẻ lo lắng và buồn bực khi đối mặt với thất bại hoặc với thử thách mới. Tại sao? Tại vì trẻ tin rằng: nếu trẻ gặp trở ngại trong một lĩnh vực nào đó, tức là trẻ “không giỏi” lĩnh vực đó.

Xem thêm:  10 mẹo giúp người yêu xa nuôi dưỡng tình yêu

Nhưng não bộ chúng ta tiến hóa là để thích nghi với việc học những cái mới. Và học từ những sai lầm của chúng ta khi còn trẻ là một cách học rất tốt. Vì thế, thay vì nhận diện con theo sở trường của trẻ, bạn hãy dạy con rằng cháu có thể học bất cứ thứ gì – chỉ cần cháu cố gắng.

5. Trẻ thường được dạy: Hãy tự biết những điểm yếu của con, và đừng tỏ ra yếu đuối. (Know your weaknesses, and don’t be soft.)

Thay vào đó, hãy dạy trẻ: Hãy đối xử tốt với bản thân. (Treat yourself well.)

Khuyến khích trẻ tự ý thức về điểm yếu của bản thân là điều tốt, nhưng nhiều người lớn thường nghĩ rằng phê bình trẻ sẽ giúp trẻ tự cải thiện. Và những lời phê bình của cha mẹ đôi khi khiến trẻ tự chê trách bản thân mình. Nếu một người nói với con mình rằng trẻ cần cởi mở hơn, vô tình trẻ có thể cho rằng tính cách hướng nội bẩm sinh của mình là không tốt.

Nghiên cứu cho rằng tự chê trách (self-criticism) về cơ bản là sự tự hủy hoại (self-sabotage). Khi tự chê trách mình, trẻ sẽ chỉ thấy những khuyết điểm của bản thân, từ đó mất tự tin. Trẻ sẽ sợ thất bại, dẫn đến thể hiện không tốt, dẫn đến việc trẻ bỏ cuộc dễ dàng hơn, dẫn đến khả năng ra quyết định kém. Tự chê trách khiến trẻ dễ lo âu và buồn chán khi đối mặt với thử thách.

Thay vào đó, bố mẹ nên khuyến khích con mình xây dựng thái độ yêu thương bản thân (self-compassion). Hãy dạy trẻ đối xử với chính mình giống như khi trẻ đối xử với một người bạn mà trẻ yêu mến khi bạn ấy gặp thất bại hoặc đau buồn. Điều này không có nghĩa là trẻ được nuông chìu bản thân quá đáng hoặc lẩn tránh trách nhiệm khi trẻ phạm sai lầm. Điều này chỉ có nghĩa là trẻ không hành hạ bản thân mình. Ví dụ: một cháu bé có tính rụt rè (shy) nhưng biết yêu thương bản thân, có thể tự nói với mình rằng: thỉnh thoảng cảm thấy nhút nhát là chuyện bình thường, tính cách của bé đơn giản chỉ là bé không được cởi mở như nhiều người khác – và bé có thể đề ra cho mình những mục tiêu nhỏ, vừa sức mình để dần dần thoát khỏi vỏ ốc. Tư duy này sẽ giúp bé ứng phó tốt hơn trước những thử thách, giúp bé phát triển các kỹ năng xã giao mới, và học hỏi từ sai lầm.

Xem thêm:  6 trò chơi để giữ bé bận rộn trong lúc bạn du lịch cùng bé

6. Trẻ thường được dạy: Đây là một thế giới tàn khốc, nên hãy giao du với kẻ mạnh nhất. (It’s a dog-eat-dog world , so look out for Number One.)

Thay vào đó, hãy dạy trẻ: Bày tỏ lòng yêu thương với những người khác. (Show compassion to others.)

Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, việc có những mối quan hệ tích cực với những người khác là một yếu tố quan trọng để trẻ hạnh phúc, bình yên, khỏe mạnh và sống lâu. Các tác động này sẽ ảnh hưởng đến khả năng trí tuệ và thành công chung cuộc trong đời sống của trẻ.

Kể cả khi các kỹ năng của trẻ không thật sự xuất sắc, nhưng việc được người khác quý mến được xem là một trong những yếu tố dự báo đậm nét nhất cho thành công của trẻ. Nếu trẻ biết bày tỏ tình yêu thương với những người xung quanh, trẻ có thể tạo ra những mối quan hệ ấm áp thay vì chỉ tập trung vào bản thân. Khi đó trẻ sẽ dễ thành công về lâu về dài hơn – miễn là trẻ không để người khác lợi dụng mình.

Trẻ nhỏ thường có tố chất thương người và tốt bụng. Nhưng theo nhận định của một nhà tâm lý học, người trẻ cũng đang có xu hướng ngày càng chú ý đến bản thân. Vì vậy, điều quan trọng là bạn hãy khuyến khích trẻ nhỏ phát huy bản chất tốt đẹp của các bé là quan tâm đến cảm xúc người khác vào đặt mình vào vị thế người khác.

Thế giới này đúng là nhiều lúc không mấy dễ chịu. Nhưng thế giới sẽ bớt khắc nghiệt đi nhiều nếu chúng ta bớt chú trọng việc “cắt cổ” nhau và đề cao việc học cách sống tốt với nhau.

Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine

Được gắn thẻ ,