Khoá học nails

7 ý nghĩ nên từ bỏ khi bạn già đi

Khi bạn dần có tuổi, các suy nghĩ sau đây có thể sẽ xuất hiện trong bạn. Nhưng chúng độc hại, làm bạn tổn thương và sẽ kìm hãm sự tiến hóa của bạn. Hãy nhận diện và thay thế chúng bạn những suy nghĩ phù hợp hơn:

7 ý nghĩ nên từ bỏ khi bạn già đi - baogiadinh.vn

Ảnh: DariuszSankowski / Pixabay

1. It’s too late for me. (Mọi chuyện đã quá muộn với tôi rồi.)
Đây là một ý nghĩ không tốt. Dĩ nhiên, có thể bạn đã bỏ lỡ một vài thứ trong đời: như sinh con, cao thêm vài phân, hoặc hẹn hò với thần tượng của mình,…, nhưng khi “Mọi chuyện đã quá muộn với tôi” trở thành phương châm sống của bạn, tức là bạn đang đầu độc chính mình và ngăn cản bản thân đến với những cơ hội.

Tuổi già vẫn là không quá muộn để làm rất nhiều thứ. Khi bạn nhận ra mình đang có suy nghĩ “Mọi chuyện đã quá muộn với tôi”, sao không bắt tay vào làm ngay điều mà bạn cho là “đã muộn”? Hãy bắt tay vào tập luyện cho cuộc đua xe đạp cấp quốc gia nếu đó là điều từ nào đến giờ bạn vẫn muốn làm! Hãy tham gia một khóa học kinh doanh nếu đó vẫn là ước mơ bạn nung nấu trong lòng!…

Khi suy nghĩ là thuốc độc, hành động sẽ là thuốc giải độc.

2. My best self is behind me. (Những tháng ngày tươi đẹp nhất của tôi đã lùi lại phía sau.)
Suy nghĩ này sẽ khiến bạn buồn phiền, bởi bạn tin rằng giai đoạn tốt đẹp nhất của mình đã qua, đã mất đi mãi mãi. Cũng dễ hiểu nếu bạn nghĩ rằng những năm đôi mươi bạn có hình thể đẹp nhất; hay khi bạn còn trẻ lối sống của bạn rất năng động,… Thật khó để buông bỏ điều gì đó mà chúng ta từng yêu quý. Nhưng thay vì khóc thương cho một vài giai đoạn nào đó trước đây trong đời, sao bạn không tiếp tục phấn đấu?

Hãy tin rằng theo thời gian bạn sẽ ngày càng trở nên tuyệt vời hơn. Phần tốt đẹp nhất vẫn chưa đến. Hãy lập danh sách những điều độc đáo, riêng biệt và tuyệt vời ở bạn. Viết những ưu điểm mà bạn thích ở bản thân mình lên những tờ giấy nhắn và dán chúng ở những nơi bạn dễ thấy.

Xem thêm:  10 hoạt động cho người đón năm mới một mình

Hãy lập kế hoạch để khiến phần đời còn lại của bạn rực rỡ hơn. Chúng ta ai cũng có quãng đời mình bỏ lại sau lưng, nhưng chúng ta cũng còn một cuôc đời để sống ngay lúc này. Hãy cố hết sức mình tô điểm cho phần đời còn lại đó.

Đừng nghe lời người khác. Bạn hãy quyết định quãng đời còn lại của mình. Biến nó thành một câu chuyện khiến bạn hạnh phúc.

3. Nobody wants to hear from an old man/woman. (Không ai muốn nghe một ông/bà già nói chuyện.)
Có thật không? Sao bạn biết không ai muốn nghe? Gần đây bạn có cố gắng nói điều gì hay ho không? Bạn có mạnh dạn lên tiếng không? Hay bạn chỉ suy diễn là không ai thèm nghe mình? Có điều gì bạn thật sự muốn nói không? Đâu là những thông điệp quan trọng mà bạn muốn truyền đạt?

Chúng ta dễ cảm thấy mình mất đi chỗ đứng khi chúng ta già đi. Nhưng đừng viện cớ rằng không ai muốn nghe bạn, nhất là khi bạn không chịu nói gì.

Điều quan trọng nhất là hãy nói những điều thật sự ý nghĩa với bạn. Kể chuyện. Động viên ai đó. Viết blog. Và nhiều hình thức khác. Để tìm thấy những điều có ý nghĩa với bản thân, bạn phải lắng nghe chính mình. Bạn phải tìm ra những gì khiến bạn trăn trở và chú ý.

Vài câu chuyện phiếm xã giao thiếu chiều sâu không đủ để lôi kéo sự chú ý. Bạn có thể thử nghiệm nhiều cách khác nhau. Hãy thử bắt đầu bằng cách kể cho những người ngồi cùng bàn ăn tối với bạn một câu chuyện hài hước, nhiều thông tin thú vị và lôi cuốn.

4. Kids today… (Bọn trẻ bây giờ… )
Khi bạn thể hiện sự bất mãn với thế hệ trẻ bây giờ, tức là bạn đang nói về cách giáo dục của thế hệ mình, của bà của mẹ mình. Thái độ đó mệt mỏi và già cỗi lắm.

Sự thật là: Tuổi trẻ thời nào cũng tuyệt vời. Chỉ là mỗi thời có những khác biệt riêng. Tuổi trẻ ngày nay có những vấn đề riêng, thời thế riêng và những tri thức mới. Nếu bạn phán xét thanh niên bây giờ, tức là bạn đang đánh mất cơ hội kết nối với giới trẻ theo những cách ý nghĩa; và bạn cũng mất cơ hội tiếp cận tri thức mới, sức sống mới và những điều phi thường khác.

Xem thêm:  Giúp trẻ ứng phó với những ý nghĩ tiêu cực

Lời khuyên cho bạn: Hãy quan tâm đến các thế hệ trẻ. Kết bạn với chúng. Đặt cho chúng những câu hỏi mà bạn trăn trở. Đọc sách chúng đọc. Nghe nhạc chúng nghe. Nhảy những điệu nhảy của chúng. Lắng nghe những tư tưởng, quan điểm, thái độ của chúng với một tư duy cởi mở.

Cách hay nhất để trưởng thành ở độ tuổi này không phải là tìm cách cho bản thân trẻ mãi, mà là tiếp thu những ảnh hưởng của giới trẻ.

5. The past matters more than the future. (Quá khứ quan trọng hơn tương lai.)
Nếu thật vậy, thì chúng ta đầu tư cho tương lai của mình làm gì? Nếu quá khứ quan trọng hơn, thì chúng ta đã có thể tự mãn vì những gì đã đạt được, rồi ngồi lì trên ghế xem TV, nhậu cho đã, bỏ mặc thế giới và ngừng học hỏi. Ý nghĩ rằng quá khứ quan trọng hơn tương lai sẽ khiến chúng ta bế tắc, vì chúng ta không thèm phấn đấu cho tương lai nữa.

Dù bạn 49, 59 hay 99 tuổi, tương lai của bạn vẫn luôn quan trọng. Rất quan trọng. Tương lai của bạn quan trọng vì chỉ cần bạn còn sống, bạn luôn có tiềm năng làm bất cứ điều gì có ý nghĩa cho đời mình – thậm chí là cho người khác – trong tương lai.

Bạn muốn là ai trong tương lai? Hãy thiết kế nên tương lai của bạn. Hãy tin rằng tương lai của bạn quan trọng cho tới khi bạn chết, và niềm tin đó sẽ định hình con người bạn và những việc bạn làm sau này.

6. I don’t have much to offer. (Tôi không có nhiều để cho.)
Tất nhiên, tuổi tác có thể khiến bạn không còn gan góc và nhanh nhạy như lúc trẻ. Nhưng nếu bạn nghĩ mình không còn gì để trao tặng cuộc sống, điều đó có thể khiến bạn không còn ý chí cố gắng.

Một trong các cột mốc phát triển của quá trình già đi là ý muốn quan tâm và giúp đỡ các thế hệ tiếp theo. Bạn hãy sáng tạo trong cách thức đóng góp cho cuộc sống và cho người khác.

Xem thêm:  12 cách dễ dàng để khám phá điều gì đó mới mẻ về bản thân

7. I can’t bear another loss. (Tôi không chịu được thêm mất mát nào nữa.)
Đừng nghĩ vậy. Bạn sẽ lại trải qua mất mát, bởi cũng như việc già đi, mất mát là một phần của cuộc sống. Hãy tin bản thân đủ kiên cường để đương đầu với tất cả những điều đó.

Mỗi khi chúng ta nói mình không thể chịu thêm mất mát nào nữa – dù đó là mất người thân quen, thú cưng, của cải, hay một cái răng,… – tức là chúng ta đang “dọn đường” cho bản thân gánh thêm thống khổ. Chúng ta ngăn cấm mình đón nhận nỗi buồn của việc mất mát. Chúng ta phủ nhận vòng tuần hoàn của tự nhiên: chết và tái sinh là một phần của tự nhiên.

Khi chúng ta kháng cự những mất mát, tức là chúng ta chối bỏ vị trí của mình trong tự nhiên và xem nhẹ vai trò của bản thân trong vòng tuần hoàn tất yếu đó.

Hãy mở lòng đón nhận sự tiến triển của cuộc sống và vai trò của bạn trong đó. Bạn là một phần trong vũ trụ bí ẩn và màu nhiệm này. Bạn được tạo nên từ bụi sao. Hãy an yên chiêm ngưỡng cuộc sống với tất cả sự nhiệt thành.

Hãy chấp nhận các cảm xúc của bản thân. Cử hành những nghi lễ để tưởng nhớ. Tụ họp với những người khác để khẳng định sự kết nối của bạn trong bức tranh lớn của cuộc sống.

Hãy nhớ, những cảm xúc bạn có khi đối diện mất mát sẽ cho thấy bạn yêu quý những gì.

Vì vậy hãy yêu một cách sâu sắc.

Lời kết:
Đã đến lúc bạn thay đổi những suy nghĩ lỗi thời về tuổi già bằng những suy nghĩ và niềm tin mới, tốt đẹp hơn. Bằng cách thay đổi suy nghĩ của bản thân, bạn sẽ thay đổi chính mình. Bằng cách thay đổi chính mình, bạn sẽ thay đổi thế giới.

Được già đi là một điều kỳ diệu. Và bạn cũng là một điều kỳ diệu.

Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine

Được gắn thẻ