congdongnails.com

9 điều giáo viên của con bạn mong bạn hiểu

Một số điều sau sẽ giúp bạn phần nào hiểu được tâm tư của thầy cô giáo dạy con bạn, từ đó bạn có thể hợp tác với họ hiệu quả hơn:

1. Cha mẹ là những hình mẫu đầu tiên của con
Đúng là mạng lưới xã hội của trẻ sẽ mở rộng khi trẻ đi học: có thầy cô và bạn bè để trẻ học theo; nhưng cha mẹ vẫn là những người có ảnh hưởng và là hình mẫu quan trọng nhất cho đến khi trẻ kết thúc tuổi dậy thì. Bạn muốn con mình trở thành người thế nào, bạn cần làm gương cho con với những phẩm chất mà bạn muốn con mình có.

2. Muốn con có tính kỷ luật, hãy duy trì lịch sinh hoạt ổn định
Nhiều bậc cha mẹ muốn con “nghe lời” vì họ đang bực mình về việc gì đó con họ nói hoặc làm. Tuy nhiên, nếu bạn muốn có mình có ý thức trách nhiệm và hợp tác với bạn, bạn cần tạo cho con một môi trường với các quy định rõ ràng và nhất quán. Nhiều ông bố bà mẹ, sau một ngày mệt mỏi thường tỏ ra dễ dãi trong lịch sinh hoạt của trẻ, nhưng trẻ nhỏ thi hành tốt nhất khi chúng biết mình mong đợi gì từ những người xung quanh và những người xung quanh kỳ vọng gì ở chúng.

3. Bố mẹ có thể là “vật cản” đối với quá trình học hỏi của con
Muốn con mình học giỏi, nhiều ông bố bà mẹ thường quá tập trung vào điểm số. Phản ứng của họ trước điểm số của con vô tình hình thành quan niệm của trẻ về thất bại: bị điểm kém sẽ khiến trẻ nghĩ rằng mình là đứa vô tích sự. Bạn nên tập trung ghi nhận các cố gắng của con để xây dựng cho con “tư duy phát triển” (“growth mindset”); tư duy này giúp trẻ hiểu rằng mình có thể cố gắng phấn đấu để giành được thành công trong tương lai, chứ không nhụt chí chỉ vì kết quả hiện thời chưa được tốt. Hãy giúp con bạn xây dựng ý chí kiên cường – đó là sự kết hợp của hai yếu tố quan trọng: nhận định tích cực về giá trị bản thân (positive self-worth) và thái độ lạc quan (optimism).

4. Khi không ở bên bố mẹ, trẻ có thể sẽ cư xử khác
Trẻ em có thể đánh giá môi trường xung quanh tốt hơn chúng ta nghĩ và điều chỉnh hành vi của chúng dựa trên các kỳ vọng và hệ quả. Điều đó có nghĩa là trẻ sẽ thay đổi hành vi của mình trong những tình huống không có bố mẹ bên cạnh. Một đứa trẻ ngoan hiền trước mặt bố mẹ có thể tỏ ra ngỗ ngược ở trường với bạn bè và thầy cô. Nếu giáo viên của cháu nhà bạn (rất ngoan khi ở nhà) phản ánh với bạn rằng ở lớp cháu không ngoan, hãy tin lời giáo viên. Sau đó hãy đưa ra hình thức kỷ luật nào đó cho cháu khi cháu ở nhà. Các ông bố bà mẹ cần đứng về phía thầy cô giáo của con mình để phối hợp ăn ý trong giáo dục trẻ.

5. Đôi khi bố mẹ có những suy nghĩ thiếu công bằng
Một số bố mẹ thường cho rằng giáo viên lúc nào cũng có đầy đủ sự kiên nhẫn và tự chủ trước một lớp học vài chục đứa con nít (mà những đứa trẻ này thường đến từ các hoàn cảnh gia đình khác nhau). Suy nghĩ này không phải lúc nào cũng đúng và khá bất công với giáo viên.

6. Cho con đến trường không có nghĩa rằng bạn giao hết trách nhiệm giáo dục con cho nhà trường
Là cha mẹ của trẻ, bạn cần tích cực cùng giáo viên đảm nhận vai trò giáo dục con, có như vậy trẻ mới có thể phát triển toàn diện và lâu dài.

7. Không phải lúc nào giáo viên cũng có thể “trao đổi vài ba câu” với phụ huynh
Có thể bạn tình cờ bắt gặp giáo viên của con đi ngang qua bạn trong lúc bạn chờ đón con, và bạn bắt chuyện với giáo viên đó: “Cô thấy con tôi dạo này thế nào hả cô?” (“How do you think my child is doing?”) hoặc: “Tôi muốn nói chuyện với thầy về việc hôm qua” (“I’d like to talk to you about yesterday’s situation”), nhưng không phải lúc nào thầy/cô đó cũng có thời gian cho những cuộc nói chuyện đột xuất như thế. Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, các giáo viên thường có thời khóa biểu rất bận rộn. Nếu bạn muốn nói chuyện với giáo viên của con mình, bạn cần xin lịch hẹn trước với giáo viên, khi mà họ đã có sự chuẩn bị, có thời gian và có thể tập trung nghe những gì bạn cần nói.

8. Hầu hết giáo viên đều mong đợi những gì tốt lành nhất cho con của bạn
Phần lớn giáo viên đều yêu nghề, yêu trẻ và cố gắng rất nhiều để học sinh của họ được lợi nhiều nhất từ các hoạt động ở trường. Một số bậc cha mẹ cho rằng giáo viên là kẻ nói dối, xử tệ với con của họ và không quan tâm đến con họ đúng mức; nhưng thật ra, trong hầu hết trường hợp, các giáo viên luôn thành thật, công bằng, và muốn giúp con của bạn vượt qua những vấn đề các bé gặp phải. Nếu bạn hiểu được điều này, việc đó sẽ giúp công việc của các thầy cô trở nên dễ dàng hơn.

9. Phần lớn giáo viên không có thời gian trò chuyện với từng đứa trẻ hàng ngày
Thông thường, một giáo viên ở trường phải quản chừng 30 đứa trẻ. Sẽ rất khó để người thầy/cô đó quan tâm riêng biệt đến từng em học sinh. Giáo viên thường dùng những nguồn lực hạn chế (về thời gian, công sức,…) của mình cho những em học sinh cần thầy/cô ấy nhất. Họ không dư dả thời gian để ăn trưa xã giao hoặc cùng một học trò nào đó tham gia các sự kiện xã hội thường xuyên của em ấy. Là cha mẹ, bạn cần hiểu điều này và có kỳ vọng thực tế dành cho giáo viên của con mình.

Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine