Đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp phải lao đao. Phải làm gì để doanh nghiệp trụ vững trong những cơn khủng hoảng như thế này và kể cả sau đó? Sau đây là một vài gợi ý cho bạn:
Ảnh: cegoh / Pixabay
Hầu hết các doanh nghiệp chỉ tập trung vào một hoặc vài sản phẩm chủ lực. Coronavirus cũng như các lệnh cách ly xã hội đã làm giảm năng suất sản xuất của họ và những thay đổi trong nhu cầu đang khiến nhiều chủ doanh nghiệp phải cân nhắc và xác định xem họ có nên mở rộng hay tái tổ chức lại doanh nghiệp mình – để hỗ trợ hoặc chí ít là thích nghi với khủng hoảng và sau khủng hoảng hay không.
Trước tình hình dịch bệnh, LVMH – công ty mẹ của hãng thời trang Louis Vuitton – đã tuyên bố họ sẽ sản xuất dung dịch vệ sinh tay và cung cấp miễn phí cho các bệnh viện ở Pháp. Các doanh nghiệp khác như Prnod Ricard, Diageo và Anheuser-Busch cũng có động thái tương tự.
Nhiều doanh nghiệp trên khắp thế giới cũng chuyển sang sản xuất những mặt hàng liên quan đến COVID-19 – như khẩu trang, áo choàng y tế và máy thở.
Với sự gia tăng nhu cầu đối với dịch vụ giao thức ăn, nhiều nhà bán lẻ đã kịp thích ứng và tạo ra việc làm cho những người bị mất việc vì dịch bệnh.
Liệu những nỗ lực này có được các doanh nghiệp duy trì sau khi dịch bệnh qua đi hay không? Chúng ta chưa biết câu trả lời, nhưng những động thái tiên phong và đầy tâm huyết của họ đã giúp bảo toàn lực lượng lao động của họ và phục vụ cho những điều lớn lao – có thể giúp danh tiếng của họ thêm bền vững.
Thậm chí nếu một doanh nghiệp không thể tìm cách hỗ trợ trong những khủng hoảng thế này, điều chỉnh các chiến lược của doanh nghiệp cho phù hợp với tương lai vẫn là điều then chốt. Với tình hình dịch bệnh và các diễn biến liên quan đang diễn ra ở nhiều nước, nhiều nhà lãnh đạo và quản lý sẽ có thời gian suy nghĩ về các phương án này.
Hỗ trợ người dân và các cộng đồng
Trên khắp thế giới, chúng ta nhìn thấy nhiều người giàu có đã đáp lời kêu gọi, đóng góp hàng triệu đô cho việc đẩy lùi dịch bệnh và hỗ trợ các nhu yếu phẩm.
Các chính phủ cũng đưa ra những gói cứu trợ cho những đối tượng cần đến chúng.
Bên cạnh tác động của dịch bệnh lên nhiều người dân ở nhiều nước, tình trạng bất bình đẳng xã hội (đói nghèo,…) và biến đổi khí hậu sẽ luôn là những vấn đề nhức nhối.
Lúc này, sẽ có chỗ cho những doanh nghiệp biết vượt trên mưu cầu lợi nhuận cho bản thân để chung tay ứng phó với một vấn đề lớn nào đó.
Dù rằng không phải tổ chức nào cũng có thể theo đuổi các mục tiêu nhân đạo vô tư trên diện rộng như các tỉ phú hay các chính phủ, nhưng mọi sự đóng góp đều có ích. Chủ doanh nghiệp có thể có những động thái đảm bảo đời sống của công nhân viên của mình trong giai đoạn cách ly xã hội – để hỗ trợ sức khỏe và sự ổn định của các cộng đồng địa phương. Tìm các cách giúp đỡ những cộng đồng từng giúp doanh nghiệp vượt qua những cơn khủng hoảng như thế nàỳ, dù ở một mức độ hẹp, cũng là động thái đáng hoan nghênh.
Dành thời gian đánh giá lại
Nếu doanh nghiệp của bạn không thể đóng góp vào cuộc khủng hoảng hiện nay theo bất cứ cách nào, và bạn lo lắng không biết tương lai sẽ đem lại những gì, thì đây là lúc thích hợp để suy nghĩ và đánh giá lại các ưu tiên, kế hoạch và chiến lược của doanh nghiệp bạn.
Các bạn có thể khai thác giai đoạn cách ly xã hội theo hướng tối ưu. Hãy dùng thời gian này để xây dựng những thói quen mới, tích cực – 21 ngày là đủ để hình thành những thói quen mới! Đây cũng là thời gian để đầu tư vào đội ngũ nhân viên và các đối tác kinh doanh, dù đó là hỗ trợ tài chính, tinh thần, hay cho phép họ nghỉ ngơi,… Các bạn có thể tổ chức những buổi họp từ xa để mọi người có thể chia sẻ những tâm tư tình cảm và động viên nhau. Các bạn cũng có thể cùng nhau tập thể dục từ xa trong 20 phút. Hãy nghĩ ra các cách giữ cho tập thể của bạn mạnh mẽ, khỏe mạnh và có động lực.
Trên khía cạnh kinh doanh, thời gian này cũng có thể được dùng để đánh giá lại những tâm điểm trong kinh doanh, các quy trình làm việc, các chiến lược đầu tư và phòng ngừa khủng hoảng trong tương lai. Hãy nhận diện các điểm yếu hiện có và tìm cách khắc phục chúng trong những năm tới.
Hiện thời có nhiều điều chúng ta cần nghĩ đến. Lịch sử đang được viết ra, và theo một cách nào đó, tương lai cũng vậy. Cùng với những tác động của đại dịch, sẽ có nhiều cơ hội hơn được hé lộ. Những người chiến thắng không chỉ là những người có thể thích ứng và phản hồi kịp thời mà còn là người tìm thấy mục đích của mình sau cơn đại dịch, khi mà chúng ta bước vào một thế giới mới.
Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine