Tình trạng bắt nạt (bullying) có thể được bắt gặp ở nhiều nơi: ở trường học, trên đường phố, ở trại hướng đạo sinh, v.v…Việc bị bắt nạt khiến nạn nhân hứng chịu nhiều tổn thương về tinh thần lẫn thể chất. Những tổn thương này có thể diễn tiến âm ỉ và dai dẳng trong suốt cuộc đời nạn nhân.
Ảnh: Internet
Người chịu tổn thương vì bị bắt nạt có thể có ý định tự tử, hoặc nuôi dự định xả súng vào người khác, hoặc bị trầm cảm, lo âu, hay lạm dụng chất gây nghiện,…
Vậy tại sao hiện tượng bắt nạt lại vẫn cứ tiếp tục diễn ra? Theo chúng tôi, những người đứng ngoài cuộc đóng vai trò quan trọng trong việc cổ vũ cho những kẻ bắt nạt. Làm cho những người đứng ngoài cuộc thay đổi hành vi có thể làm giảm đáng kể tệ nạn bắt nạt và nhiều hệ lụy của tệ nạn này.
Hơn 80 phần trăm các vụ bắt nạt diễn ra trước mặt những người chỉ đứng xem, và 57 phần trăm các em học sinh cho biết hàng năm mình từng chứng kiến người khác bị bắt nạt. Đồng thời, khảo sát cho thấy việc có người đứng xem là một trong những động lực chính khiến bọn bắt nạt thực hiện trò bắt nạt của chúng: Ăn hiếp một bạn đồng trang lứa là một cách hay để chúng nâng cao tiếng tăm và được coi trọng – nhiều kẻ bắt nạt cho biết.
Khi tình trạng bắt nạt diễn ra, phần lớn người đứng ngoài cuộc không làm gì để ngăn cản việc đó, thậm chí còn cười đùa, chế nhạo góp vào, và ủng hộ kẻ bắt nạt. Khảo sát trên các em học sinh cho thấy mặc dù chỉ một số ít thú nhận là thích nhìn người khác bị bắt nạt, nhiều em nói rằng mình không có bổn phận phải ngăn điều đó, hoặc sợ rằng mình sẽ bị vạ lây khi can thiệp, hay là bị bạn khinh vì đem việc đó méc với người lớn.
Bên cạnh đó, nhiều nạn nhân bị bắt nạn nhanh chóng nhận ra khi đem báo cáo việc này với người lớn, những người lớn này thường quay sang đổ lỗi cho nạn nhân, đồng thời phớt lờ lời báo cáo của nạn nhân, thậm chí là trừng phạt nạn nhân.
Nhưng các khảo sát ở trường học cho thấy: Khi những người ngoài cuộc dám bước lên và bảo kẻ bắt nạt dừng lại, hành vi bắt nạt gần như được ngăn chặn ngay tức thì.
Theo một bài báo được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Giáo dục (Journal of Educational Research) năm 2021, tựa đề “Người ngoài cuộc là chìa khóa giúp chấm dứt nạn bắt nạt” (“Bystanders are the key to stopping bullying”), sau đây là một vài chiến thuật giúp khuyến khích các em nhỏ đứng lên bảo vệ người khác:
• Các video giúp xây dựng sự đồng cảm với các nạn nhân bị bắt nạt và thiết lập hình mẫu trong các hành vi can thiệp hợp lý. Ví dụ: Đó có thể là một phim kể về một em học sinh bị bắt nạt và sợ đến trường, nhưng vẫn bất chấp những nỗi đau, nỗi buồn và ám ảnh, chọn việc đến trường mỗi ngày. Trong phim còn có một em học sinh khác, vì ngưỡng mộ lòng dũng cảm của người bạn đó, mà quyết định bảo vệ bạn ấy khi bạn ấy bị bắt nạt bằng cách cương quyết nói với bọn bắt nạt: “Dừng lại”.
• Các vở kịch, trong đó, các em học sinh đọc vai kẻ bắt nạt, nạn nhân và những người đứng ngoài, để các em có thể trải nghiệm cảm giác của từng nhân vật. Các em có thể được làm mẫu về việc những người ngoài cuộc hợp lực với nhau cùng ngăn chặn những kẻ bắt nạt – hành động theo số đông sẽ giúp các em được an toàn.
• Giáo viên cần có hành vi rõ ràng và nhất quán. Cụ thể, thầy cô giáo và những người lớn khác cần đưa ra những hình thức xử lý đúng đắn đối với kẻ bắt nạt, không phớt lờ vụ việc hoặc trừng phạt các em học sinh khi các em này báo cáo việc mình bị bắt nạt hoặc thấy bạn khác bị bắt nạt.
• Thông qua kịch và phim, hãy giúp các em hiểu được các em sẽ được tôn trọng nhiều hơn nếu dám dũng cảm ngăn chặn bọn bắt nạt. Ví dụ: Bạn có thể cho các em xem một bộ phim có cảnh những người ngoài cuộc không vây quanh khen ngợi kẻ bắt nạt, mà vây quanh khen ngợi một bạn dũng cảm đã dám đứng ra bảo vệ nạn nhân.
Biện pháp cuối có thể là biện pháp hữu hiệu nhất, vì nó đánh trúng tâm lý của hầu hết kẻ bắt nạt và những người đứng xem: địa vị xã hội (social status) của các em.
Bọn bắt nạt tìm cách nâng cao địa vị xã hội của chúng bằng cách bắt nạt nạn nhân. Trong khi đó, người ngoài cuộc sợ đánh mất địa vị xã hội của mình nếu can thiệp vào – và thậm chí là bị bọn bắt nạt đánh. Còn nạn nhân thì có thể đã học một bài học rằng đem chuyện đó méc với người lớn chỉ khiến địa vị thảm hại của mình trở nên thấp kém hơn.
Đối với phần lớn trẻ em tuổi đi học, gần như không gì quan trọng bằng việc được bạn bè tôn trọng và chấp nhận. Nếu những em học sinh đứng ngoài cuộc không xem, không hưởng ứng và thậm chí là dám chống lại kẻ bắt nạt, chúng tôi tin một vở kịch không có khán giả sẽ nhanh chóng bị hủy bỏ.
Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine