Khi bạn chào mời một sản phẩm hay dịch vụ mới nào đó cho thị trường, rất có thể sẽ có những khách hàng quan tâm đển sản phẩm/dịch vụ đó nhưng nhu cầu của họ không phù hợp với những nhu cầu mà bạn nhắm tới. Và sẽ có lúc bạn muốn nói “không” với những đối tượng như vậy.
Khi bạn là một doanh nghiệp kén chọn khách hàng, có khả năng bạn sẽ gặp một “khoảng trống” (“gap”) giữa việc có nhiều khách hàng đem lại giá trị thấp mà bạn không muốn mặn mà phục vụ, với việc tận hưởng những mối quan hệ chất lượng cùng các khách hàng đem lại giá trị cao cho doanh nghiệp bạn.
Nhiều người tự hỏi phải làm gì khi đối mặt với khoảng trống đó – làm sao để tìm được những khách hàng mới, phù hợp với sứ mệnh doanh nghiệp mình, đồng thời ứng phó với nỗi sợ không có khách hàng, mà vẫn giữ chân được những khách hàng cũ.
Không có đáp án nào dễ dàng cho điều đó, và tình hình kinh doanh của mỗi công ty cũng mỗi khác, nhưng sau đây là một vài chiến lược có thể giúp bạn ứng phó với “khoảng trống” đó hiệu quả hơn:
Tập trung vào những điều đúng đắn mà bạn đã lựa chọn
Chúng tôi không khuyến khích bạn phải dành thời gian phục vụ những đối tượng khách hàng nằm ngoài lĩnh vực chuyên môn mà bạn tập trung cung cấp. Những khách hàng đó sẽ làm chậm công việc kinh doanh của bạn và khiến bạn không có thời gian làm những điều cần thiết nhằm xây dựng danh tiếng thương hiệu của mình.
Hãy thử áp dụng nguyên tắc 80/20: Chọn ra các khách hàng mà bạn thấy là ít gây ảnh hưởng xấu đến dịch vụ/sản phẩm mới của bạn nhất – thường chiếm tỉ lệ khoảng 20 phần trăm tổng lượng khách hàng. Đây là những khách hàng trung thành, giữ chân họ sẽ được lợi chứ hiếm khi gây hại gì. Sau đó, hãy loại bỏ những người khác để bạn có thể chuyên tâm phục vụ các đối tượng này.
Khi liên hệ với 80 phần trăm còn lại, bạn hãy nói những câu như: “Chúng tôi đang chuyển đổi phương hướng kinh doanh và sau đây là cách chúng tôi làm việc”. Nếu họ đồng ý, tuyệt vời! Còn nếu họ không thích mô hình kinh doanh và giá cả mới của bạn, đừng ngại để họ ra đi. Đây có thể không phải việc dễ làm. Nhưng thay vì chỉ chú ý đến nguồn thu bị mất, hãy nhìn toàn thể bức tranh: bạn sẽ thấy mình có nhiều thời gian hơn để làm hài lòng những khách hàng có nhu cầu phù hợp với các tiêu chí kinh doanh của bạn.
Cố gắng hết mình
Thời gian bạn phải ứng phó với “khoảng trống” này dài hay ngắn phụ thuộc vào mức độ nỗ lực của bạn. Đừng chỉ cố gắng nửa vời – nếu không, mô hình kinh doanh mới của bạn có khả năng sẽ không thành công.
Bạn phải không ngừng lan tỏa thông điệp về sản phẩm/dịch vụ của mình cho mọi người – bằng cách tham dự các sự kiện, gọi điện cho các khách hàng tiềm năng, và bằng mọi phương thức chính đáng mà bạn có thể nghĩ ra.
Tìm kiếm những giá trị có lợi cho bạn
Chúng tôi hiểu: cầm được tiền trong tay là một việc rất hấp dẫn, nhất là khi bạn đang gặp đôi chút khó khăn trong tài chính, bạn sẽ muốn nhận lời phục vụ bất cứ khách hàng nào tìm đến bạn. Nhưng bạn phải đối xử với thời gian của mình giống như cách bạn đối xử với những đồng tiền bạn đã đầu tư.
Điều này không có nghĩa là bạn để cho mình chết đói. Nếu bạn cần tiền, hãy tìm ra các cách lồng ghép dịch vụ mới của bạn vào từng dự án sao cho bạn vẫn có được giá trị nhờ vào việc đó.
Khi bạn quyết định mình sẽ dành thời gian và công sức cho việc gì, cho ai, hãy nhớ rằng: chúng ta luôn tìm kiếm nhiều dòng giá trị khác nhau. Đôi khi giá trị không nằm ở tiền bạc, mà nằm ở chỗ gặp gỡ người mới và trau dồi tay nghề, và ở nhiều khía cạnh khác. Chỉ vì một hoạt động nào đó không tạo cho bạn thu nhập không có nghĩa là nó không có giá trị.
Lựa chọn phương hướng một cách khôn ngoan
Một sự thật là: những người gặp nhiều khó khăn nhất trong việc triển khai một thương hiệu mới đôi khi lại chính là những người thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực đó. Vì vậy, điều quan trọng là bạn hãy lựa chọn lĩnh vực hành nghề của mình dựa trên những kinh nghiệm bạn hiện có, chứ không chỉ với một ý tưởng đơn thuần. Nếu không có kinh nghiệm, bạn sẽ không có đủ sự tự tin để bám trụ với nghề đó.
Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine