congdongnails.com

Cách giúp những người bố gắn bó hơn với con mình

Khi con của bạn ngày càng lớn và trải qua những cột mốc khác nhau trong đời chúng, sự gắn bó với cha mẹ vẫn đóng vai trò quan trọng. Con trẻ cần biết rằng chúng còn có chỗ dựa và một mái ấm để trở về những khi có sóng gió trong cuộc đời. Sự hiện diện thường trực và đầy yêu thương của một người cha có thể giúp trẻ dễ thành công trong học vấn và trong xã hội hơn, vững vàng về tâm lý hơn, đồng thời chúng sẽ ít hành động dại dột hơn. Vì vậy, bạn hãy DUY TRÌ SỰ GẮN KẾT VỚI CON XUYÊN SUỐT CUỘC ĐỜI CHÚNG! Sau đây là một số ý tưởng giúp bạn nuôi dưỡng tình cảm cha con với trẻ:

Ảnh: freepik.com

Nương theo cảm xúc của con
Hãy chấp nhận và tôn trọng những cảm xúc của con. Kể cả khi bạn không hiểu được vì sao chúng lại bực mình vì những điều nhỏ nhặt, cũng hãy cố gắng tôn trọng quan điểm của trẻ. Cảm xúc của con trẻ cũng thật (real) như cảm xúc của người lớn chúng ta. Thay vì hỏi trẻ sao trẻ lại bực mình, bạn có thể bày tỏ sự thông cảm, nói với trẻ rằng bạn biết những chuyện này rất khó khăn với trẻ. Việc này không khó lắm đâu: hãy đặt bản thân vào vị thế của trẻ; trẻ cũng muốn được tôn trọng như người lớn chúng ta. Nếu là con mình, bạn sẽ thấy thế nào nếu bố nó xem nhẹ cảm xúc của nó?

Ưu tiên dành thời gian cho con
Kể cả khi bạn rất bận rộn, cũng hãy ưu tiên thời gian cho con mình: đưa trẻ đi chơi, đi ăn, cùng nhau tham gia khóa học nào đó, đọc sách, chơi xếp hình, vẽ tranh, xem phim, v.v… – hoạt động gì thật ra không quan trọng, miễn đó là những việc mà trẻ thích làm. Điều quan trọng là những kỷ niệm đẹp bạn cùng con tạo nên với tư cách là hai cha con. Đây là thời gian của trẻ, hãy để trẻ dẫn dắt bạn. Những khoảng thời gian này rất cần thiết cho trẻ.

Dành cho trẻ những đụng chạm lành mạnh và trìu mến
Gần như không có gì giúp tạo sự kết nối giữa người với người tốt hơn sự đụng chạm thể chất. Sự tiếp xúc thân thể lành mạnh và thân tình giúp não bộ sản sinh oxytocin, một chất giúp chúng ta cảm thấy hạnh phúc. Có nhiều cách để bạn dành cho trẻ những đụng chạm như vậy: một cái đập tay (high five), vỗ nhẹ vào lưng, ôm, hôn trán, cõng bé, âu yếm bé, chơi trò đấu vật, xoa đầu, v.v…

Khi có những đụng chạm với trẻ, hãy chú ý xem trẻ thích và không thích kiểu đụng chạm nào. Ví dụ, có những bé không thích bị thọc lét,… Bạn cần giúp trẻ thiết lập những giới hạn thể chất (physical boundaries) lành mạnh, vì thế khi chạm vào trẻ, hãy chú ý ngôn ngữ cơ thể và nhũng điều trẻ nói. Nếu có gì đó khiến trẻ khó chịu, đừng lặp lại hành vi đó với trẻ hoặc hỏi trẻ xem hành vi đó có làm trẻ bực mình không.

Là người cha đáng tin cậy
Nhu cầu được sống trong sự an toàn là một trong các nhu cầu cơ bản của chúng ta. Với trẻ nhỏ, thế giới đôi khi là một nơi đáng sợ. Nếu chúng biết rằng mình có thể trông cậy vào bố mẹ và được bố mẹ che chở, trẻ sẽ cảm thấy an toàn và tự tin hơn. Để có được sự tin tưởng của trẻ, bạn phải giữ lời hứa với con mình, biết xin lỗi và giải thích với con, thông cảm với con khi con buồn hoặc thất vọng,… Trẻ nhỏ thường bắt chước những hành vi chúng thấy được ở bố mẹ chúng. Nếu bạn dối trá, lừa lọc, trộm cắp, rất có thể chúng cũng sẽ có những hành vi đó. Trẻ con còn tinh tường và dễ nhận biết thói đạo đức giả (hypocrisy). Nếu bạn dạy con không nói dối nhưng bản thân bạn lại nói dối, trẻ có thể sẽ mất lòng tin và oán giận bạn. Sự gắn bó giữa cha và con sẽ giúp trẻ thấy an toàn, và lòng tin tưởng (trust) là yếu tố quan trọng để có được cảm giác an toàn.

Làm cho con thấy mình là một người quan trọng trong đời bạn
Nhu cầu được coi trọng cũng là một trong những nhu cầu cốt lõi ở con người. Tất cả chúng ta đều muốn cảm thấy mình đặc biệt và quan trọng theo cách nào đó. Có nhiều cách bạn có thể làm để giúp trẻ củng cố lòng tin vào bản thân. Điểm then chốt là hãy ghi nhận những nỗ lực của trẻ thay vì chỉ ghi nhận thành tích. Khi trẻ làm điều gì đó khiến bạn vui hoặc tự hào, hãy nói cho trẻ biết. Và trẻ sẽ phát huy những hành vi được khen ngợi đó. Bạn cũng có thể chia sẻ với trẻ những bí mật mà chỉ có bạn và trẻ biết. Ví dụ: bạn có một điểm ăn kem yêu thích mà bạn chỉ đưa một trong các con của mình tới đó; với bé còn lại, bạn cũng chia sẻ với bé một địa điểm ăn uống yêu thích khác,… Quan tâm đến việc học của bé cũng giúp bé hiểu rằng việc học là quan trọng: bạn có thể tham gia hội phụ huynh, tham gia công việc tình nguyện nhằm hỗ trợ con em mình tại trường, v.v… Nghiên cứu cho thấy những trẻ được cha mẹ quan tâm đến việc học thường có thành tích học tập tốt hơn.

Lời kết: Quan trọng nhất là, xây dựng sự gắn kết với con mình là chấp nhận con người của trẻ. Bạn đừng ép con chơi những môn thể thao hay tham gia những hoạt động mà trẻ không muốn. Bạn cần trở thành một phần trong thế giới của con. Hãy cho trẻ thấy những mối quan tâm và sở thích của trẻ là quan trọng với bạn vì bản thân cháu bé quan trọng với bạn.

Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine