Khoá học nails

Giúp trẻ ứng phó với những ý nghĩ tiêu cực

 - baogiadinh.vn

Ảnh: moldexbrands.com

“Julie không mời mình dự sinh nhật bạn ấy… Chắc bạn ấy ghét mình.”
“Mình bị lỡ xe buýt… Chẳng có gì diễn ra như mình mong muốn.”
“Thầy giáo môn khoa học muốn gặp mình sau giờ học. Chắc thầy sắp khiển trách mình vì điều gì đó.”

Các câu trên là một vài ví dụ về những suy nghĩ tiêu cực của James, một em học sinh cấp ba. Thật ra, tất cả trẻ em đều có những lúc bi quan, nhưng nếu cháu bé nhà bạn luôn luôn suy diễn theo cách bóp méo thực tế, thì điều đó là không bình thường. Nghiên cứu cho thấy những suy nghĩ tiêu cực về bản thân (ví dụ: “Mình là đứa tệ hại”) có thể làm phát sinh những cảm xúc tiêu cực (chẳng hạn như: đau đớn, lo lắng, buồn phiền,…), và những cảm xúc tiêu cực có thể dẫn đến những hành vi tiêu cực (chẳng hạn như: mất bình tĩnh, trốn học,…). Nếu không được can thiệp đúng cách, tình trạng này có thể dẫn đến những hoàn cảnh nghiêm trọng hơn, như trầm cảm (depression) và lo âu (anxiety).

CHÚNG TA TỰ TẠO RA THỰC TẾ (THƯỜNG LÀ BỊ MÉO MÓ) CỦA CHÍNH CHÚNG TA. Hai người cùng bước đi trên một con phố: một người chỉ nhìn thấy con phố bụi bặm, đông người đến ngột ngạt, đầy những hình vẽ xấu xí trên tường và nhìn thấy một cặp đôi đang cãi nhau; trong khi người còn lại cảm nhận được làn gió mát, một xe bán kem thật ngon và nụ cười thân thiện của một người lạ. Mỗi người chúng ta chọn việc tiếp nhận từ môi trường xung quanh những yếu tố mà chúng ta chú ý đến, và những yếu tố đó định hình nên thực tế của bản thân chúng ta.

Xem thêm:  Các loại nước thảo mộc trị ngứa da đầu hiệu quả

Đặc tính này trong tâm lý học gọi là tính chọn lọc của tri giác – nó giúp chúng ta không bị quá tải khi có quá nhiều dữ kiện xảy ra xung quanh chúng ta. “Lối tắt” này hỗ trợ chúng ta đánh giá tình huống một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, nó cũng dễ khiến ta bị thiếu sót trong nhận thức. Bởi vì chúng ta nhận định về thực tế chỉ dựa trên một lượng ít thông tin, nên nếu thông tin đó mất cân bằng (ví dụ: bỏ qua các mặt tích cực và chỉ chú ý đến mặt tiêu cực), nhận thức của chúng ta dành cho thực tế sẽ thiếu chính xác, còn gọi là bị lỗ hổng tư duy (thought hole).

Theo các nhà tâm lý học, sau đây là một số kiểu lỗ hổng tư duy thường gặp:

Kết luận vội vàng (jumping to conclusions): đánh giá một tình huống dựa trên những cảm nhận chủ quan thay vì dựa trên những dữ kiện trong thực tế

Sàng lọc tâm lý (mentail filtering): chỉ chú ý đến những mặt tiêu cực của vấn đề trong khi lờ đi những mặt tích cực

Phóng đại (magnifying): phóng đại những mặt tiêu cực của một vấn đề

Thu nhỏ (minimizing): thu nhỏ những mặt tích cực của một vấn đề

Đổ lỗi bản thân (personalizing): cho rằng mình có lỗi vì những vấn đề nào đó kể cả khi bạn không thật sự là người phải lãnh nhận trách nhiệm

Xem thêm:  Mẹo chăm sóc da và lông cho cún cưng

Đổ lỗi người khác (externalizing): đổ trách nhiệm cho người khác kể cả khi bạn là người phải nhận trách nhiệm chính

Khái quát hóa quá mức (overgeneralizing): kết luận rằng một biến cố tiêu cực sẽ dẫn đến một loạt thất bại lặp đi lặp lại

Lập luận cảm xúc(emotional reasoning): cho rằng những cảm xúc tiêu cực của bản thân sẽ trở thành hiện thực, hoặc nhầm lẫn cảm xúc với dữ kiện thực tế.

Để đi từ tư duy méo méo đến tư duy chính xác (accurate thinking), một số chuyên gia khuyên bạn nên thực hiện những bước sau (còn gọi là “3 chữ C”):

• KIỂM TRA xem mình có rơi vào các lỗ hổng tư duy không (CHECK for common thought holes)

• TẬP HỢP bằng chứng để dựng nên một bức tranh chính xác (COLLECT evidence to paint an accurate picture)

• THÁCH THỨC những ý nghĩ ban đầu (CHALLENGE the original thoughts)

Hãy thử áp dụng ba bước này cho trường hợp cậu bé James lo lắng vì được thầy giáo yêu cầu ở lại nói chuyện sau giờ học. Cậu nam sinh này có suy nghĩ: “Chắc mình gặp rắc rối rồi”. Thế thì, trước tiên cậu ấy nên KIỂM TRA xem mình có rơi vào một trong tám lỗ hổng tư duy hay không. Dựa vào danh sách trên, có vẻ như cậu đã rơi vào loại kết luận vội vàng.

Tiếp theo, cậu bé nên TẬP HỢP càng nhiều dữ liệu hoặc bằng chứng càng tốt để tạo nên một cái nhìn chính xác hơn về tình huống này. Có thể cậu bé sẽ thấy:

“Mình thường đạt điểm cao trong giờ khoa học.”
“Các thầy cô đôi khi muốn nói chuyện với học sinh sau giờ học khi có vấn đề không hay nào đó.”
“Từ trước đến giờ mình chưa từng gây ra chuyện không hay nào.”
“Thầy giáo môn khoa học không có vẻ bực mình khi yêu cầu mình ở lại nói chuyện.”

Với những bằng chứng đó, giờ đây James có thể THÁCH THỨC ý nghĩ ban đầu của mình. Cách hay nhất (và thú vị nhất) để làm điều này là James hãy tranh luận với chính mình.

Xem thêm:  9 mẹo giúp chú mèo bạn nuôi bớt cắn

Một bên là James với niềm tin mình sắp bị thầy khiển trách; và một bên là James với niềm tin sẽ không có gì thật sự rắc rối. Cậu học sinh này có thể dùng các bằng chứng mình thu thập được để lập luận với chính mình. Kiểu tự tranh luận này sẽ giúp tăng tư duy tích cực và cải thiện sức khỏe cảm xúc.

Bạn hãy dạy con mình rằng những suy nghĩ của trẻ, kể cả những suy nghĩ bị méo mó, đều ảnh hưởng đến sức khỏe cảm xúc của trẻ. Thay vì yêu cầu trẻ học tư duy tích cực (positive thinking), hãy thử dạy trẻ cách tư duy chính xác (accurate thinking). Trên hết, hãy dạy các cháu rằng các cháu có quyền lựa chọn những suy nghĩ của bản thân.

William James, một nhà tâm lý học và triết gia nổi tiếng, từng nói rằng: “Vũ khí lợi hại nhất để chúng ta chống lại áp lực chính là khả năng lựa chọn ý nghĩ này thay vì ý nghĩ khác.” (“The greatest weapon against stress is our ability to choose one thought over another.”)

Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine

Được gắn thẻ ,