Những định kiến về giới có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ nhỏ. Bạn sẽ làm gì khi một người thân hoặc người bạn nói với con bạn rằng “con trai không được khóc” (“boys don’t cry”), “màu hồng là cho con gái” (“pink is for girls”), hay “nó là con trai mà” (“boys will be boys”)? Sau đây là một số gợi ý giúp bạn ứng phó với những điều như thế:
1. Hiểu động cơ của bản thân
Hãy dành ra đôi chút thời gian cân nhắc động cơ của bạn. Bạn làm vậy là để “dằn mặt” người bà con mình không thích, hay vì bạn nghĩ họ không có tư cách dạy con bạn? Bạn làm vậy là vì bạn là một bà mẹ luôn muốn bảo vệ con và sẽ tấn công bất cứ ai tìm cách làm tổn thương con bạn? Hay bạn làm vậy là vì muốn góp phần thay đổi những quan điểm lạc hậu và giới? Chúng tôi hy vọng cái cuối cùng mới là động cơ của bạn.
Bạn cần hiểu một điều, khi một người nói với con bạn: “Con trai không được khóc”, dù nhận định này không mấy lý tưởng, nhưng cũng không hẳn là họ muốn “làm hại” con bạn. Động cơ đến từ người bà con hoặc người bạn đó có thể xuất phát từ sự vô tư. Vì thế, hãy yên tâm là con của bạn không sao, và tìm cách đưa ra một phản hồi hợp lý thay vì nhảy dựng lên làm mình làm mẩy. Đây có thời là thời điểm để khai sáng (enlighten) cho người đó, chứ không phải để chửi mắng.
2. Rèn luyện lòng can đảm với những thử nghiệm xã giao nhỏ
Không phải ông bố bà mẹ nào cũng phản ứng với những ý kiến lạc hậu về giới này bằng cách lên tiếng. Trong nhiều trường hợp, họ chỉ sững sờ và không biết nói gì. Nếu bạn cho rằng vấn đề này không đáng để lên tiếng, bạn có thể im lặng. Nhưng nếu bạn cảm thấy việc không nói cho người đó hiểu sẽ khiến bạn cảm thấy bực mình và khó chịu, chúng tôi đề nghị bạn cố gắng tìm thấy tiếng nói của mình bằng cách bắt đầu với những nhóm xã giao nhỏ.
Hãy bắt đầu với những người mà khi ở gần họ bạn thấy thoải mái bày tỏ ý kiến nhất, và sử dụng những nhận định mà bạn muốn nói nhất (các nhận định này hơi nằm ngoài vòng an toàn của bạn một chút). Hãy nêu nhận định, sau đó chú ý đến phản ứng của họ. Dù sao đi nữa thì thế giới cũng chẳng ngừng quay, và mọi người rất có thể cũng chẳng ngừng yêu quý bạn. Tất cả những lo lắng là dư thừa.
Hãy tiếp tục rèn luyện lòng can đảm bằng những nhận định mạnh dạn hơn với những người mà bạn lo lắng là sẽ khiến họ phật lòng. Không lâu sau bạn sẽ có đủ can đảm để nói với những cuộc đối thoại khó khăn.
3. Chuẩn bị lời phản hồi từ trước
Những diễn giả nổi tiếng như Nelson Mandela hay Martin Luther King Jr. cũng phải mất nhiều giờ chuẩn bị bài diễn văn và tập dượt các câu trả lời của họ, vì thế sẽ là bình thường nếu bạn không thể nghĩ ra câu gì đó lưu loát để đối đáp với các đối tượng ngay tại chỗ. Hãy chuẩn bị trước các câu trả lời khi cần. Bạn cũng có thể tìm sự hậu thuẫn từ những người cùng quan điểm để bớt lo lắng về những điều bạn muốn nói.
4. Nói một cách tử tế và dễ chịu
Do mục đích của bạn là khai sáng cho người khác, chứ không phải phán xét hay sỉ nhục họ, bạn hãy nói suy nghĩ của mình một cách tử tế và cảm thông để cho đối phương nhận ra sai lầm của họ, và hãy cởi mở nếu họ nói lên quan điểm của họ về vấn đề này. Nếu họ cảm thấy bị công kích, họ sẽ không sẵn lòng đón nhận sự thay đổi, và có thể họ sẽ khép kín và cảnh giác hơn.
Để giúp họ lắng nghe và đón nhận quan điểm của bạn, đừng khơi gợi sự tranh cãi. Hãy bày tỏ quan điểm một cách ngắn gọn và nhẹ nhàng. Sự vui tươi và hài hước cũng có thể giúp ích. Ví dụ, bạn có thể nói: “Tôi vừa đọc một bài nghiên cứu rất hay trên Internet, trong đó nói rằng những nhận định phân biệt giới tính như vậy thật sự là trở ngại lớn ngăn các bé trai thể hiện cảm xúc của chúng. Tôi rất kinh ngạc! Nếu chị muốn, tôi có thể gửi bài nghiên cứu đó cho chị. Tôi đang cố gắng hết sức để ngưng đưa ra những nhận định như thế.” (“I just read this great research article online that says those types of gender comments are actually a big problem for boys learning to express their emotions. I was blown away! If you’d like, I can send it to you. I’m going to try my best to stop using that language now.”)
5. Hãy nhớ, bạn chỉ phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình
Nhiều người trong chúng ta đang cố gắng hiểu và nuôi dưỡng các bé trai tốt hơn, thay vì hạn chế các cháu bằng những hình mẫu và quan điểm lạc hậu về giới. Bạn cũng đang góp sức vào việc đó bằng cách lên tiếng với lòng tôn trọng người khác.
Tuy nhiên, bạn không phải chịu trách nhiệm đối việc việc người khác làm gì với thông tin này. Vì thế, nếu họ có những hành vi lệch lạc, bạn cũng đừng nản lòng. Hãy đo lường thành công của bạn bằng việc bạn đã dũng cảm lên tiếng bảo vệ niềm tin của mình ra sao, dù bạn có khiến người khác thay đổi được hay không.
Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine