Khoá học nails

Một số phép ứng xử dành cho khách đi làm móng

Các chuyên gia giải đáp một số câu hỏi về phép ứng xử của khách hàng khi đi làm móng:

 - baogiadinh.vn

Ảnh: thebeautyinsiders.com

Nói chuyện điện thoại trong lúc làm móng có bị cho là bất lịch sự không?
Theo một mức độ nào đó là có. Theo một số người trong ngành, bạn chỉ nên nói chuyện điện thoại khi đó là những trường hợp khẩn cấp. Đi làm móng là dịp để bạn thư giãn, và đối với chuyên viên làm móng, việc nghe người khác buôn chuyện qua điện thoại sẽ gây mất tập trung, nhất là khi những người này nói chuyện điện thoại trong thời gian dài. Từng có trường hợp khách hàng này cãi cọ với khách hàng kia trong một viện thẩm mỹ chỉ vì họ nói chuyện điện thoại quá to. Bạn cũng nên nhớ rằng chuyên viên làm móng sẽ có những câu hỏi muốn hỏi bạn trong suốt quá trình làm móng. Bạn cần chú ý, nếu không, rất có thể bộ móng họ làm cho bạn sẽ không như ý bạn muốn. Nếu bạn cần trả lời điện thoại, hãy lịch sự giải thích cho chuyên viên làm móng và cúp máy trước khi họ tiến hành sơn móng cho bạn. Ngoài ra, cầm điện thoại trong khi sơn móng còn ướt cũng có thể làm sơn bị lem. Nếu sơn móng bị lem do lỗi của bạn, chuyên viên làm móng cũng sẽ không vui khi phải sửa chỗ bị lem lại cho bạn.

Nếu bộ móng của tôi bị trầy (chip) ngay trong ngày đầu tiên, tôi có thể quay lại tiệm và yêu cầu bảo dưỡng móng (touch-up) hay không?
Nếu ngay trong ngày đầu tiên sau khi làm móng mà móng bạn bị bong tróc, rất có thể là do dịch vụ của tiệm không được chất lượng. Hoặc cũng có thể do bạn làm những công việc chân tay nặng nhọc (như làm vườn,… ) ngay sau khi làm móng nên móng bong tróc. Nhưng thông thường chuyên viên làm móng sẽ hiểu và thông cảm nếu bạn quay lại tìm họ vài giờ sau đó. Một số tiệm thẩm mỹ có tính thêm tiền để bảo dưỡng móng, nhưng nếu họ không tính tiền, sẽ là lịch sự khi bạn boa cho họ vài đô-la vì thời gian họ dành cho bạn.

Xem thêm:  Một số cách chăm sóc tóc chuyên sâu cấp ẩm cho da đầu CURÉL

Tôi có nên boa cho nhân viên khi họ tẩy sơn gel cho tôi?
Theo phép lịch sự, bạn nên boa cho hầu hết các dịch vụ bạn được nhận. Cũng như bồi bàn (waiters), nhiều chuyên viên làm móng phụ thuộc vào tiền boa để cải thiện thu nhập cho bản thân. Bạn không cần boa nhiều, nhưng số tiền boa cho thấy bạn coi trọng công sức của họ. Đây là việc nên làm.

Nếu tôi không thích màu sơn mình đã chọn, tôi có thể yêu cầu sơn lại màu khác không, và lúc nào là thời điểm thích hợp để lên tiếng?
Tình huống này không hiếm, nhưng bạn nên lên tiếng càng sớm càng tốt để chuyên viên làm móng không phải sơn lại toàn bộ móng cho bạn, việc đó có thể “ăn” vào thời gian của cuộc hẹn kế tiếp của họ. Bạn có thể đề nghị đổi màu sơn sau khi chuyên viên làm móng sơn lớp sơn đầu tiên cho móng thứ nhất hoặc thứ hai. Nếu bạn còn phân vân, bạn có thể yêu cầu chuyên viên làm móng sơn lớp thứ hai lên một móng để quyết định sớm. Đừng lo lắng về điều đó, nhưng hãy coi trọng công sức của chuyên viên làm móng. Họ cũng sẽ cảm kích bạn nếu bạn boa cho họ thêm một ít tiền trong trường hợp bạn muốn đổi màu sơn giữa chừng.

Ứng xử thế nào khi tôi muốn làm móng trong khi tôi đang bị cảm lạnh?
Khi đi làm móng, khách hàng sẽ phải tiếp xúc trong khoảng cách gần với chuyên viên, vì vậy hãy hành xử theo cách bạn muốn người khác hành xử. Bắt đầu bằng việc rửa tay, và thông báo cho chuyên viên làm móng biết bạn đang bị cảm, để họ có phương án phù hợp. Bạn cũng nên mang theo những thứ cần thiết – như khăn giấy (nếu bạn bị chảy nước mũi),… và để chúng trên đùi để có thể dùng tới khi cần. Khi ho hoặc hắt hơi, hãy che miệng bằng cùi chỏ (elbow), chứ không dùng bàn tay, để tránh lan truyền vi khuẩn.

Xem thêm:  15 nhiệm vụ của chú rể trong đám cưới

Tôi có nên boa thêm tiền nếu tôi trễ cuộc hẹn làm móng?
Nếu việc đó giúp bạn bớt áy náy, hãy cứ boa thêm tiền, nhưng điều này không hẳn là bắt buộc. Tuy nhiên, gọi điện báo trước với họ bạn sẽ đến muộn cũng là việc nên làm, để tiệm thẩm mỹ không phải bị động về thời gian. Cũng sẽ là ý hay nếu bạn chấp nhận linh động khi đến trễ (chẳng hạn như để một chuyên viên khác làm móng thay vì chuyên viên quen thuộc của bạn). Cũng như trong mọi mối quan hệ, giao tiếp hiệu quả là chìa khóa để các bên hiểu nhau, nếu bạn giao tiếp tốt với tiệm làm móng, họ sẽ có thể phục vụ bạn tốt hơn.

Nếu tôi chỉ nhờ họ giũa bóng móng (buff) chứ không sơn, tôi có phải boa 20 đến 25% không?
Tiền boa cho thấy bạn hài lòng với dịch vụ của họ; nếu bạn thấy hài lòng, hãy boa cho họ. Nếu 20% là tiêu chuẩn của bạn, bạn vẫn sẽ boa cho người phục vụ dù rằng bạn ăn tối ở quán bình dân hay đi ăn ở nhà hàng sang trọng – nguyên tắc này cũng áp dụng cho việc làm móng. Bạn cũng nên lưu ý rằng: lượng công sức bỏ ra khi giũa móng cũng tương đương với công sức khi sơn móng.

Đâu là cách hay nhất để đảm bảo tiệm làm móng yêu thích của tôi tuân thủ những quy định hành nghề?
Theo một số chuyên gia, khách hàng có thể chú ý mọi thứ xung quanh khi đi làm móng. Hãy quan sát xem tiệm làm móng có sạch sẽ không, nhân viên có hài lòng với môi trường làm việc hay không, và đừng ngại lên tiếng nếu thấy cần. Hãy hỏi chủ tiệm làm móng xem họ vệ sinh dụng cụ như thế nào, các chuyên viên làm móng có giấy phép hành nghề hay không,… Bạn có thể yêu cầu được xem giấy phép hành nghề của chuyên viên làm móng.

Xem thêm:  Ý tưởng móng matte cho Thu này

Còn quy tắc ứng xử nào khi đi làm móng mà tôi nên biết không?
Có những quy trình tẩy màu sơn riêng cho từng loại sơn móng khác nhau (như sơn gel, Gelish, Shellac, acrylic, v.v…) và không phải tiệm làm móng nào cũng có đủ dụng cụ để làm việc với tất cả các loại sơn đó. Vì vậy bạn cần biết họ đang làm gì với bộ móng của bạn.

Cuối cùng, đừng đóng vai ác! Hãy đối xử với các nhân viên ở tiệm làm móng với sự tôn trọng.

Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine

Được gắn thẻ ,