Trong số 12 con giáp, dòng họ nhà tý (con chuột) đứng vị trí đầu bảng. Mộ vị trí khá danh dự nhưng nhận cũng không ít ý kiến trái chiều. Có người khen nhà tý là thông minh, khéo léo, nhiều người lại chê nhà tý là ranh mãnh, luồn lách. Thực tế cuộc sống. Dòng họ nhà tý cũng lắm gian truân.
Hình ảnh chuột trở thành nét biểu trưng trong văn hóa làng quê Việt xưa. Đó là hình ảnh tranh Đông Hồ với bức tranh “Đám cưới chuột” ấn tượng và rất hóm hỉnh. Tranh đám cưới chuột với đàn chuột trong đám rước tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở… được nhiều gia đình Việt xưa treo trong nhà và đến nay vẫn còn nguyên giá trị văn hóa.
Trong nền văn hóa lúa nước Việt Nam, chuột trở thành một hình ảnh rất đỗi quen thuộc. Chuột xuất hiện trên các cánh đồng kiếm ăn và sinh sản. Khi mùa màng bội thu, loài chuột càng sinh sôi nhanh. Người Việt nhất là người miền Tây Nam Bộ, vào đêm giao thừa khi nghe tiếng chuột kêu đều mừng rỡ. Vì đó là dấu hiệu báo trước của một năm mùa màng bội thu, một năm mới sung túc đang đến.
Biểu tượng cho sự thông
minh, lanh lợi Trong văn hóa phương Đông, chuột dù nhỏ bé vẫn xếp vị trí đầu bảng trong 12 con giáp trước cả hổ, rồng. Điều này cho thấy: sự đánh giá con vật này không chỉ ở hình thức bề ngoài. Tích xưa kể rằng, trong lúc Ngọc Hoàng tuyên bố chọn 12 con giáp, thì chuột lanh lợi là con vật có mặt sớm nhất, vì thế Ngọc Hoàng cho chuột đứng đầu danh sách. Điều đó đủ để cho thấy rằng: sự lanh lợi, thông minh của chuột chính là lợi thế giúp chuột có được chỗ đứng quan trọng này. Câu nói “nhỏ con, ngon độ” đã phần nào thể hiện được khí chất nhà Tý.
Tiếng xấu lỡ mang
Người xưa có câu “họa do cái miệng mà ra”. Câu này quả đúng với nhà Tý. Chuột vốn là loài gặm nhấm (rodents). Từ cái miệng chuột, bao nhiêu mùa màng bị phá hoại, gieo rắc bệnh tật cho con người. Và nhiều người có ấn tượng không tốt, khi nhắc đến chuột cũng vì lẽ ấy. Khi muốn mỉa mai về quan hệ nam nữ bất chính, dân gian hay dùng 2 từ “chim chuột” hay câu “Mắt dơi mày chuột” để chỉ hạng người có bộ dạng gian xảo, chỉ chờ làm những việc xấu hại người. Còn với những việc cha chung không ai khóc, thành ngữ lại có câu “Chuột bầy đào không nên lỗ”, ý nói chỉ có cái lỗ thôi mà cả bầy chuột đào không nên.
Trong khi các loài vốn phải rất vất vả để tìm cái ăn, thì với chuột chỉ chút lanh trí: đào chỗ này, lách chỗ kia là chuột nhà ta đã no bụng. Thực ra bản tính của loài chuột nói chung là lanh lợi, khéo léo, nhưng chính “cách sống” ấy của nhà Tý làm người ta phải “dòm ngó, ganh tị”. Hình ảnh chuột sao tránh khỏi không bị mang ra mỉa mai, châm biếng.
Dân gian có câu “Chuột chù lại có xạ hương” để chỉ những kẻ không có tài đức nhưng hay khoe khoang, khoác lác. Hay câu “Chuột đội vỏ trứng” lên án việc những kẻ dùng vỏ bọc ngoài che giấu bản chất xấu xa. Và đến khi nguy hiểm mới lộ ra bộ mặt thật của mình “Cháy nhà ra mặt chuột”.
Khi nói về thói đua đòi, không biết giữ mình, dân gian còn có câu “Chuột chù đeo đạc (mõ)” hay “Chim chích mà đậu cành sồi-Chuột chù trong cống đòi soi gương Tàu. Thói kiêu ngạo, tự đắc cũng được mỉa mai qua màn đối thoại giữa chuột với khỉ ở câu thành ngữ: “Chuột chù chê khỉ rằng hôi- Khỉ mới trả lời: cả họ mày thơm!” ám chỉ kẻ không thấy cái dở của chính mình lại đi chê bai người khác, Dân gian thường lấy hình ảnh “lanh như chuột” để nói về sự thông minh, nhạy bén của con người. Thế nhưng cũng có lúc IQ của chuột cũng bị mang ra bình phẩm, chê bai “Lù đù như chuột chù phải khói” để chỉ những người ngờ nghệch, không biết gì. Hình dáng của chuột còn được dùng chỉ những hạng người mới làm việc thì phô trương, nhưng kết cục thì kém cỏi.
Biết mình biết ta
Chuột được đánh giá thông minh, nhưng đối dòng họ nhà Tý, mèo là kẻ quyền uy tối thượng. Tranh Đông Hồ “Đám cưới chuột” là minh chứng sống động cho quan hệ kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu trong xã hội phong kiến. Thực tế thì chuyện “Mèo già khóc chuột” chỉ là một câu chuyện bi hài cho những kẻ đạo đức giả. Khi chuột đã ở vào thế “Chuột chạy cùng sào,” có nghĩa là đã hết đường, không lối thoát. Chuột chỉ còn biết vận dụng trí thông minh của mình để tránh tình cảnh “Chuột sa cũi mèo”.
Giỡn với mèo là giỡn với lửa, chắc chắn chuột sẽ bị mất mạng. Dòng họ nhà Tý tự biết đều đó và luôn tự răn mình: đừng bao giờ liều lĩnh, dại dột làm những việc như “Chuột gặm chân mèo”. hay “Mèo nhỏ bắt chuột to” sẽ chỉ thiệt thân.
Thông minh là thế, nhưng tiếng xấu lỡ mang, dòng họ nhà Tý cũng đành ngậm ngùi sống thân phận “luồn lách”. Biết sao đây: khi tấm thân quá nhỏ bé, thì chỉ có trí thông minh mới giúp ta sống sót và sinh tồn. Ôi! Dòng họ nhà Tý cũng là tuân theo quy luật của tạo hóa thường tình.
Thy Nga – VietBeauty Magazine