Nếu gia đình bạn có những em bé ở tuổi tập đi (toddler), hãy chú ý đến những biểu hiện sau của các bé nhằm phát hiện sớm bệnh tự kỷ (autism):
1. Thiếu sự quan tâm đến gương mặt người khác
Thông thường, các em bé thích quan sát gương mặt người khác hơn là quan sát những vật thể khác. Nếu cháu bé nhà bạn thường tránh nhìn bạn khi bạn cười, nói chuyện hoặc chơi ú òa (peek-a-boo) với cháu, đây có thể là một dấu hiệu ban đầu của bệnh tự kỷ. Một đứa trẻ có thể thích nhìn một món đồ thú vị hơn là nhìn bạn khi bạn tìm cách gây sự chú ý với bé, nhưng việc bé lờ bạn đi trong lúc bạn tìm cách tương tác vui chơi với bé không nên là hiện tượng thường xuyên.
2. Không có khả năng chia sẻ sự chú ý
Hầu hết trẻ em, kể cả những bé còn nhỏ, đều có thể chia sẻ sự chú ý với người khác. Việc này có thể bao gồm việc hưởng ứng sự chú ý chung bằng cách nhìn thứ bạn đang chú ý hoặc kêu gọi sự chú ý của bạn dành cho thứ gì đó mà trẻ đang quan tâm. Ví dụ, nếu bạn chỉ tay vào thứ gì đó và bảo bé: “Con nhìn kìa!”, cháu bé có nhìn theo hướng bạn nhìn hoặc hướng ngón tay bạn chỉ và nhìn đối tượng mà bạn đang muốn cho cháu xem không? Nếu có, tức là cháu đang hưởng ứng với sự chú ý chung. Mặt khác, nếu cháu chỉ nhìn ngón tay của bạn thay vì nhìn đối tượng bạn đang chỉ vào hoặc liên tục lờ đi sự khơi gợi chú ý bạn dành cho cháu, điều đó có thể cho thấy bé có khả năng chia sẻ sự chú ý hạn chế.
Một cách để bạn kiểm tra khả năng chia sẻ sự chú ý của cháu là thổi bong bóng xà phòng để gây bất ngờ cho bé trong lúc bé đang vui chơi. (Đừng để trẻ thấy bạn chuẩn bị thổi bong bóng xà phòng.) Khi bong bay bay tới tầm mắt của trẻ, trẻ phản ứng ra sao? Cháu có thích thú chơi với bong bóng và quên đi sự hiện diện của người khác trong phòng không? Hay cháu liếc nhìn bạn hoặc một người nào đó, dù chỉ trong một thời gian ngắn, như thể muốn chia sẻ niềm vui thích của cháu dành cho bong bóng? Thông thường, chứ không phải lúc nào cũng đúng, các em bé có khả năng bị chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ thường xông thẳng tới chơi với bong bóng mà không đếm xỉa tới người khác, trong khi hầu hết trẻ em sẽ tìm cách đưa một người khác vào trải nghiệm này, chỉ ít là trong thời gian ngắn, để cùng tận hưởng niềm vui với những quả bong bóng.
3. Thiếu giao tiếp trực tiếp
Em bé nhà bạn cho bạn biết những gì bé muốn hoặc cần theo cách nào? Bé chỉ vào món đồ chơi trên kệ và nhìn qua nhìn lại giữa bạn và món đồ chơi? Đây là hình thức giao tiếp phi ngôn ngữ (nonverbal communication) phổ biến mà hầu hết trẻ em sử dụng trước khi các em biết nói. Ở trẻ bị tự kỷ, các em sẽ chỉ la hét – không nhìn bất cứ ai cũng như không dùng hành động để chỉ ra vấn đề cần được giải quyết. Khi đó, bố mẹ các em sẽ phải đoán mò: giơ món đồ chơi lên, hay một chai nước, một cái bánh, v.v… cho đến khi đứa trẻ ngừng gào thét, khi đó bố mẹ bé biết là mình đã đoán đúng ý bé.
Trẻ em bị tự kỷ thường không thể truyền đạt suy nghĩ và nhu cầu của mình cho người khác, dù là bằng lời nói hay không bằng lời nói.
4. Sử dụng bàn tay của bố/mẹ để giao tiếp
Đôi khi một đứa trẻ sẽ cầm lấy tay bố/mẹ và kéo bố/mẹ về phía nhà bếp để cho bố/mẹ biết là bé đang đói, thỉnh thoảng bao gồm việc liếc nhìn bố/mẹ. Bé có thể đập vào cánh tay bố/mẹ hoặc tìm cách xoay mặt bố/mẹ về phía bé nếu bé muốn gây sự chú ý, chẳng hạn như trong lúc bố/mẹ đang bấm điện thoại di động. Việc này không lạ. Tuy nhiên, hãy lưu ý nếu bé tìm cách sử dụng bàn tay bạn như một công cụ trong khi bé không nhìn bạn.
Chẳng hạn, nếu bé không mở được hộp đồ ăn, bé có cầm lấy tay bạn, đặt tay bạn lên cái hộp mà không nhìn vào mặt bạn hay không? Nếu đúng như vậy, đó có thể là biểu hiện của một em bé bị tự kỷ.
5. Tránh tương tác xã hội
Khi cháu bé nhà bạn đi công viên, ra sân chơi hoặc những nơi có các đứa trẻ khác cùng trang lứa với cháu, cháu phản ứng ra sao khi nhìn thấy những đứa trẻ đó? Thông thường, các em bé sẽ tỏ ra rất thích thú với các bạn nhỏ khác. Các bé có thể sẽ chạy đến và chơi với các bạn đó. Cũng có thể các bé sẽ rụt rè núp sau lưng bố mẹ (hoặc nhìn qua kẽ ngón tay của bé) trong lúc quan sát các bạn khác chơi. Nói tóm lại, các bé sẽ chú ý và để tâm đến các bạn khác.
Nhưng ở trẻ em bị tự kỷ, các em thường có vẻ thờ ơ với những đứa trẻ khác. Có thể các em sẽ chạy lại gần các bạn đó, nhưng chỉ là để được chơi trên sân chơi đó và sử dụng các thiết bị vui chơi chứ không thực sự tương tác với trẻ khác. Nhiều em bé, trong giai đoạn đầu của tuổi thơ có thể bày tỏ sự hứng thú với các bạn nhỏ cùng lứa tuổi, nhưng khi dần lớn lên, kỹ năng tương tác của các em bị chựng lại và mặt xã hội của các em bị sụt giảm đáng kể. Các em tiếp tục tượng tác với người khác theo cách trẻ em tuổi mẫu giáo sử dụng để chơi với các bé nhỏ hơn hoặc với người lớn hay với trẻ lớn hơn, trong khi không thể có phản hồi phù hợp với các bạn cùng độ tuổi.
6. Hạn chế về ngôn ngữ
Các ông bố bà mẹ cũng có thể chú ý đến kỹ năng ngôn ngữ của con mình để nhận biết các biểu hiện sớm của bệnh tự kỷ. Nếu đến 12 tháng tuổi mà con của bạn vẫn chưa nói bập bẹ (babble), và đến 16 tháng tuổi bé không nói rõ các từ, đến 24 tháng tuổi không thể phát âm những cụm từ hai âm tiết (two-word phrase) bất kỳ và có nghĩa (không bao gồm việc lặp lại hoặc bắt chước các cụm từ), bạn nên đưa bé đi kiểm tra.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho biết chỉ vì con bạn có những dấu hiệu này, không phải lúc nào cũng có nghĩa là bé bị tự kỷ. Đó chỉ là những hành vi bạn cần chú ý để đưa bé đi kiểm tra nếu cần.
Nếu cháu bé nhà bạn bị xác định là mắc bệnh tự kỷ, hãy hợp tác với chuyên viên chăm sóc sức khỏe để khai thác những biện pháp can thiệp phù hợp với cháu. Cần lưu ý rằng bác sĩ thăm khám cho trẻ trong quá trình kiểm tra sức khỏe định kỳ thông thường cho con bạn không phải lúc nào cũng có thể nhận biết trẻ bị tự kỷ hay không, trừ khi biểu hiện tự kỷ của bé là rõ ràng, do họ thường không đủ kỹ năng chuyên biệt về chẩn đoán bệnh tự kỷ.
Kể cả khi cháu bé nhà bạn bị chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ, đừng bi quan. Cháu vẫn sẽ là báu vật đáng yêu, dễ thương của gia đình bạn. Bạn là người hiểu con mình là người như thế nào, và điều đó sẽ không thay đổi. Kết quả chẩn đoán không nhằm ngăn chặn những điều mà con của bạn có thể đạt được trong tương lai. Đừng để bất cứ ai nói với bạn điều ngược lại hoặc dùng bệnh tình của cháu để “đóng mác” cháu là người tàn tật, vô giá trị,…
Việc cháu bị chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ có thể có vẻ đáng sợ. Nhưng nếu cháu mắc bệnh này, thì việc chẩn đoán là bước đầu tiên để trẻ nhận được sự hỗ trợ trẻ cần nhằm sống một cuộc đời trọn vẹn bất chấp bệnh tình – và cũng là bước đầu tiên để bạn, người trực tiếp nuôi dạy trẻ, có được sự hỗ trợ cần thiết để giúp trẻ sống cuộc đời đó.
Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine