Ảnh: amazon.com
Gần đây, một nghiên cứu được tiến hành tại Đại học Toledo ở Ohio nhận thấy rằng: việc sở hữu quá nhiều đồ chơi sẽ làm giảm chất lượng vui chơi của trẻ. Việc có ít đồ chơi hơn có thể dẫn tới việc trẻ tập trung tương tác với đồ chơi của mình hiệu quả và sáng tạo hơn; nhờ đó, quá trình vui chơi của trẻ sẽ lành mạnh và sự phát triển nhận thức (cognitive development) của trẻ cũng sâu sắc hơn.
Các nhà nghiên cứu đã quan sát 36 em bé nằm trong độ tuổi 18-30 tháng trong lúc các em vui chơi tự do. Các bé được đưa cho hoặc là 4, hoặc là 16 món đồ chơi. Kết quả họ quan sát được: Chất lượng vui chơi của các bé có 4 món tốt hơn chất lượng vui chơi của các bé có 16 món. Khi sở hữu ít món đồ chơi hơn, các bé sẽ nghĩ ra nhiều cách khác nhau để vận dụng chúng trong các khoảng thời gian dài hơn.
Nghiên cứu được tiến hành trên các bé ở cả hai điều kiện – 4 và 16 đồ chơi – vào những ngày khác nhau và theo thứ tự ngẫu nhiên. Khi các bé được chơi với 16 món đồ, các nhà nghiên cứu nhận thấy ở các bé có sự phân tâm (distraction) và bất lợi (disadvantage).
Trong khi đó, các bé có 4 món đồ chơi dành ra lượng thời gian nhiều gấp 1.5 lần để tương tác với các món đồ chơi. Điều này cho thấy trẻ nhỏ sẽ dễ nảy sinh những cách vui chơi cao cấp và thông minh hơn khi có ít đồ chơi hơn. Tương tác với đồ chơi lâu dài hơn có nhiều lợi ích cho sự phát triển của bé, bao gồm khả năng tưởng tượng, khả năng chơi đóng vai (pretend play), khả năng tự thể hiện (self-expression), các kỹ năng thể chất – vận động, và giải quyết vấn đề.
Điều này không có nghĩa là bạn nên bỏ hết đồ chơi của bé hoặc không mua đồ chơi mới cho bé. Tuy nhiên, khi lựa chọn đồ chơi cho trẻ, nhất là trẻ còn rất nhỏ, bạn nên cân nhắc những câu hỏi sau: Cháu bé có thật sự cần món đồ này không? Nó có làm phong phú thêm giờ chơi của bé không – hay là bé chỉ chơi được vài tuần rồi bỏ xó? Nhiều bậc cha mẹ có con nhỏ thường không lạ khi nhận thấy con mình có những món đồ chơi mà hầu như không bao giờ chúng động đến.
Trong nuôi dạy trẻ, các nhà nghiên cứu cũng khuyên rằng: KỶ NIỆM (MEMORIES) QUÝ GIÁ HƠN QUÀ CÁP. Các bậc cha mẹ nên đầu tư vào các hoạt động (activities) hơn là vật chất – như một buổi đi xem phim hàng tháng, hoặc cùng nhau chuẩn bị bữa ăn mỗi tuần một lần, hoặc đi dạo ngắm phố xá,…
Người ta nhận thấy rằng: Khi chúng ta nhìn lại đời mình và cảm thấy hài lòng về những trải nghiệm – như những chuyến trượt tuyết hoặc đi nghe hòa nhạc,… – chúng ta có xu hướng hạnh phúc hơn những người tiêu tiền cho vật chất đơn thuần.
Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine