Theo luật pháp Hoa Kỳ, sách nhiễu tình dục (sexual harassment) tại nơi làm việc được xem là một hình thức kỳ thị giới tính. Chương VII của Luật Dân Quyền do chánh phủ liên bang ban hành năm 1964 (Title VII of the Civil Rights Act of 1964) được thi hành bởi Ủy Ban Cơ Hội Làm Việc Bình Đẳng (Equal Employment Opportunity Commission – EEOC) ngăn cấm các hình thức kỳ thị trong việc làm, trong đó bao gồm những hình thức sách nhiễu tình dục tại nơi làm việc. Luật này áp dụng cho các cơ sở doanh nghiệp có trên 15 công nhân viên.
Ngoài luật của liên bang, mỗi tiểu bang còn có những luật lệ riêng biệt để đối phó với vấn đề sách nhiễu tình dục tại nơi làm việc, và luật của một số tiểu bang trong vấn đề này còn có phần khắc khe hơn cả luật của liên bang.
Thế nào là “sách nhiễu tình dục”
Theo định nghĩa pháp lý, sách nhiễu tình dục tại nơi làm việc bao gồm những hành vi hay lời nói có bản chất tình dục không được tán thưởng và bị phản đối mà vẫn cứ tiếp tục diễn ra, và sự chấp nhận hoặc từ chối những chuỗi hành vi hay lời nói này gây ảnh hưởng đến việc làm của một cá nhân, gây trở ngại một cách vô lý đến hiệu năng làm việc của một cá nhân, hoặc tạo ra một môi trường làm việc không thân thiện, đe dọa, hoặc xúc phạm.
Có những hành động hay lời nói bởn cợt hàng ngày trong lúc làm việc được xem là bình thường dưới mắt nhiều người, nhưng nếu cứ tiếp diễn thì đôi lúc có thể trở thành một hình thức sách nhiễu tình dục trên phương diện luật pháp. Một số hành vi sau đây nếu diễn ra liên tục tại nơi làm việc và không được hoan nghênh, có thể xem là ví dụ điển hình về những hình thức sách nhiễu tình dục:
• Dùng lời nói diễu cợt khiếm nhã có tính cách gợi dục
• Bình phẩm về thân thể của đồng nghiệp hay một cá nhân
• Trưng bày các đồ vật, hay treo những tranh ảnh, hình vẽ về tình dục
• Liếc mắt hay có cử chỉ nham nhở, gợi dục
• Gửi thư, email hay tin nhắn mang tính chất tình dục
• Đụng chạm hay vuốt ve thân thể, quàng vai, cản đường di chuyển, v.v…
• Gợi ý, đề nghị hay đòi hỏi tình dục
• Hăm dọa trả đũa khi không được đáp ứng
Trong những trưởng hợp sách nhiễu tình dục, nạn nhân cũng như kẻ sách nhiễu có thể là nữ hay nam, hoặc là người cùng chung một giới tính. Kẻ sách nhiễu có thể là cấp trên của nạn nhân, một đại diện của chủ nhân, một đồng nghiệp, hoặc cũng có thể là người ngoài, không phải là nhân viên của cơ sở hay hãng xưởng mà nạn nhân đang làm việc. Hơn thế nữa, nạn nhân không nhất thiết phải là người trực tiếp bị sách nhiễu, mà có thể là bất cứ ai bị ảnh hưởng bởi hành động sách nhiễu, ví dụ như là người cùng làm việc chung với đối tượng bị sách nhiễu. Và sự sách nhiễu tình dục cũng có thể thành hình dầu không gây thiệt hại kinh tế cho nạn nhân, hoặc cũng không làm cho nạn nhân bị mất việc.
Luật pháp Hoa Kỳ phân loại hai hình thức sách nhiễu tình dục trong vấn đề việc làm: “hostile environment sexual harassment” (tạm dịch là “sách nhiễu tình dục tạo môi trường không thân thiện”), và “quid pro quo sexual harassment” (tạm dịch là “sách nhiễu tình dục trao đổi”). Cả hai hình thức sách nhiễu này đều bị ngăn cấm bởi Chương VII của Luật Dân Quyền năm 1964.
“Sách nhiễu tình dục tạo môi trường không thân thiện” xảy ra khi những hành vi sàm sỡ hay lời nói có tính cách tình dục không được tán thưởng nhưng cứ thường xuyên tiếp tục xảy ra tại nơi làm việc, gây ảnh hưởng đến việc làm của một cá nhân, hay tạo ra một môi trường làm việc ngột ngạt, lo sợ hay thù nghịch. Kẻ sách nhiễu trong những trường hợp này thường là đồng nghiệp của nạn nhân.
“Sách nhiễu tình dục trao đổi” là trường hợp một người quản lý, giám thị hay người có chức quyền tại nơi làm việc đòi hỏi quan hệ tình dục của một người dưới quyền như là điều kiện để đổi lấy các quyền lợi liên quan đến việc làm, ví dụ như được ưu đãi, tăng lương hay thăng chức. Hình thức sách nhiễu này có thể bao hàm một ý đe dọa ngấm ngầm hay trực tiếp rằng người cấp dưới sẽ bị trả đũa nếu không đồng ý với sự đòi hỏi của kẻ sách nhiễu.
Theo luật lệ hiện hành, chủ nhân các doanh nghiệp có bổn phận phải đề xướng và áp dụng những phương thức cần thiết nhằm ngăn ngừa những vụ sách nhiễu tình dục tại nơi làm việc, và phải cấp thời có biện pháp giải quyết khi được thông báo hoặc hay biết về sự kiện đã xảy ra. Trên nguyên tắc, chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm và bồi thường những thiệt hại tinh thần cũng như vật chất khi công nhân viên bị sách nhiễu tình dục tại nơi làm việc. Tuy nhiên, mức độ trách nhiệm của chủ còn tùy thuộc vào hình thức của hành động sách nhiễu, do ai đã gây ra, và cách giải quyết của chủ nhân khi hay biết sự việc. Trong nhiều trường hợp, chủ doanh nghiệp cũng có thể phải chịu trách nhiệm khi nhân viên bị sách nhiễu tình dục bởi khách hàng tại nơi làm việc.
Chủ nhân cũng thường phải chịu trách nhiệm nếu nạn nhân bị sách nhiễu bởi cấp quản lý. Chủ nhân cũng có thể phải chịu trách nhiệm khi nạn nhân đã bị những thiệt hại trong vấn đề việc làm vì từ chối hay phản đối kẻ sách nhiễu, ví dụ như bị cho nghỉ việc, giáng cấp, bị trù dập hay đổi công việc làm không có lợi cho nạn nhân.
Phải làm gì khi bị sách nhiễu tình dục tại nơi làm việc?
Việc đầu tiên và cần thiết là phải công khai phản đối và yêu cầu kẻ sách nhiễu chấm dứt các hành động hoặc lời nói không được hoan nghênh. Thông thường thì một hành động hay lời nói không được hoan nghênh nếu chỉ xảy ra một vài lần tại nơi làm việc, sẽ chưa đủ yếu tố tạo thành một hình thức sách nhiễu tình dục. Tuy nhiên, hành động hoặc lời nói đó sẽ trở thành sự sách nhiễu nếu vẫn còn tiếp diễn sau khi có sự phản đối công khai của người bị sách nhiễu. Vì vậy, sự công khai lên tiếng phản đối của nạn nhân không phải chỉ nhằm cho kẻ sách nhiễu biết rằng những hành động hay lời nói của đương sự không được hoan nghênh và cần phải chấm dứt, mà đó còn là điều kiện quan trọng mà nạn nhân cần phải làm nếu sau đó muốn chính thức khiếu nại hay tố giác sự sách nhiễu. Và nếu sau khi đã công khai phản đối mà sự sách nhiễu vẫn tiếp tục, nạn nhân phải chính thức báo cáo sự việc cho cấp quản lý hay bộ phận điều hành tại nơi làm việc được rõ.
Ngoài ra, để có đủ bằng chứng cho việc khiếu nại hay truy tố một vụ sách nhiễu tình dục tại nơi làm việc, nạn nhân cần ghi lại những hình thức quấy nhiễu đã xảy ra theo thứ tự thời gian cùng với danh tánh của các nhân chứng và những ai đã chứng kiến hoặc hay biết sự việc. Trong mọi trường hợp, nạn nhân luôn có bổn phận phải theo đúng các quy định đã được đặt ra tại cơ sở làm việc liên quan đến việc ngăn ngừa và giải quyết vấn đề sách nhiễu tình dục. Sự quấy nhiễu tình dục sẽ được cơ quan điều tra hay tòa án xác định dễ dàng hơn nếu có bằng chứng cho thấy hành động sách nhiễu vẫn cứ tiếp tục sau khi nạn nhân đã lên tiếng phản đối và báo cáo nội vụ với cấp trên, tạo thành một môi trường làm việc đe dọa, thù nghịch hoặc xúc phạm.
Vào cuối năm 2021 trong một vụ kiện liên quan đến vấn đề sách nhiểu tình dục tại nơi làm việc, bồi thẩm đoàn tại một tòa án ở Houston, Texas đã đưa ra bản án buộc hệ thống các tiệm ăn Chipotle Mexican Grill phải bồi thường $7.65 triệu Mỹ Kim cho nguyên cáo. Người thắng kiện trong vụ này là một thiếu nữ đã bị sách nhiễu tình dục bởi người quản lý khi cô này còn là nhân viên dưới tuổi thành niên làm việc trong một tiệm Chipotle Mexican Grill thời gian ba năm trước đó. Đây cũng là số tiền bồi thường lớn nhất mà tòa án tại Hoa Kỳ đã cho nạn nhân được hưởng trong những vụ kiện liên quan đến vấn đề sách nhiễu tình dục tại nơi làm việc.
Tóm lại, người đi làm tại Hoa Kỳ trong mọi hoàn cảnh đều có quyền được tôn trọng nhân phẩm và được cơ hội làm việc trong một môi trường không có sự đe dọa hay bị xúc phạm, và quan trọng hơn hết là có quyền được luật pháp bảo vệ nếu bị kỳ thị hay bị sách nhiễu bởi chủ nhân, cấp trên hay đồng nghiệp. Cần lưu ý rằng chủ doanh nghiệp nhỏ như nhà hàng, tiệm Nail, v.v… khi có trên 15 nhân viên là đã bị chi phối bởi luật chống sách nhiễu tình dục của liên bang, vì vậy cũng rất cần phải hiểu luật để tránh rắc rối.
Đối với người bị sách nhiễu tình dục tại nơi làm việc, luật pháp Hoa Kỳ có những giới hạn rất chặt chẽ về thời gian dành cho việc khiếu nại. Do đó, nạn nhân bị sách nhiễu nếu muốn được bảo vệ bởi luật pháp, bắt buộc phải tiến hành thủ tục khiếu nại theo đúng thời hạn quy định bởi các luật lệ của liên bang và tiểu bang. Theo luật liên bang và tại hầu hết các tiểu bang, nếu chủ doanh nghiệp hay biết sự sách nhiễu mà không giải quyết thỏa đáng, nạn nhân phải khiếu nại ngay với văn phòng EEOC tại địa phương để cơ quan này điều tra, và EEOC cũng có thể thay mặt nạn nhân để kiện chủ doanh nghiệp khi thấy có bằng chứng. Nếu không giải quyết được trong thời hạn quy định, EEOC sẽ gửi cho nạn nhân một văn thư về quyền được kiện (Right to Sue Letter), và nạn nhân phải khởi kiện nội vụ ra tòa án trong vòng 90 ngày sau đó.
Cần thêm thông tin, có thể liên lạc với Tiến sĩ Luật khoa Tom Huỳnh, điện thoại số (949) 943-4396.
* Tom Huỳnh, J.D.
[email protected]