Bạn nộp hồ sơ ứng tuyển cho một vị trí mà bạn mong muốn, nhưng phía tuyển dụng hồi đáp rằng bạn không phù hợp cho vị trí đó, nên họ không chọn bạn. Điều này có thể khiến bạn đau lòng. Phải làm sao để ứng phó với những tình huống và cảm xúc như thế này? Sau đây là một số bước gợi ý cho bạn:
Trước tiên, chấp nhận cảm xúc của bản thân
Khi bị từ chối công việc, cảm thấy buồn và thất vọng là điều hoàn toàn bình thường. Nếu bạn nhận được nhiều lời từ chối thế này, có thể bạn sẽ thấy nản và tự hỏi không biết mình có tìm được công việc phù hợp không. Hãy cho phép bản thân trải qua những cảm xúc này, ghi nhận rằng chúng là những cảm xúc bình thường với hoàn cảnh đó, nhưng đồng thời cho bản thân thời hạn (ví dụ như sau 48 giờ) để tiếp tục cố gắng.
Sau đó, đánh giá lại chiến lược của bạn
Có thể bạn cần có mục tiêu cụ thể hơn trong quá trình tìm việc, hoặc bạn cần mở rộng mạng lưới xã hội của mình. Đừng ngại nếu muốn hỏi xin ý kiến, từ những người thân quen với bạn cho đến một chủ doanh nghiệp nơi từng phỏng vấn bạn. Hãy dành thời gian thu thập ý kiến của họ, điều chỉnh lại chiến lược tìm việc của mình, và phân bổ nguồn lực phù hợp.
Điều chỉnh lại cách nhìn
Hãy xem những lần xin việc thất bại như một cơ hội học điều gì đó mới về lĩnh vực của bạn, để phát huy điểm mạnh và ý chí của bạn, và tìm cách tiếp cận tích cực và lạc quan hơn đối với sự nghiệp bạn chọn. Cách cửa này đóng có thể là dịp cho cánh cửa khác mở ra, và biết đâu đó sẽ là cơ hội nghề nghiệp phù hợp với bạn nhất. Hoặc có khả năng bạn sẽ nhận ra mình nên mạnh dạn trở thành doanh nhân.
Cuối cùng, tiếp tục nộp đơn xin việc, bị từ chối, lại tiếp tục đứng lên
Bạn sẽ học được nhiều điều về bản thân mình, về các doanh nghiệp và tổ chức, đồng thời thu được kinh nghiệm, kiến thức quý báu về ngành nghề bạn chọn bằng cách trải nghiệm các cuộc phỏng vấn cho nhiều vị trí.
Sự bền bỉ, lòng quyết tâm của bạn sẽ có lúc đưa bạn đến vị trí phù hợp nhất với bạn.
Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine