Cái chết là thứ hầu như không ai muốn nói tới, nhưng nó là điều không tránh khỏi. Trong cuộc đời của mình, rất có thể bạn sẽ phải dự một (vài) đám tang nào đó. Vậy, phải làm và nói những gì cho phù hợp với bối cảnh này? Sau đây, các chuyên gia sẽ trả lời những câu hỏi thường gặp nhất về phép ứng xử trong tang lễ:
Ảnh: mundwilerfuneralhome.net
1. Tôi không biết nói gì với gia quyến người chết. Tôi nên nói gì đây?
Nói đến một kỷ niệm đẹp về người đã khuất giúp người đang đau buồn tập trung về những thời điểm hạnh phúc hơn. Bạn chỉ cần trình bày ngắn gọn và đơn giản; càng nói nhiều càng dễ khiến bạn gặp rắc rối. “Xin chia buồn cùng anh/chị/… và toàn thể gia đình” (“My condolences to you and the entire family”) hoặc “Tâm tình của tôi ở cùng các bạn” (My thoughts are with you all”) là những câu nói an toàn.
2. Tôi không nên nói những gì?
Nên tránh những câu sáo rỗng, có thể bị cho là thiếu tế nhị như “Ông ấy đang ở nơi tốt đẹp hơn” (“He’s in a better place”) hoặc “Nỗi buồn sẽ vơi đi theo thời gian (“The pain will lessen in time”). Đừng hỏi vì sao người đó mất, hoặc nói với người đang đau buồn rằng bạn hiểu cảm xúc của họ. Đừng hỏi vặn vẹo về quy trình chăm sóc sức khỏe, hoặc bắt bẻ gia đình người mất rằng lẽ ra họ nên làm điều gì đó khác đi. Bạn có thể chia sẻ sự đồng cảm với họ chỉ bằng một nụ cười, một cái ôm, một chút im lặng.
3. Có nhất thiết phải mặc màu đen không?
Màu đen là lựa chọn mang tính truyền thống và an toàn khi mặc đến đám tang, nhưng nó không phải lựa chọn duy nhất. Bạn có thể mặc màu xám (grey), xanh dương (blue), tím đậm (eggplant) và các màu khác. Chỉ cần lưu ý: Đám tang không phải là nơi phô trương về thời trang, do đó hãy ăn mặc giản dị và ý tứ. Khi tham dự các sự kiện ăn mừng cuộc sống (life celebration – thường ít trang trọng hơn và hay được tổ chức ngoài trời), bạn có thể ăn mặc tự do hơn, nhưng các chuyên gia cũng khuyên nên tránh những trang phục quá xuề xòa, như quần shorts, dép xỏ ngón và áo thun chui đầu.
4. Tôi nghe nói người ta kỵ gửi hoa đến một đám tang Do Thái (Jewish funeral). Điều đó có đúng không?
Theo một cách nào đó thì điều này là đúng. Thay vì gửi hoa, bạn hãy tạo một khoản quyên góp từ thiện trên danh nghĩa người mất. Các vùng miền và nền văn hóa khác nhau có những phong tục tang ma khác nhau. Do đó, bạn nên tìm hiểu trước khi đi dự một đám tang nào đó. Bạn có thể tự nghiên cứu trên mạng hoặc gọi cho nơi thờ phụng (house of worship). Hãy chuẩn bị tinh thần để “nhập gia tùy tục”, tức là cố gắng hòa nhập với nghi lễ ma chay của người khác, dù nó có khác biệt ra sao với truyền thống của bạn.
5. Tôi muốn tặng thứ gì đó cho gia đình người mất. Xin cho tôi vài gợi ý
Thiệp chia buồn (sympathy card) và đồ ăn là những gợi ý hay. Bạn nên chọn loại thức ăn mà người dùng có thể hâm lại dễ dàng. Bạn có cũng thể gởi hoa đến nhà tang lễ (funeral home), nhưng theo các chuyên gia, bạn nên gửi hoa thẳng tới gia đình người mất, vì có thể họ sẽ tụ tập tại nhà và khi họ đến nhà, họ sẽ thấy hoa của bạn có sẵn ở đó.
6. Tôi muốn đưa các cháu bé nhà tôi đến tang lễ để chúng gặp họ hàng. Như vậy có được không?
Được, nhưng có một lưu ý. Nếu các bé nhà bạn còn quá nhỏ, khi các bạn đến nơi hãy hỏi xem có không gian nào mà bạn có thể đưa cháu bé nhà mình tới khi mà cháu gây ồn ào không. Hoặc có thể bạn sẽ muốn cùng con ngồi gần lối ra, để có thể ra khỏi nơi làm lễ nhanh chóng cùng con khi cần. Nên cố gắng hạn chế việc con trẻ gây ồn ào ở nơi tổ chức tang lễ vì như vậy sẽ ảnh hưởng những người khác.
7. Tôi sắp được gặp những họ hàng mà đã lâu tôi không gặp. Tôi có được chụp ảnh không?
Nên tránh chụp hình với những người thân quen ở tang lễ kể cả khi bạn rất muốn. Gặp lại họ có thể là một dịp vui, kể cả trong hoàn cảnh khó khăn như tang lễ. Nhưng đừng để gia đình người quá cố thấy bạn cư xử như thể bạn đang đi dự tiệc. Suy cho cùng thì sự kiện bạn đang có mặt là một đám tang. Đặc biệt, làm dáng chụp hình cạnh quan tài người chết cũng là điều không phải phép. Ngoài ra, bạn cũng hãy tránh cập nhật tin tức lên mạng xã hội.
8. Tôi muốn giúp đỡ gia quyến người chết theo một cách nào đó. Có lời khuyên nào dành cho tôi không?
Tang gia có thể đang đau buồn và bối rối, bạn có thể đơn giản hỏi họ là họ cần giúp gì. Thay vì nói những câu chung chung như: “Tôi ở đây nếu quý vị cần giúp” (“I’m here if you need me”), bạn hãy cố gắng cụ thể hơn, như: “Tôi ở đây nếu quý vị cần tôi đem hoa đến nghĩa trang, hoặc đưa ai đó ra sân bay” (“I’m here if you need me to take flowers to the gravesite, or take someone to the airport”). Và hãy giúp họ thật sự, đừng chỉ nói suông.
9. Đâu là những việc tối kỵ ở tang lễ?
Đừng bao giờ nói chuyện điện thoại trong lúc dự tang lễ, nhất là khi nội dung cuộc gọi có thể không phù hợp với không khí tang lễ. Nên chọn chỗ ngồi theo chỉ dẫn của người chỉ chỗ (usher); sẽ là không hay khi bạn ngồi vào ghế dành riêng cho các thành viên gia đình trực hệ (nếu bạn không phải thân nhân thân thiết của người mất). Nếu bạn được mời phát biểu, hãy tránh việc kể những câu chuyện hài và những câu chuyện dài dòng mà mọi người có thể cho là không phù hợp.
10. Sau tang lễ thì sao?
Một vài tuần sau tang lễ, khi cuộc sống trở lại bình thường, có khả năng người gần gũi nhất với người quá cố sẽ cần có người ở bên cạnh hơn bao giờ hết. Hãy dành thời gian thăm hỏi và kết nối với họ. Bạn có thể mời họ đi ăn hoặc đi xem phim. Đối với một số người đã mất người thân quen, các ngày lễ lạt và các ngày kỷ niệm đặc biệt có thể khiến họ đau buồn nhiều hơn nếu phải ở một mình.
Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine