Trong những tình huống sau đây, các bé thường cần được người lớn thông cảm và phản ứng lại một cách phù hợp hơn:
Ảnh: babyandchild.ae
1. Khi trẻ không kiểm soát được sự nổi loạn của mình
Có bao giờ bạn bảo con mình “Đừng ném cái đó!” nhưng bé vẫn ném không? Thật ra không phải vì bé muốn làm trái lời bạn, nhưng theo các nhà nghiên cứu, vùng não bộ liên quan đến khả năng tự chủ (self-control) của bé vẫn chưa phát triển hoàn thiện (cho đến khi bé kết thúc tuổi thiếu niên). Vì vậy đa số trẻ nhỏ chưa biết cách kiềm chế ham muốn làm những việc mà các bé bị cấm đoán.
2. Quá nhiều sự kích động (Overstimulation)
Nếu như bạn đưa bé đi mua sắm, đi công viên, và đi xem kịch trong cùng một buổi sáng, và kết quả là bạn phải đối mặt với việc trẻ ăn vạ, làm mình làm mẩy, hoặc tăng động (hyperactivity). Đó là do lịch trình của bé có quá nhiều hoạt động. Các bé thường kiệt sức khi ở trong môi trường quá phong phú, nhiều lựa chọn hoặc nhiều đồ chơi… Theo các nhà nghiên cứu, trẻ cần nhiều thời gian thư giãn (“down time”) để cân bằng với những khoảng thời gian bận rộn (“up time”) của trẻ. Hành vi của trẻ sẽ cải thiện đáng kể nếu trẻ có thời gian yên tĩnh, vui chơi và nghỉ ngơi.
3. Các điều kiện cốt lõi
Mệt, đói, khát, thiếu ngủ, bệnh, ăn quá nhiều đường,… – trẻ nhỏ có thể bị tác động bởi những tình trạng như vậy. Khi đó các bé khó làm chủ cảm xúc và hành vi của bản thân. Nhiều người lớn có thể nhận thấy sự thay đổi trong hành vi của con mình vào khoảng một giờ đồng hồ trước bữa ăn, hoặc khi chúng tỉnh giấc nửa đêm, hoặc khi các bé không được khỏe. Không phải lúc nào trẻ cũng có thể giao tiếp hiệu quả để người khác hiểu tình trạng của các bé hoặc biết cách tự tìm đồ ăn, nước uống, thuốc men, hay tự biết dành cho mình một giấc ngủ ngắn.
4. Thể hiện những cảm xúc mạnh mẽ
Là người lớn, chúng ta được dạy rằng phải kìm nén và che giấu những cảm xúc mãnh liệt của mình, nhưng trẻ nhỏ chưa làm được điều đó. Các bé thường bộc lộ những cảm xúc mạnh mẽ của mình bằng cách la hét, quát tháo hay khóc lóc. Những khi đó, bạn hãy để trẻ tự do giải tỏa xúc cảm mà không trừng phạt bé.
5. Rất thích hoạt động
“Ngồi yên!”, “Đừng rượt anh con chạy vòng vòng quanh bàn nữa!”, “Đừng nhảy nhót trên sô pha nữa!”,… Quá trình phát triển khiến trẻ nảy sinh nhu cầu hoạt động thường xuyên. Các bé thường thích ở ngoài trời, đạp xe, nô đùa, nhảy nhót, lăn lộn bò toài, chạy đua, v.v… Những lúc bé có nhu cầu như vậy, thay vì gọi bé là “hư”, bạn nên thu xếp cho bé đi ra sân chơi hoặc đi dạo quanh khu nhà bạn sống.
6. Khuynh hướng chống đối và chứng tỏ sự độc lập
Trẻ muốn mặc quần shorts trong khi bạn muốn trẻ mặc quần dài vì bạn cho rằng trời đang lạnh. Trẻ muốn tự cắt tóc. Trẻ muốn ăn trứng suốt năm ngày liên tục… Có thể bạn không hiểu được những lựa chọn của bé, nhưng đó là những thứ trẻ muốn làm theo kế hoạch, quyết định của riêng trẻ, và trở thành một con người độc lập nhỏ tuổi theo cách riêng của trẻ.
7. Bị hạn chế bởi chính thế mạnh của mình
Có thể bé là một đứa trẻ nhạy cảm, và điều đó khiến bé dễ bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc tiêu cực của người xung quanh. Bé cẩn thận và suy nghĩ chu đáo, nhưng lại không dám thử sức trong những hoạt động mới. Bé rất chăm chỉ học tập, nhưng lại dễ mất bình tĩnh khi bản thân phạm sai lầm… Nếu bạn nhận diện được những hành vi không được mong đợi ở trẻ thật ra là mặt trái của các ưu điểm mà trẻ có – cũng như ở người lớn chúng ta – bạn có thể thông cảm cho trẻ và có những phản ứng phù hợp hơn.
8. Thèm được chơi đùa
Bé trét bơ đầy mặt, bé muốn chơi rượt đuổi với bạn trong lúc bạn cố chải răng cho bé, bé mang giày của bố thay vì mang giày của bé vào buổi sáng,… Những hành vi thường được cho là “phá phách” này cho thấy mong muốn bố mẹ chơi đùa cùng bé. Trẻ nhỏ thích hành xử ngây ngô và tinh nghịch. Điều này không có nghĩa là bé hư, mà là các bé thích kết nối thông qua việc chia sẻ tình yêu thương và tiếng cười. Bạn nên dành thời gian chơi đùa với bé mỗi ngày.
9. Phản ứng trước tâm trạng của bố mẹ
Cảm xúc có tính chất lây lan. Và con của bạn có thể bị lây lan cảm xúc của bố mẹ khi chúng ở gần bố mẹ. Bên cạnh những cảm xúc tốt như hăng hái hay vui vẻ, nếu bạn căng thẳng, lo lắng, lơ là, buồn phiền,… thì trẻ cũng có thể tiếp nhận những trạng thái đó từ bạn.
10. Phản ứng trước những ranh giới không nhất quán
Khi đưa bé đi xem đá banh, bạn mua cho bé một bịch kẹo; nhưng ngay sau đó bạn lại nói: “Đừng ăn, kẻo con lại không ăn cơm được” và cháu bé gào thét giãy nãy. Một tối bạn đọc cho con nghe năm cuốn truyện, nhưng tối hôm sau bạn lại bảo chỉ có thời gian đọc cho con một cuốn, và bé năn nỉ bạn đọc thêm… Khi bố mẹ không nhất quán trong các giới hạn đặt ra cho trẻ, việc trẻ phản ứng là điều dễ xảy ra. Bạn hãy cố gắng duy trì các giới hạn một cách nhất quán 100 phần trăm cho các bé – điều này sẽ giúp cải thiện hành vi của các bé một cách đáng kể.
Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine