Bí quyết để có được một cuộc đối thoại lý thú với ai đó rất đơn giản: thay vì tỏ ra mình là người thú vị để “lòe” đối tượng, bạn chỉ cần thể hiện sự quan tâm dành cho đối tượng. Trong những bữa tiệc mùa lễ hội và nhiều sự kiện xã giao khác, 7 mẹo bắt chuyện sau đây có thể giúp bạn bớt cảm thấy áp lực khi tiếp xúc với nhiều người chưa quen:
Ảnh: cnbc.com
1. Ghi nhận rằng các bạn đang có những trải nghiệm chung
Khi hoàn cảnh không mấy lý tưởng, việc ghi nhận một trải nghiệm chung giữa bạn và đối tượng có thể khiến không khí giữa cả hai bớt sượng sùng và tạo thuận lợi cho việc đối thoại. Ví dụ, trong lúc xếp hàng chờ mua đồ, bạn có thể nói với người đứng phía trước mình rằng xếp hàng mua đồ vào giờ này lúc nào cũng lâu; hay khi bạn ở trong một bữa tiệc nơi hầu như mọi người không quen biết nhau và lúng túng không biết nói gì, bạn có thể nhận xét: “Những bữa tiệc thế này luôn khiến chúng ta lúng túng nhỉ? Mọi người phải tìm cách xã giao với nhau”;…
Bạn nên cẩn thận khi dùng biện pháp này. Hãy cố hết sức để giữ thái độ trung lập. Một nhận xét kiểu như “Những sự kiện kết nối kiểu này chán òm!” có thể sẽ gây bất lợi cho bạn về sau.
2. Ghi nhận cái hay, cái tốt
Bắt chuyện bằng cách nêu ra một khía cạnh tích cực nào đó cũng là một ý hay. Ví dụ, bạn có thể nói: “Cuộc họp có kết quả tốt quá! Tôi nhận thấy chúng ta đã thu được những ý tưởng có giá trị”, hoặc: “Bạn có dùng món tráng miệng ở căn-tin hôm nay không? Nó ngon nhỉ!”, v.v…
3. Khen đối tượng
Hầu như ai cũng thích được người khác khen ngợi. Ví dụ, bạn có thể nói: “Cái áo bạn mặc đẹp quá! Màu sắc rất hợp với bạn!” hoặc: “Tôi thấy bạn thuyết trình rất hay! Mọi thứ rất dễ hiểu!”, v.v… Tuy nhiên, cố gắng tránh đưa ra lời khen gây phản cảm cho đối tượng; bạn có thể khen kiểu tóc mới của đối tượng, nhưng đừng khen kiểu “Mông cô đẹp quá!”, v.v…
4. Hỏi xin ý kiến
Hầu hết chúng ta đều thấy vui khi ý kiến của mình được người khác coi trọng. Việc bạn hỏi xin ý kiến của đối tượng cho thấy bạn quan tâm đến họ và những suy nghĩ của họ. Bạn có thể nói những câu như: “Bạn nghĩ sao về phần trình bày của tôi vừa rồi?”, hay: “Bạn đang nuôi chó Chihuahua à? Tôi cũng đang định nuôi một con. Theo bạn tôi nên lưu ý những điều gì?”, v.v… Bạn nên chọn những đề tài ít gây tranh cãi. Sẽ là kỳ quặc nếu tiến đến một người và hỏi: “Bạn nghĩ sao về tình hình chính trị Hoa Kỳ?” – rất có thể bạn sẽ sa vào một cuộc tranh luận vô bổ với một người mà bạn chỉ mới gặp.
5. Đề nghị giúp đỡ
Đề nghị giúp đỡ đối tượng là một cách hay để bày tỏ rằng bạn là người tốt và thân thiện. Nếu nhận thấy đối tượng cần được giúp và bạn có thể giúp họ, hãy bước tới và nói những câu như: “Hình như bạn bị lạc. Tôi có thể giúp bạn tìm đường đến nơi bạn cần đến không?” hoặc: “Mấy cái túi bạn xách nặng nhỉ! Bạn cần tôi xách hộ vài túi không?”, v.v…
6. Tìm kiếm điểm chung
Khi bạn khơi gợi điểm chung giữa bạn và đối tượng, rất có thể bạn sẽ tạo được sự kết nối nhanh chóng với họ và giúp cả hai tìm được nhiều đề tài đối thoại hơn. Ví dụ, bạn có thể nói: “Bạn cũng tốt nghiệp trường này à? Bạn học khóa mấy vậy?”, hoặc: “Vậy là chúng ta làm cùng ngành! Bạn vào nghề này đã lâu chưa?”, v.v…
7. Hỏi xin thông tin hoặc nhờ giúp đỡ
Việc bạn hỏi xin thông tin từ đối tượng hoặc nhờ đối tượng giúp đỡ có thể khiến đối tượng vui vì thấy mình có ích, miễn là những gì bạn yêu cầu từ đối tượng không khiến đối tượng khó xử khi đáp ứng cho bạn. Bạn có thể nói những câu như: “Bạn có biết quán nào trong thị trấn bán đồ ăn ngon không?” hay: “Bạn có biết bảng thông tin của công ty được đặt ở đâu không?”, v.v…
Chúc mừng! Giờ thì bạn đã bắt chuyện được với một người mới. Để duy trì cuộc đối thoại, hãy luôn thể hiện sự quan tâm mà bạn dành cho họ, tìm kiếm điểm chung và đặt những câu hỏi phù hợp với diễn tiến câu chuyện.
Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine