Nhiều ông bố bà mẹ không biết tại sao con họ lại nhút nhát, và họ không biết phải nuôi dạy đứa con đó như thế nào.
Ảnh: skalekar1992 / Pixabay
Một quá trình nghiên cứu lâu dài nhận thấy temperament (khí chất) – hay kiểu phản ứng cảm xúc của một người với môi trường – có thể được nhận diện khi người đó chỉ mới khoảng bốn tháng tuổi. Các nhà nghiên cứu cho các bé bốn tháng tuổi tiếp xúc với những món đồ chơi đơn giản, như một cái mobile (đồ chơi với những hình con thú treo lủng lẳng) và họ quan sát cách các bé này phản ứng với chúng. Những bé bị choáng ngợp hoặc khó chịu trước món đồ chơi treo lủng lẳng này là những bé dễ trở nên nhút nhát nhất khi các bé lớn lên. Các bé này đặc biệt nhạy cảm trước bất cứ thay đổi gì của môi trường và có thể dễ dàng bực bội bởi những thứ thường tình nhất như tiếng chuông cửa hay việc thay tã. Trái lại, những bé phản ứng tích cực trước những thay đổi này, hoặc không phản ứng gì cả, là những bé rất dễ hòa nhập khi đến tuổi đi học.
Bằng cách này, người ta cũng dự đoán được mức độ nhút nhát hoặc cởi mở của các bé khi các bé vào tuổi dậy thì. Những khác biệt giữa trẻ em nhút nhát và cởi mở còn được thể hiện trong hoạt động não bộ và cấu tạo sinh học của các em. Do đó, giới nghiên cứu cho rằng tính nhút nhát có nền tảng bảm sinh và có thể đã là một phần trong nhân cách của một người từ khi người đó còn rất nhỏ.
Liệu điều này có nghĩa là chúng ta không thể tác động gì đến việc hình thành shyness (tính nhút nhát) ở một đứa trẻ? Và có phải tính nhút nhát là một nét tính cách đáng lo ngại?
Chỉ vì khí chất có nền tảng bẩm sinh không có nghĩa rằng nó không thay đổi được. Khí chất của một đứa trẻ có thể thay đổi, các phản ứng tiêu cực của các em bé đối với những sự vật, sự việc mới mẻ có thể trở nên bớt cực đoan theo thời gian. Trên hết, nhút nhát một chút hoàn toàn không có gì sai. Nhiều đứa trẻ có khí chất được mô tả là “slow to warm up” (“chậm thích nghi”), và chỉ cần đôi chút thời gian để điều chỉnh bản thân trước các yếu tố bên ngoài là các bé đã sẵn sàng xông vào cuộc vui. Bạn cần biết thường có khoảng 10-15% trẻ em sinh ra có tính nhạy cảm thái quá. Các bé này chính là người có nguy cơ cao nhất trong việc hình thành tính nhút nhát, và khoảng 40% các bé này thậm chí có thể mắc chứng social anxiety (lo âu xã hội) về sau.
Vậy thì, nếu bạn có một đứa con quá nhạy cảm và khó thích nghi với hoàn cảnh và con người xung quanh (kể cả khi những hoàn cảnh và con người đó là quen thuộc với bé), có một số cách can thiệp để giúp bé tránh được các vấn đề về lo âu xã hội sau này. Trên hết, một phong cách nuôi dạy con mang tính yêu thương và nâng đỡ có thể sẽ rất hữu ích. Nghiên cứu cho thấy: Khi có một người mẹ nhạy cảm và phản ứng phù hợp với nhu cầu của trẻ, trẻ sẽ ít có nguy cơ trở nên nhút nhát. Do đó, kể các khi các em bé dễ bị kích động nếu được cho làm quen với những tình huống và con người mới, một người cha/mẹ biết an ủi và động viên trẻ có thể giúp trở bớt rụt rè hoặc lo âu.
Tương tự, phong cách nuôi dạy con có thể đóng vai trò nhất định trong việc giúp các bé – dù là nhút nhát hay cởi mở – xây dựng ý thức đạo đức hoặc lương tâm từ khi còn nhỏ. Ví dụ: Những đứa trẻ rụt rè hoặc dễ căng thẳng thường bực mình khi chúng bị người khác la rầy về việc phá vỡ nguyên tắc. Các bé này cần và phản hồi tốt trước các hình thức kỷ luật dịu dàng, do các bé dễ cảm thấy tội lỗi về những sai phạm của mình. Các bé cởi mở hoặc bạo dạn hơn thì thường không hay có phản ứng trước hình thức kỷ luật dịu dàng và sẽ cần chúng ta chú ý nhiều hơn một chút khi các bé phạm lỗi, do bản tính các bé không dễ căng thẳng.
Tóm lại, nghiên cứu nhận thấy hạt giống khiến một đứa trẻ có tính nhút nhát hay cởi mở được gieo trồng từ sớm trong đời trẻ, và yếu tố sinh học mang tính ảnh hưởng mạnh. Nhưng, mặt sinh học không phải là định mệnh, nếu bạn có một đứa con rất nhạy cảm trước bất cứ thay đổi nào của môi trường, một phong cách nuôi dạy con khéo léo cho phép đứa trẻ thích ứng với những điều mới theo nhịp độ riêng của bé có thể giúp bé tránh được tâm lý lo âu hoặc sợ hãi trong các tình huống của cuộc sống sau này. Và dù sự nhút nhát mang nền tảng bẩm sinh, không có gì bảo đảm bạn sẽ có hai đứa con với tính khí giống hệt nhau. Rất có thể một trong hai đứa con của bạn có tính nhút nhát, dễ căng thẳng, trong khi đứa còn lại thì nghịch ngợm, ồn ào. Nếu điều đó xảy ra với bạn, điều quan trọng bạn cần nhớ đó là hãy điều chỉnh cách bạn nuôi dạy con cho phù hợp với tính cách từng đứa, do cách nuôi dạy có tác dụng với kiểu tính khí này có thể sẽ không có tác dụng với kiểu tính khí kia.
Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine