Một số cặp đôi lệ thuộc vào nhau đến mức họ chỉ có những người bạn chung, không có bạn riêng (thậm chí không có bạn, nếu họ không nhất trí được với nhau là nên giao du với ai). Họ chỉ đi chơi với nhau, và không có sở thích riêng mà chỉ có sở thích chung.
Thông thường, một hoặc cả hai người trong cuộc sẽ cảm thấy ngột ngạt và bí bách với mối quan hệ tình cảm này (một cách công khai hay bí mật). Họ gặp khó khăn trong việc nêu ra nhu cầu của riêng mình, hoặc nói lên mong muốn về sự độc lập, do mối quan hệ của họ đã đạt đến mức không cho họ lựa chọn nào khác.
Ảnh: Heather Mount / Unsplash
Khi giai đoạn “trăng mật” qua đi
Trong các giai đoạn đầu tiên của tình yêu, khi mà các bạn cảm thấy như trong mắt mình, đối tượng là người duy nhất có ý nghĩa trên đời, việc các bạn muốn dành toàn bộ thời gian ở cùng nhau là điều bình thường. Nhưng giai đoạn này không kéo dài mãi mãi, và việc bạn tìm cách duy trì giai đoạn “trăng mật” trong toàn bộ chiều dài mối quan hệ lại là một việc thiếu lành mạnh.
Dù một cặp đôi yêu nhau thắm thiết đến đâu, mỗi người trong cuộc đều cần có một cuộc sống riêng bên cạnh đời sống chung, để cả hai cảm thấy trọn vẹn và hạnh phúc.
Nhưng với một số người, đặc biệt là người không học được cách vạch ra những giới hạn lành mạnh (do sống trong một gia đình nhiều trục trặc chẳng hạn), họ có thể gặp khó khăn trong việc vạch ra các giới hạn khi bắt đầu hẹn hò với ai đó.
Nếu những người này gặp gỡ một người bạn đời có hoàn cảnh gia đình tương tự với mình, họ có thể trở thành một cặp đôi đồng phụ thuộc (codependent couple).
Nếu bạn có thói quen lệ thuộc quá nhiều vào bạn đời, hy sinh bạn bè, các sở thích riêng, hay thậm chí là bỏ việc hoặc thôi học để được ở cạnh bạn đời 24/7, các chiến lược thiết lập giới hạn lành mạnh với bạn đời sau đây có thể giúp ích cho bạn.
Ngoài ra, nếu từ trước đến giờ, bạn chưa từng nhìn thấy một mối quan hệ lành mạnh nào diễn ra xung quanh mình, bạn cần phải tự học cách vạch giới hạn cho mối quan hệ tình cảm của mình trước khi nó đi theo vết xe đổ của những mối quan hệ thiếu lành mạnh mà bạn từng chứng kiến trong quá khứ.
Xây dựng các giới hạn cho một mối quan hệ mới:
Khi bước vào một quan hệ tình cảm, bạn cần nhớ rằng mối quan hệ đó không quyết định nên con người bạn. Bạn là một cá thể với những sở thích riêng, bạn bè riêng và những bổn phận bạn phải đảm nhiệm từ trước khi gặp người bạn yêu, và bạn sẽ vẫn là con người đó trong suốt thời gian mối quan hệ diễn ra lẫn sau khi mối quan hệ kết thúc. Vì lẽ đó, sau đây là một số quy tắc bạn cần nhớ:
• Đừng bao giờ từ bỏ các nghĩa vụ của bạn trong công việc hay trong học tập chỉ vì một mối quan hệ mới.
• Đừng hủy bỏ các kế hoạch với bạn bè, và hãy tham gia các hoạt động xã hội ít nhất một lần mỗi tuần mà không có sự đồng hành của người yêu mới.
• Đừng giả vờ rằng bạn có mọi sở thích chung với người yêu mới chỉ vì sợ họ sẽ tham gia các hoạt động đó mà không có bạn đi cùng.
Kể cả khi bạn thực sự muốn học hỏi về những sở thích và mối quan tâm của người bạn đời, đừng cố gắng học 100% về chúng ngay lập tức. Hãy cho bạn đời của bạn không gian riêng để được là chính họ, và bạn tiếp tục sống cuộc đời của bạn.
Khi bạn đời phản đối những giới hạn bạn đặt ra:
Có khả năng trong lúc bạn cố gắng xây dựng những giới hạn lành mạnh cho mối quan hệ của hai người, bạn đời của bạn lại tìm cách “bám víu” vào bạn nhiều hơn. Trong trường hợp đó, bạn cần giữ vững lập trường và cho bạn đời mình biết rằng bạn thích dành thời gian ở bên anh/cô ấy, nhưng bạn cũng muốn duy trì mối quan hệ với bạn bè mình và các sở thích riêng.
Nếu cuộc nói chuyện này không cho kết quả như mong muốn, có thể bạn sẽ cần suy nghĩ lại xem anh/cô ấy có phải đối tượng phù hợp với bạn không, hoặc mối quan hệ này có khiến bạn đi vào vết xe đổ như những mối quan hệ không lành mạnh mà bạn từng biết hay không.
Các giới hạn lành mạnh sẽ giúp ích cho các bạn và mối quan hệ của hai người
Duy trì những giới hạn lành mạnh là một phần quan trọng trong đời sống của một người trưởng thành độc lập, khôn ngoan. Nếu bạn gặp trục trặc về mặt này, tìm đến sự giúp đỡ của một chuyên gia tâm lý có thể là giải pháp cho bạn.
Chuyên gia tâm lý có thể giúp bạn tìm ra cách sống thật với bản thân trong lúc bắt đầu một mối quan hệ mới. Kể cả khi bạn đang độc thân, nếu bạn thấy mình dễ lệ thuộc vào các đối tượng tình cảm, một chuyên gia tâm lý có thể giúp bạn tìm hiểu lý do tại sao bạn làm vậy, và hỗ trợ bạn tìm thấy một lối sống lành mạnh, tự tin và chân thật hơn.
Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine