congdongnails.com

Người thân “độc hại” – Nên cắt đứt quan hệ hay không?

Những mối quan hệ “độc hại” có thể diễn ra giữa những người nhà với nhau: lạm dụng, ngược đãi, tính ái kỷ (narcissism),… Duy trì quan hệ với những người như thế có thể làm chất lượng cuộc sống của bạn suy giảm đáng kể. Bạn không nên nuôi dưỡng quan hệ với những người “độc hại” trong cuộc đời mình. Làm sao để biết một thành viên gia đình là “độc hại”? Sau đây là 5 dấu hiệu của những người như thế:

Họ chỉ nói chuyện với bạn khi họ cần bạn
Một mối quan hệ lành mạnh với bất kỳ người nào cũng cần cho và nhận. Khi ai đó trong gia đình bạn chỉ liên hệ với bạn khi họ cần bạn – như để mượn xe của bạn, nhờ bạn giúp chuyển nhà, hoặc muốn được bạn an ủi khi gặp chuyện buồn,… – mà lại không ở bên bạn khi cuộc sống của bạn có vấn đề, đó có thể là dấu hiệu rõ ràng của việc họ không thật sự coi trọng quan hệ giữa họ và bạn.

Họ thích “kiếm chuyện”
Nói xấu người khác, kiếm chuyện gây gổ,… là việc những người này thích làm. Khi bạn là người thân của họ, rất có thể bạn sẽ bị họ lôi vào những chuyện này ở một mức độ nào đó. Những người này sẽ khiến bạn mệt mỏi cả về tinh thần lẫn thể chất.

Bạn không thể tin tưởng họ
Một dấu hiệu khủng khiếp của một thành viên gia đình “độc hại” đó là bạn không thể tin tưởng họ. Người cùng một nhà nên yêu thương và tôn trọng nhau, bảo vệ bí mật của nhau và luôn hỗ trợ nhau khi cần. Nếu trong gia đình bạn có ai đó mà bạn không thể tin tưởng, rất có thể họ là đối tưởng có ảnh hưởng “độc hại” đến cuộc sống của bạn.

Họ hay phán xét
Ai cũng có lỗi lầm, và ai cũng cần những lời phê bình (có tính xây dựng). Tuy nhiên, khi thành viên nào đó trong gia đình bạn hay chê bai bạn bằng những lời bình phẩm có ý sỉ nhục và khiến bạn cảm thấy mình tệ hại, thay vì giúp bạn học hỏi từ sai lầm và tiếp tục tiến lên, thì rất có thể họ là người “độc hại” đối với bạn.

Họ thao túng bạn
Thao túng (manipulation) bao gồm nhiều chiến thuật để kiểm soát bạn, làm bạn hoài nghi về trí nhớ hoặc sự sáng suốt của bản thân, và phủ nhận điều bạn tin tưởng, cho đến việc thay đổi hành vi như chong chóng (từ tỏ ra ngọt ngào đến trở nên giận dữ và hành xử khó đoán) khi có gì đó diễn ra không đúng ý họ.

Cắt đứt quan hệ:
Khi bạn nhận ra một thành viên nào đó trong gia đình mình là “độc hại” với bạn, cắt đứt quan hệ với họ có thể là việc khó khăn, nhưng thường là cần thiết. Sự độc hại xuất phát từ sự thiếu chín chắn, nhận thức kém về bản thân và không nhận ra những điều thật sự quan trọng trong cuộc sống. Do đó, hành vi này thường khó sửa đổi. Một người chỉ thay đổi khi bản thân ngộ ra bài học, tự nguyện sửa đổi, và theo thời gian của riêng họ. Một số người không bao giờ thay đổi. Bạn không có nghĩa vụ làm thay đổi hành vi hay nhân cách của họ. Nếu họ nhận ra bài học và tự nguyện sửa đổi, dù là sau khi bạn cắt bỏ quan hệ với họ làm họ tỉnh ngộ hay là họ tự ngộ ra trên đường đời, thì điều đó rất tốt. Nhưng trong phần lớn trường hợp, một người “độc hại” ở tuổi trưởng thành sẽ là người độc hại trong phần lớn cuộc đời họ.

Bạn chỉ phải chịu trách nhiệm về bản thân và hãy tập trung để bản thân được vây quanh bởi những người thật sự quan tâm bạn, những người được bạn tin tưởng; và bạn sẽ ngày càng thấy tránh xa những người độc hại là việc dễ dàng, để bạn trở thành một con người hạnh phúc hơn.

Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine