congdongnails.com

Những cái nên và không nên khi nói chuyện với trẻ nhỏ về cái chết

Đối mặt với cái chết của một người thân thương không bao giờ dễ dàng. Trải nghiệm này thậm chí còn khó khăn hơn với trẻ nhỏ. Nếu con của bạn bị mất đi một người mà cháu yêu quý, sau đây là một số điều bạn nên biết để giúp con mình ứng phó với điều đó:

Ảnh: pixel2013 / Pixabay

NÊN:
• Lập tức nói sự thật về những gì đã xảy ra cho trẻ biết. Sự thật giúp lý giải nỗi đau buồn và nước mắt của bạn trước mặt trẻ. Cởi mở và dám bày tỏ cảm xúc giúp bạn dạy con mình cách khóc thương người qua đời.

• Hãy chuẩn bị đón nhận nhiều phản ứng cảm xúc khác nhau. Dù bạn tiếp cận đề tài này theo cách nào đi nữa, hãy nhớ rằng trẻ sẽ đau buồn, và thậm chí là giận dữ trước sự mất mát. Hãy chấp nhận các phản ứng cảm xúc của trẻ. Bạn sẽ có thời gian nói chuyện với con một lần nữa về chúng sau khi con của bạn xử lý xong sang chấn ban đầu.

• Đừng ngại dùng những từ “dead” hoặc “die” (“chết”). Nhiều người nghĩ rằng những từ này gây khó chịu và thích dùng những từ như “passed away”, “lost”, “crossed over”, “went to sleep”, nhưng nghiên cứu nhận thấy việc dùng những từ thực tế để miêu tả cái chết sẽ có ích cho quá trình khóc thương.

• Chia sẻ thông tin có liều lượng. Hãy ước lượng xem đứa trẻ có thể tiếp nhận bao nhiêu lượng nhỏ thông tin mỗi lần. Bạn có thể căn cứ điều này dựa trên những câu hỏi trẻ đưa ra.

• Đừng ngại khi phải nói: “I don’t know” (“Bố/Mẹ không biết”). Có tất cả mọi đáp án cho mọi câu hỏi không phải chuyện dễ dàng, đặc biệt là trong những lúc bạn đang bối rối và đau lòng. Sẽ có ích nếu cho trẻ biết rằng có thể bạn không có câu trả lời cho tất cả mọi thứ, như: “Bà ngoại chết như thế nào?”, “Chuyện gì xảy ra với dì Rita ở nhà tang lễ?”, “Tại sao Spike lại chạy ra đường?” hay những câu hỏi không thể trả lời khác.

• Hãy khóc. Cùng nhau khóc. Thường xuyên khóc. Đó là hành động lành mạnh và có tác dụng chữa lành.

• Hãy cho trẻ tham gia các hình thức tưởng nhớ. Để trẻ chọn quần áo cho người thân yêu đã khuất, chọn các tấm ảnh để tưởng niệm, chọn một bài hát hay một bài đọc tưởng nhớ. Việc này giúp trẻ có cảm giác mình làm chủ được sự mất mát đau thương đó.

• Để con khóc thương theo cách của con. Cháu có thể muốn giữ im lặng về cái chết. Viêc trẻ thấy cô đơn và tự cô lập mình trong giai đoạn này cũng là bình thường. Người lớn thường cho rằng trẻ nhỏ không bị tác động nào khi người thân quen qua đời. Nhưng thực tế là có nhiều cách đau buồn khác nhau.

• Làm công tác tư tưởng cho trẻ về những gì trẻ sẽ thấy ở nhà tang lễ hoặc trong đám tang. Nói cho trẻ biết chúng sẽ thấy những gì, sẽ có ai ở đó, cảm xúc mà họ có thể có và họ sẽ làm gì. Với những trẻ còn nhỏ, hãy miêu tả cụ thể môi trường xung quanh đó sẽ trông ra sao. Ví dụ: Bạn có thể miêu tả chiếc quan tài, quần áo mà người chết mặc. Hoặc nếu đó là một lễ tưởng niệm, hãy kể về vị trí đặt tro cốt (nếu xác đã đươc thiêu), hoặc trong một chiếc hòm đã đóng nắp hay đã được chôn. Hãy đem theo ai đó để họ trông đứa trẻ nếu bạn quá đau buồn.

• Giúp trẻ chuẩn bị tinh thần cho một tương lai không có người thân yêu đó. Nói về cảm xúc trẻ có thể có khi đến dịp sinh nhật, lễ kỷ niệm, ngày lễ và những dịp đặc biệt mà không có người đó. Hãy nhờ trẻ giúp lên kế hoạch cho sự kiện tiếp theo trong tương lai.

• Hãy chuẩn bị tâm thái để nói về những suy nghĩ và cảm xúc nhiều lần. Có khả năng bạn sẽ phải nói với trẻ về chúng trong nhiều ngày, nhiều tuần và nhiều tháng tới. Đừng e ngại điều đó, vì khóc thương người chết là cả một quá trình.

• Nhớ chăm sóc bản thân. Là cha mẹ, chúng ta đôi khi quên mất điều này. Trẻ nhỏ học hỏi từ những điều chúng thấy, vì vậy hãy làm gương cho con trong việc chăm sóc bản thân tại những thời điểm như thế này.

KHÔNG NÊN:
• Đừng giấu nỗi đau buồn trước mặt trẻ. Nhìn thấy bạn đau buồn khi người thân yêu chết đi – và suốt một thời gian dài sau đó – sẽ cho trẻ hiểu rằng khóc và buồn cho một mất mát to lớn là một biểu hiện bình thường và lành mạnh.

• Đừng ngại chia sẻ với con những kỷ niệm về người đã chết. Đôi khi người lớn sợ nói về người chết vì họ nghĩ việc đó sẽ làm người còn sống đau lòng. Nghiên cứu cho thấy nỗi đau từ việc làm sống lại những kỷ niệm và những câu chuyện sẽ giúp ích cho việc chữa lành và cho hồi kết của quá trình này.

• Đừng tránh né việc kết nối với con vì bạn cảm thấy bất lực và buồn bực, hoặc vì bạn không biết nói gì. Đôi khi một cái nhìn đồng cảm cũng có thể đem lại sự gắn kết mạnh mẽ. Thậm chí một cái chạm hay một cái ôm cũng là một sự an ủi lớn.

• Đừng đổi đề tài khi bạn thấy con bước vào phòng. Làm vậy sẽ khiến trẻ nghĩ rằng nói về cái chết là đề tài cấm kỵ. Thay vào đó, hãy điều chỉnh từ ngữ và liều lượng thông tin khi có sự hiện diện của trẻ.

• Đừng thay đổi lịch sinh hoạt hàng ngày. Trẻ nhỏ cần sự điều độ. Hãy cố hết sức để thời khóa biểu hàng ngày của mọi người trong nhà và ở chỗ làm được ổn định. Đồng thời, hãy cố giúp trẻ duy trì các hoạt động thường ngày của trẻ ở trường và trong cộng đồng.

• Đừng cho rằng cái chết không cho phép sự hiện diện của tiếng cười. Tiếng cười là công cụ chữa lành tuyệt vời. Cười vui khi nói về những kỷ niệm các bạn có với người thân đã khuất là dấu hiệu cho thấy sự hiện diện của họ trong đời các bạn từng quan trọng ra sao.

• Đừng đề ra giới hạn thời gian cho sự khóc thương của trẻ – hay của chính bạn. Mỗi người có cách khóc thương khác nhau. Hãy hiểu rằng một (vài) yếu tố mới trong cuộc sống sẽ phải xảy ra và các bạn sẽ cần thời gian để tái thích nghi với cái chết của một người quan trọng. Nếu các bạn cần được hỗ trợ thêm, hãy tìm đến trường nơi trẻ học, y bác sĩ của trẻ, hoặc một cộng đoàn tôn giáo. Một chuyên gia tâm lý cũng có thể giúp trẻ vượt qua giai đoạn này.

Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine