Nếu hai bạn dự định cưới nhau, nói chuyện về đề tài tiền bạc là một việc phải làm.
Mắc nợ không phải là vấn đề gì đáng xấu hổ. Theo khảo sát ở Mỹ, 70 phần trăm sinh viên tốt nghiệp mà vẫn nợ tiền vay từ nhà nước để đóng học phí (kiểu nợ thường gặp nhất ở những cặp đôi mới cưới).
Điều quan trọng là hai bạn cần minh bạch với nhau về vấn đề này ngay từ trước khi kết hôn. Chẳng ai muốn nhận được bất ngờ kiểu thình lình vào một ngày họ nhận được thông báo rằng họ và bạn đời phải trả một khoản nợ nào đó.
Nếu hai bạn chưa biết nhiều về tài chính (hay về việc sáp nhập tài chính khi hai bạn lấy nhau), xin nói với hai bạn là sau khi kết hôn, bạn đời của bạn cũng phải có trách nhiệm với khoản nợ của bạn, và ngược lại. Vì thế, tùy vào tiểu bang nơi hai bạn sống, các bạn có nghĩa vụ trả cho xong khoản nợ đó (kể cả khi người mượn nợ là vợ/chồng của bạn, chứ không phải bạn).
Chuyên gia khuyên các bạn nên mở đầu cuộc nói chuyện về tiền bạc một cách nhẹ nhàng. Hai bạn sẽ phải thảo luận với nhau về nợ nần, chi tiêu, tiết kiệm, đóng góp cho mục đích từ thiện, v.v…
Sẽ có khả năng là hai bạn không có cùng quan điểm về tất cả các khía cạnh tài chính. Và điều đó cũng không sao. Hai bạn không thể hòa hợp với nhau trong mọi thứ. Và đây là dịp để các bạn học cách giao tiếp hiệu quả với nhau và nhờ đến sự giúp đỡ của một financial advisor (cố vấn tài chính) nếu cần.
Trong phần lớn trường hợp, các bạn chỉ cần thảo luận với nhau là đã có thể giải quyết những bất đồng về tài chính. Chuyên gia khuyên: Mỗi tháng một lần, hãy dành ra một buổi tối hẹn hò nhau để nói về tiền bạc – có thể là trước ngày cưới hoặc sau khi cưới, lúc mà hai bạn đã có nhiều thời gian hơn.
Cùng nhau uống cà phê, dùng bữa tối hoặc làm một ly rượu nho và nói với nhau về những mục tiêu tài chính tương lai của hai bạn – như đi du lịch, sinh con, học đại học, mua nhà, nghỉ hưu, v.v…
Chuyên gia cũng khuyên hai bạn rời khỏi nhà trong những “date nights” kiểu này. Vì khi hai bạn ở nhà, không gian quen thuộc đó có thể khiến hai bạn ngại lôi chuyện tiền bạc ra nói với nhau. Đó đơn giản không phải môi trường thích hợp. Nhưng khi hai bạn lên lịch cho một bữa ăn ở nơi khác, hai bạn sẽ dễ nhìn nhận vấn đề theo cách bình tĩnh và sáng suốt hơn (suy cho cùng thì khi ở nhà hàng hai bạn sẽ có xu hướng kiềm chế bản thân hơn thay vì nổi đóa với nhau về một bất đồng nào đó).
Nếu các bạn đang mắc nợ – dù là nợ tiền học đại học hay nợ thẻ tín dụng – các bạn cần tự giúp mình (và giúp bạn đời) vượt qua hố sâu nợ nần. Trước khi mua thứ gì đó, hãy tự hỏi chính mình: “What’s more important: this item or event or getting rid of my debt?” (“Cái gì quan trọng hơn: món đồ này hay trả cho dứt nợ?”).
Trong trường hợp hai bạn thấy mình cần được giúp đỡ, chuyên gia khuyên các bạn thuê một accountability coach hoặc một financial advisor để giúp hai bạn kiên định với mục tiêu tài chính của mình. Bạn có thể gặp họ một lần mỗi quý, hoặc ba tháng một lần. Những người chuyên nghiệp này có thể giúp các bạn cân đối tài chính cho nhiều mục tiêu – như cho wedding planning chẳng hạn – nhưng thông thường điều đó đòi hỏi hai bạn phải có một số “hy sinh”.
May mắn là, thông thường chỉ với vài cuộc trò chuyện cởi mở và trung thực cùng nhau (và có thể là với sự giúp sức của vài chai rượu nho), hai bạn sẽ có thể vạch ra được hướng đi đúng cho mình.
Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine