Khoá học nails

7 sai lầm thường gặp khi bạn tìm kiếm công việc mới

Bạn đang gia nhập thị trường lao động? Hãy tránh 7 lỗi sau:

vietbeauty-tim-viec-up - baogiadinh.vn

Ảnh: thefemalenetwork.com

1. Bạn không cập nhật CV (résumé) của mình
Bạn nên thường xuyên cập nhật bản sơ yếu lý lịch của mình, kể cả trong những lúc bạn không đi xin việc. Điều đó sẽ giúp bạn nhớ về những thành tích mà bạn đã đạt được, đồng thời bản sơ yếu lý lịch đó sẽ làm tăng giá trị của bạn trong mắt nhà tuyển dụng.

2. Bạn không thường xuyên xây dựng mạng lưới quan hệ của mình
Thay vì dành thời gian vào Instagram xem những thứ vớ vẩn, bạn nên xác định cho mình mục tiêu thiết lập quan hệ với những người có thể giúp bạn phát triển trong sự nghiệp. Nhận diện những tổ chức nghiệp vụ và/hoặc những cá nhân có thể giúp bạn nâng cao kỹ năng và tay nghề không phải là hành động ích kỷ, mà là hành động thông minh. Ngoài những liên hệ trên LinkedIn, các nhóm trên Facebook, Twitter và các mối quan hệ khác, bạn hãy tận dụng mọi cơ hội thiết lập quan hệ với mọi người ở mọi tầng lớp. Một người bạn quen ở tiệm cà phê đôi khi có thể là người giúp bạn tìm được công việc bạn hằng mơ ước.

3. Bạn nói “không” với các tổ chức “săn đầu người” (headhunter)/chuyên gia tuyển dụng (executive recruiters)
Những người này luôn nắm được nhu cầu tuyển dụng của các tổ chức, và họ có thể là “chiếc vé” giúp bạn giành được công việc kế tiếp. Bạn nên giữ liên lạc với ít nhất hai tổ chức “săn đầu người”. Giới thiệu cho họ một vài ứng viên giỏi, và khi đến lượt bạn, có thể họ sẽ giúp bạn bằng cách ứng cử bạn cho những chỗ tốt.

Xem thêm:  Review 8 Tiệm làm nail đẹp và chất lượng nhất Quận 3. TP. HCM năm 2021

4. Bạn không biết quy tắc cơ bản của phỏng vấn xin việc
Quy tắc đó là: ĐỪNG BAO GIỜ thay đổi tính cách của bạn trong một cuộc phỏng vấn. Đi phỏng vấn xin việc cũng giống như cuộc hẹn đầu tiên với một đối tượng nào đó. Bạn không cần phải tỏ ra quá xởi lởi, hoặc quá nghiêm nghị – bạn chỉ cần hành xử thoải mái mà không để mình mất đi tính chuyên nghiệp; phản ứng tốt với các câu hỏi và các mẩu đối thoại. Người tuyển dụng thường muốn tìm hiểu xem làm việc với bạn sẽ cho họ cảm giác thế nào, vì thế bạn hãy để họ thấy tính cách thật của bạn. Hãy thư giãn. Đừng nói xấu những người thuê mướn bạn trước đó; việc đó có thể khiến nhà tuyển dụng có phản cảm với bạn. Tốt hơn hết, hãy tạo cho mình phong thái “chuyên nghiệp một cách thú vị” (pleasant professionalism).

5. Bạn không biết giá trị của mình
Hãy biết những “con số” của bạn: lương, thưởng, trợ cấp, số cổ phần bạn muốn, những thế mạnh của bạn, mức thù lao bạn có khả năng được nhận,… Bạn luôn phải biết mình cần những gì để có một cuộc sống an toàn về tài chính. Nếu bạn biết giá trị của bạn, bạn sẽ có nhiều cơ hội giành được những gì bạn xứng đáng. Hãy luôn yêu cầu con số hơi cao hơn một chút so với con số bạn mong muốn. Đàm phán lương là một “bài tập” tốt giúp bạn phần nào hình dung môi trường làm việc ở đó. Nếu ngay từ đầu họ trả bạn mức lương rẻ mạt, rất có thể con số đó sẽ không được cải thiện theo thời gian. Khả năng đàm phán lương của bạn thường hiếm khi được cải thiện so với lúc đầu, vì vậy hãy cố gắng giành lấy con số cao nhất mà bạn có thể.

Xem thêm:  4 mẹo gói quà Giáng Sinh

6. Bạn lệ thuộc ý kiến của người khác trước khi ra quyết định
Quyết định nhận một công việc nên là quyết định của bạn, chứ không phải quyết định của một tập thể. Bạn không cần hỏi xin ý kiến của bạn bè, bạn đời, bố mẹ, người pha chế ở tiệm Starbucks bạn hay uống, đồng nghiệp, hoặc người giúp việc của bạn,… về việc có nên nhận công việc đó hay không. Ý kiến của họ có thể khiến bạn đi sai đường, thậm chí là làm gián đoạn sự tiến bộ của bạn. Bạn biết điều gì là tốt nhất cho bản thân. Hãy nghe theo trực giác (intuition).

7. Bạn quá cảm tính nên chưa dám ra đi
Có thể bạn quý mọi người ở chỗ làm cũ, nên bất chấp việc mức lương ở chỗ đó rẻ mạt, hay công việc cũ không đem lại cơ hội nào cho bạn phát triển,… nhưng bạn vẫn lưu luyến và không nỡ ra đi. Nhưng tìm kiếm một công việc mà bạn yêu thích – yêu thích đến nỗi mỗi ngày đi làm bạn đều cảm thấy như mỗi ngày đi chơi – là một yếu tố quan trọng giúp bạn sống còn, chứ không phải ích kỷ. Bạn có thể làm bạn với sếp cũ, đồng nghiệp cũ,… bên ngoài thời gian dành cho công việc, đồng thời vẫn theo đuổi công việc mình hằng mơ ước. Ngoài ra, bạn đừng đem cớ xin thôi việc làm áp lực bắt chủ cũ tăng lương: nếu việc đó thành công, bạn sẽ chỉ thành công một lần, và có khi bạn còn không kịp nhận ra mình bị thay thế một cách chóng vánh.

Xem thêm:  Chạy bộ trong mùa Đông

Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine

Được gắn thẻ ,