Kỹ thuật đắp móng lụa hay móng tơ (silk wrap nail) đã được áp dụng từ lâu trong ngành nail, giúp hỗ trợ cho việc đắp móng trở nên tốt hơn. Thế nhưng để làm silk wrap nail hoàn hảo, các thợ nail cũng cần những bí quyết riêng.
Silk wrap nail
Nhiều người thích móng giả, nhưng nếu đắp không khéo, móng giả trông cũng thiếu tự nhiên, vì thế đắp móng lụa (silk wrap) là một giải pháp hoàn hảo.
Về cơ bản, silk wrap là kỹ thuật dùng những miếng giấy hay vải mỏng, được cắt theo hình dạng móng của khách và đặt lên bề mặt móng, rồi giữ nó tại chỗ, sau đó bôi keo vào để cố định chúng. Móng lụa giúp sửa chữa móng, tăng cường độ cứng, độ bền và độ dài cho móng, mà vẫn tạo được cảm giác nhẹ, mỏng mịn và tự nhiên.
Móng lụa có thời gian 2 hoặc 3 tuần vì chất liệu tơ lụa thường là tạm thời, và các chất kết dính sẽ nới lỏng. Sau đó, khách cần đến tiệm để thợ loại bỏ lớp móng lụa đã bong tróc và làm lại bộ silk wrap khác.
Đối tượng khách hàng đắp silk wrap
Silk wrap mang lại nét tự nhiên cho móng, nhưng không phải khách hàng nào cũng có thể làm silk wrap. Silk wrap thường phù hợp với một số khách hàng như:
– Những người ít sử dụng đến đôi tay, đắp silk wrap giúp móng thêm bền, nhẹ và mịn. Còn với những khách hàng có công việc làm bằng tay, thường chạm vào các vật cứng, nặng, chất tẩy rửa hay ngâm tay trong nước thường xuyên thì không nên đắp móng lụa, vì móng rất dễ gãy, bong tróc.
– Khi móng tay thật của khách không cứng tốt hay khi móng bị rách, tét. Trong trường hợp này, kỹ thuật silk wrap giúp móng thật của khách cứng chắc hơn.
Khách làm silk wrap cần giữ móng sạch sẽ và vệ sinh móng mỗi ngày.
Chất liệu cho silk wrap
Các chất liệu thường được sử dụng trong silk wrap nail: phổ biến là lụa (silk) và các chất liệu khác như vải lanh (linen) hay sợi thủy tinh (fiberglass)…
Các chất liệu này không chỉ bảo vệ móng tốt mà còn tăng cường độ bền, chiều dài cho móng. Đặc biệt fiberglass hay lụa khá nhẹ và mịn nên được khách làm nail ưa chuộng.
Quy trình làm silk wrap đúng kỹ thuật
Để có một bộ móng silk wrap đẹp, bền thì tay nghề của thợ cũng rất quan trọng. Các thao tác làm silk wrap cần thực hiện đúng kỹ thuật.
– Cắt miếng vải silk dán lên móng: phải cắt tương ứng với bề rộng và hình dạng móng của khách. Theo các thợ nail, thì nên cắt silk sao cho nhỏ hơn móng thật 1 chút. Khi cắt nên dùng ngón cái và ngón tay đeo nhẫn để điều khiển kéo, không tỳ kéo quá mức xuống bàn.
– Chú ý khi nhỏ keo: khi phủ silk lên móng, cần nhỏ keo vào chính giữa móng và tán đều. Tránh để keo dinh vào da (cuticle), vì lúc sau khi ta làm sạch keo ở da thì silk wrap cũng tróc theo. Cần tránh để bọt khí khi thoa keo.
– Khi buff móng: cần thao tác nhẹ nhàng, vừa đủ, tránh buff quá sâu, mạnh sẽ làm tróc, làm yếu lớp silk. Nên sử dụng giũa móng 180-grit để làm cho bề mặt móng mịn màng và bóng mượt.
– Khi sơn móng: sơn lớp nền trước, đợi lớp sơn này khô mới sơn nước bóng bình thường lên. Điều này sẽ tránh được tình trạng sơn bị tróc ở đầu móng.
Loại bỏ silk wrap
Cũng giống như việc loại bỏ các loại móng giả khác, việc loại bỏ silk wrap cũng cần tiến hành nhẹ nhàng và đúng kỹ thuật để không làm ảnh hưởng đến móng thật của khách.
– Ngâm móng của khách trong các dung lịch loại bỏ nước sơn móng (nail polish remover) trong khoảng 2-3 phút.
– Dùng thanh gỗ (orangewood stick) nhẹ nhàng đẩy những lớp wrap mềm ra khỏi móng. Nên đẩy từ từ, để tránh làm tổn thương móng.
– Buff móng nhẹ nhàng loại bỏ hết keo bám quanh móng và trên bề mặt móng.
– Bôi cuticle oil cho lớp biểu bì (cuticle) xung quanh móng để phục hồi lại sức khỏe của móng và giữ ẩm cho lớp da quanh móng.
Thy Nga – VietBeauty Magazine