Thẻ: Kiến thức ngành nail

  • Trường hợp nào người thợ Nail được xem là “independent contractor” theo luật lao động liên bang?

    Trường hợp nào người thợ Nail được xem là “independent contractor” theo luật lao động liên bang?

    Theo luật lệ hiện hành, hầu hết người lao động thường được kể là nhân viên (employee) của chủ. Nhưng có nhiều ngành nghề mà trong đó có nghề Nail, người thợ có thể là người làm việc độc lập (independent contractor) chứ không phải là “employee” của chủ tiệm. Tuy nhiên, chủ tiệm Nail không thể tự ý phân loại người thợ Nail là independent contractor,” mà phải dựa vào quy định của luật liên bang và luật tiểu bang.

     - baogiadinh.vn

    Photo by Lukasz Szmigiel

    Từ nhiều năm nay, chủ tiệm Nail lớn nhỏ tại khắp Hoa Kỳ thường bị phạt vạ khá nặng nề từ những vụ kiểm tra của các cơ quan thuế vụ và lao động của liên bang cũng như tiểu bang. Có nhiều nguyên nhân khiến chủ tiệm Nail bị phạt vạ, mà một trong số đó là vì tự ý phân loại người thợ Nail là “independent contractor” không đúng với phương thức trắc nghiệm của các cơ quan đến kiểm tra tiệm. Và đây cũng là vấn đề rất phức tạp, bởi điều tra viên thuộc các cơ quan thuế vụ và lao động liên bang cũng như tiểu bang lâu nay áp dụng nhiều phương thức trắc nghiệm khác nhau trong việc xác định thế nào là “independent contractor”. Cũng vì vậy mà một người thợ Nail có khi được xem là “independent contractor” bởi cơ quan thuế vụ liên bang IRS, nhưng người đó lại được xem là “employee” bởi cơ quan lao động của liên bang hoặc của tiểu bang.

    Hiện nay, một trong những cơ quan thường đến kiểm tra các tiệm Nail có lợi tức cao là Cơ Quan Lương Bổng và Giờ Làm Việc của Bộ Lao Ðộng Liên Bang Hoa Kỳ (U.S. Department of Labor – Wage and Hour Division). Đây là cơ quan có nhiệm vụ giám sát các doanh nghiệp trong việc thi hành những điều khoản của đạo luật Tiêu Chuẩn Lao Ðộng Công Bằng “The Fair Labor Standards Act” (FLSA) của chánh phủ liên bang. Và khi cần xác định sự khác biệt giữa “employee” và “independent contractor,” điều tra viên của Bộ Lao Động liên bang lâu nay vẫn dùng phương thức “trắc nghiệm thực trạng kinh tế” (economic realities test).

    “Economic Realities Test” là gì?
    “Economic realities test” thành hình từ án lệ United States v. Silk, (331 U.S. 704), trong đó Tối Cao Pháp Viện liên bang Hoa Kỳ vào năm 1947 đã dùng sáu yếu tố để trắc nghiệm thực trạng kinh tế trong mối quan hệ giữa chủ và người lao động, và dựa vào đó để xác định thế nào là “independent contractor” theo luật lao động liên bang FLSA. Tuy nhiên, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ cũng cho biết việc xác định ai là “independent contractor” theo luật FLSA không thể kết luận dựa trên một yếu tố riêng biệt nào trong sáu yếu tố của phương thức trắc nghiệm “economic realities test,” mà còn phải tùy thuộc vào hoàn cảnh cũng như toàn bộ sinh hoạt trong quan hệ giữa chủ và người lao động.

    Hiện nay, sáu yếu tố của phương thức trắc nghiệm “economic realities test” được Bộ Lao Động liên bang áp dụng chung để xác định “independent contractor” trong mọi ngành nghề có thể tạm tóm luợc như sau:

    1. Tính chất và mức độ kiểm soát của chủ (Degree of Control);

    2. Công việc của người lao động là một phần không thể thiếu trong kinh doanh của chủ (Integral Nature of Services Rendered);

    3. Sự đầu tư về cơ sở hay dụng cụ bởi người lao động và bởi chủ (Investment in Equipment and Material);

    4. Mức độ kỹ năng đòi hỏi nơi người lao động (Degree of Skill Required);

    5. Cơ hội lỗ lãi của người lao động (Opportunity for Profit or Loss);

    6. Tính cách lâu dài trong mối quan hệ giữa chủ và người lao động (Permanence of the Working Relationship).

    Riêng với nghề Nail, Bộ Lao Ðộng liên bang có phổ biến tài liệu “Nail Salon Workers Wage and Hour Rights,” trong đó có phần trình bày tổng quát một số yếu tố cụ thể trong việc phân định sự khác biệt giữa “employee” và “independent contractor” áp dụng cho người thợ Nail. Ðể giúp người thợ Nail biết mình có phải là “independent contractor” hay không, tài liệu này có đặt ra một vài câu hỏi cơ bản: Bạn có thuê chỗ làm trong tiệm Nail? Có tự mua sắm vật liệu và dụng cụ? Có tự ấn định giờ giấc làm việc và giá biểu? Có khách hàng riêng trả tiền trực tiếp cho bạn? Có giấy phép kinh doanh riêng?

    Phán quyết mới nhất của một tòa án liên bang về vấn đề “independent contractor” trong nghề Nail theo luật FLSA
    Từ sau khi có án lệ United States v. Silk vào năm 1947, các tòa án liên bang vẫn thường xuyên áp dụng phương thức trắc nghiệm “economic realities test” để xác định sự khác biệt giữa “employee” và “independent contractor” trong những vụ kiện liên quan đến luật FLSA. Và Bộ Lao Động liên bang cũng dựa vào những phán quyết của tòa án liên bang để phân loại người lao động khi đến kiểm tra các doanh nghiệp. Tuy nhiên, phương thức trắc nghiệm “economic realities test” từ án lệ United States v. Silk khi đem áp dụng một cách máy móc và thiếu thực tế vào nghề Nail thường dẫn đến kết luận gây nhiều bất lợi cho giới chủ tiệm. Vào năm 2021 vừa qua, nhờ vào phán quyết của một tòa án liên bang tại Maryland trong vụ một thợ Nail kiện chủ tiệm vì chuyện lương bổng (Viar-Robinson v. Dubley Beauty Salon – Case No. PWG-12-1794, 2021 US Dist. LEXIS 171383, D. Md. Dec. 4, 2021), một số khúc mắc có liên quan đến vấn đề “independent contractor” trong nghề Nail theo luật lao động FLSA đã có được giải đáp khá cụ thể.

    Viar-Robinson v. Dubley Beauty Salon là vụ một thợ Nail làm theo dạng ăn chia commissions đã kiện chủ tiệm trước tòa án liên bang ở Maryland, cho rằng mình là “employee” và cáo buộc chủ tiệm vi phạm luật FLSA trong vấn đề lương bổng. Sau khi xem xét tường tận mối quan hệ giữa người thợ và chủ tiệm dựa trên căn bản sáu yếu tố trắc nghiệm của phương thức “economy realities test,” tòa án đã đi đến kết luận rằng người thợ Nail trong vụ này là “independent contractor” chứ không phải “employee”.

    Sáu yếu tố của phương thức “economic reality test” được toà án liên bang diễn giải khá thực tế trong vụ kiện Viar-Robinson v. Dubley Beauty Salon có thể tóm lược như sau:

    1. Yếu tố về “Mức độ kiểm soát” (Degree of Control): Người thợ Nail không bị chủ kiểm soát về giờ giấc làm việc, tự ấn định giá biểu, và tự quảng cáo. Người thợ không bị giám sát bởi bất cứ ai, không bị chủ chỉ thị phải làm việc gì, và làm cho ai. Người thợ có quyền từ chối phục vụ khách walk-ins. Với những chi tiết này, tòa án nhận định người thợ là “independent contractor” xét về yếu tố kể trên.

    2. Yếu tố về “Cơ hội lãi lỗ” (Opportunity for Profit or Loss): Người thợ Nail được chia commissions trên số tiền làm được, nhưng tự do ấn định giờ làm và giá biểu cho các dịch vụ của mình. Vì vậy, tòa án nhận định rằng nếu người thợ tự thay đổi số giờ làm việc, giá biểu, chất lượng công việc, thì người thợ chắc chắn sẽ là người bị ảnh hưởng bởi kết quả của sự lãi lỗ. Và theo tòa án, đó là những chi tiết cho thấy người thợ là “independent contractor” xét về yếu tố kể trên.

    3. Yếu tố về “Sự đầu tư về dụng cụ và vật liệu” (Investment in Equipment and Material): Người thợ Nail trong vụ này tự mình mua sắm tất cả dụng cụ và vật liệu để làm việc. Theo nhận định của tòa án, đây là chi tiết cho thấy người thợ là “independent contractor” xét về yếu tố trên.

    4. Yếu tố “Mức độ đòi hỏi về kỹ năng” (Degree of Skill Required): Người thợ Nail trong vụ này phải có bằng hành nghề từ tiểu bang Maryland, vì vậy phải học các lớp làm Nail trong 6 tháng, phải có chứng chỉ, và phải trả lệ phí. Người thợ cũng phải trả tiền để gia hạn bằng hành nghề theo định kỳ. Với những chi tiết này, tòa án nhận định người thợ là “independent contractor” xét về yếu tố trên. Tòa án cũng ghi chú thêm rằng không phải ai cũng có thể bổng dưng mà có thể làm việc như một thợ Nail (tại Maryland), nhưng rõ ràng là cần được sự đào tạo và phải có chuyên môn.

    5. Yếu tố “Tính chất không thể thiếu của dịch vụ được cung cấp” (Integral Nature of Services Rendered): Cơ sở thẩm mỹ bị kiện trong vụ này chủ yếu là một tiệm làm tóc, chỉ cung cấp thêm dịch vụ làm Nail sau khi có sự yêu cầu của khách hàng. Dựa vào sự thể người thợ chỉ làm Nail trong một tiệm chuyên về dịch vụ làm tóc, toà án nhận định đó là chi tiết cho thấy người thợ Nail là “independent contractor” xét về yếu tố trên.

    6. Yếu tố về “Sự lâu dài trong mối quan hệ làm việc” (Permanence of the Working Relationship): Người thợ Nail trong vụ kiện này làm việc cho chủ tiệm khoảng 14 tháng. Không có gì chứng tỏ đây là một quan hệ lâu dài giữa chủ và nhân viên. Theo nhận định của tòa án thì chi tiết này cho thấy người thợ là “independent contractor” xét về yếu tố trên.

    Tóm lại, việc xác định sự khác biệt giữa “employee” và “independent contractor” trong nghề Nail để áp dụng các luật lệ thuế vụ và lao động từ bấy lâu nay vẫn luôn là một vấn đề rất phức tạp, mà nguyên nhân là vì luật lệ thiếu sự định nghĩa cụ thể. Vì vậy, phán quyết của tòa án trong vụ kiện Viar-Robinson v. Dubley Beauty Salon có thể xem là một hướng dẫn có giá trị về mặt pháp lý giúp làm sáng tỏ việc áp dụng phương thức trắc nghiệm “economic realities test” của luật lao động liên bang FLSA đối với nghề Nail. Điều đáng tiếc là mặc dầu phán quyết của tòa án trong vụ kiện Viar-Robinson v. Dubley Beauty Salon đã có từ 2021 nhưng ít được phổ biến rộng rãi, và nhiều điều tra viên của Bộ Lao Động liên bang đến nay vẫn chưa biết đến phán quyết vừa nói trên để áp dụng trong trường hợp kiểm tra tiệm Nail. Sự việc này khiến nhiều chủ tiệm Nail có thể bị phạt vạ oan uổng vì có thợ là “independent contractor”.

    Cũng cần lưu ý rằng phương thức trắc nghiệm “economic realities test” chỉ được áp dụng bởi Bộ Lao Động liên bang mà thôi. Bên cạnh đó, cơ quan thuế vụ liên bang và cũng như cơ quan thuế vụ và lao động tại các tiểu bang còn có những phương thức trắc nghiệm khác trong việc phân loại người lao động là “employee” hay “independent contractor”. Riêng tại New Jersey và Pennsylvania, luật của hai tiểu bang này không cho phép thợ Nail làm việc dưới dạng “independent contractor”.

    Cần thêm thông tin, xin liên lạc Tiến Sĩ Luật Khoa Tom Huỳnh, điện thoại (949) 943-4396.

    SÁCH MỚI PHÁT HÀNH !!!

    LUẬT PHÁP VÀ NGHỀ NAIL TẠI HOA KỲ 2021

    Đầy đủ thông tin chính xác mới nhất năm 2021 về mọi thứ luật lệ và quy định của liên bang và của từng tiểu bang Hoa Kỳ liên quan đến nghề Nail.

    Giá $16.95 + $6.65 cước phí trong Hoa Kỳ.
    Muốn đặt mua sách, gửi tên & địa chỉ người nhận và chi phiếu $23.60 về:

    Tom Huynh, J.D.
    221 Main Street, #1011
    Seal Beach, CA 90740

    Tom Huỳnh, J.D.
    [email protected]

  • Đẹp lạ với sơn móng từ tính | Magnetic nail polish

    Đẹp lạ với sơn móng từ tính | Magnetic nail polish

    Đẹp và lạ luôn là những yếu tố thu hút khách hàng đến với các mẫu nail hay kỹ thuật nail mới. Đối với sơn móng từ tính (sơn móng nam châm), yếu tố độc, lạ và đẹp đã chiếm được cảm tình của nhiều người. Để thực hiện tốt kỹ thuật làm nail này, bạn cần hiểu rõ hơn về nguyên lý hoạt động của nó cũng như những bí quyết để có mẫu nail đẹp với magnetic nail polish.

     - baogiadinh.vn

    Đặc điểm của sơn móng từ tính (magnetic nail polish)
    Công thức sơn móng từ tính có chứa các hạt từ tính (magnetic particles) là các hạt kim loại cực nhỏ (bột sắt – iron powder). Đi kèm mỗi lọ sơn là những đĩa nam châm (magnetic disc) sẽ hút các hạt kim loại và sắp xếp nên những đường nét ấn tượng trên móng. Hầu hết các nắp lọ sơn có thiết kế nam châm tạo mẫu sẵn với nhiều hình thù.

    Những đĩa nam châm có thiết kế đặc biệt, bên trong là những dãy nam châm được sắp xếp theo các hình dạng khác nhau như hình chéo, ngang hay ngôi sao…. Nước sơn có chứa các hạt kim loại khi sơn lên móng sẽ được “kích hoạt” (activated) bởi đĩa nam châm để tạo ra những hình dạng uốn lượn. Từ đó tạo cho móng hiệu ứng kết cấu (textured effect) bắt mắt.

    Ngay cả khi không sử dụng nam châm để tạo hiệu ứng dịch chuyển trên móng, thì bề mặt móng tay của bạn trông cũng rất sáng và lấp lánh, do lượng bột sắt có trong sơn móng.

    Nguyên tắc hoạt động
    Dựa theo nguyên tắc vật lý cơ bản: từ trường của nam châm sẽ hút, làm thay đổi vị trí các mạt sắt. Sơn móng từ tính ra đời và hoạt động theo nguyên tắc cơ bản ấy.

    Khi lớp sơn móng từ tính được áp lên móng vẫn còn ướt, bạn đặt nam châm lên phía trên lớp sơn móng đang ướt khoảng 10 giây (không để nam châm chạm vào sơn móng). Các hạt kim loại nhỏ sẽ bị hút, dịch chuyển theo hướng hình dạng nam châm đã được sắp xếp trong đĩa nam châm.

    Các hạt kim loại có màu sẫm hơn màu nước sơn mang lại cho móng một kết cấu mới lạ. Kết quả là nam châm kết hợp với hạt kim loại, tạo ra những hiệu ứng, đường nét tuyệt đẹp trên móng.

    Tùy theo các mẫu nam châm khác nhau, dưới lực hút của từ trường (magnetic field lines), các hạt kim loại sẽ được sắp xếp trên móng theo những hình dạng như sọc (stripes), lượn sóng (wave patterns), sọc ngang (horizontal patterns) hay đường chéo (diagonal patterns), chữ V (chevron patterns)….

    Bí quyết để có những mẫu sơn móng từ tính đẹp
    – Sau khi áp lớp sơn từ tính thứ nhất, hãy áp một lớp sơn từ tính thứ hai dày hơn. Điều này giúp thiết kế từ tính nổi bật hơn.

    – Không để nam châm chạm vào sơn móng vì nó sẽ làm hỏng lớp sơn, nhưng cần giữ nam châm càng gần móng càng tốt, vì nó tạo hiệu ứng tốt hơn.

    – Giữ nam châm trên móng càng lâu càng tốt, họa tiết hiện ra càng rõ (đến 15 giây).

    – Để nam châm tại vị trí trung tâm móng. Tránh di chuyển xô lệch, sẽ làm hiệu ứng trên móng không được như ý.

    – Luôn nhớ đặt nam châm khi sơn còn ướt, để họa tiết nam châm càng rõ ràng.

    – Sau khi dùng nam châm để tạo hiệu ứng từ tính, không tiếp tục sơn lên móng lớp sơn từ tính lần thứ 3. Điều này sẽ làm hư móng của bạn.

    – Sử dụng các mẫu nam châm khác nhau hay di chuyển nam châm theo các hướng khác nhau nhằm tạo ra các mẫu sơn móng từ tính độc đáo.

    Sơn móng từ tính tạo ánh nhìn 3 chiều trên móng rất bắt mắt. Bạn có thể kết hợp kiểu móng này với những phong cách thời trang cá tính, giúp bạn nổi bật hơn. Đặc biệt trong những buổi tiệc đêm, đôi tay bạn sẽ thật tỏa sáng và thu hút người đối diện.

    Thy Nga – VietBeauty Magazine

  • Bí quyết làm silk wrap nail hoàn hảo

    Bí quyết làm silk wrap nail hoàn hảo

    Kỹ thuật đắp móng lụa hay móng tơ (silk wrap nail) đã được áp dụng từ lâu trong ngành nail, giúp hỗ trợ cho việc đắp móng trở nên tốt hơn. Thế nhưng để làm silk wrap nail hoàn hảo, các thợ nail cũng cần những bí quyết riêng.

     - baogiadinh.vnSilk wrap nail
    Nhiều người thích móng giả, nhưng nếu đắp không khéo, móng giả trông cũng thiếu tự nhiên, vì thế đắp móng lụa (silk wrap) là một giải pháp hoàn hảo.

    Về cơ bản, silk wrap là kỹ thuật dùng những miếng giấy hay vải mỏng, được cắt theo hình dạng móng của khách và đặt lên bề mặt móng, rồi giữ nó tại chỗ, sau đó bôi keo vào để cố định chúng. Móng lụa giúp sửa chữa móng, tăng cường độ cứng, độ bền và độ dài cho móng, mà vẫn tạo được cảm giác nhẹ, mỏng mịn và tự nhiên.

    Móng lụa có thời gian 2 hoặc 3 tuần vì chất liệu tơ lụa thường là tạm thời, và các chất kết dính sẽ nới lỏng. Sau đó, khách cần đến tiệm để thợ loại bỏ lớp móng lụa đã bong tróc và làm lại bộ silk wrap khác.

    Đối tượng khách hàng đắp silk wrap
    Silk wrap mang lại nét tự nhiên cho móng, nhưng không phải khách hàng nào cũng có thể làm silk wrap. Silk wrap thường phù hợp với một số khách hàng như:

    – Những người ít sử dụng đến đôi tay, đắp silk wrap giúp móng thêm bền, nhẹ và mịn. Còn với những khách hàng có công việc làm bằng tay, thường chạm vào các vật cứng, nặng, chất tẩy rửa hay ngâm tay trong nước thường xuyên thì không nên đắp móng lụa, vì móng rất dễ gãy, bong tróc.

    – Khi móng tay thật của khách không cứng tốt hay khi móng bị rách, tét. Trong trường hợp này, kỹ thuật silk wrap giúp móng thật của khách cứng chắc hơn.

    Khách làm silk wrap cần giữ móng sạch sẽ và vệ sinh móng mỗi ngày.

    Chất liệu cho silk wrap
    Các chất liệu thường được sử dụng trong silk wrap nail: phổ biến là lụa (silk) và các chất liệu khác như vải lanh (linen) hay sợi thủy tinh (fiberglass)…

    Các chất liệu này không chỉ bảo vệ móng tốt mà còn tăng cường độ bền, chiều dài cho móng. Đặc biệt fiberglass hay lụa khá nhẹ và mịn nên được khách làm nail ưa chuộng.

    Quy trình làm silk wrap đúng kỹ thuật
    Để có một bộ móng silk wrap đẹp, bền thì tay nghề của thợ cũng rất quan trọng. Các thao tác làm silk wrap cần thực hiện đúng kỹ thuật.

    Cắt miếng vải silk dán lên móng: phải cắt tương ứng với bề rộng và hình dạng móng của khách. Theo các thợ nail, thì nên cắt silk sao cho nhỏ hơn móng thật 1 chút. Khi cắt nên dùng ngón cái và ngón tay đeo nhẫn để điều khiển kéo, không tỳ kéo quá mức xuống bàn.

    Chú ý khi nhỏ keo: khi phủ silk lên móng, cần nhỏ keo vào chính giữa móng và tán đều. Tránh để keo dinh vào da (cuticle), vì lúc sau khi ta làm sạch keo ở da thì silk wrap cũng tróc theo. Cần tránh để bọt khí khi thoa keo.

    Khi buff móng: cần thao tác nhẹ nhàng, vừa đủ, tránh buff quá sâu, mạnh sẽ làm tróc, làm yếu lớp silk. Nên sử dụng giũa móng 180-grit để làm cho bề mặt móng mịn màng và bóng mượt.

    Khi sơn móng: sơn lớp nền trước, đợi lớp sơn này khô mới sơn nước bóng bình thường lên. Điều này sẽ tránh được tình trạng sơn bị tróc ở đầu móng.

    Loại bỏ silk wrap
    Cũng giống như việc loại bỏ các loại móng giả khác, việc loại bỏ silk wrap cũng cần tiến hành nhẹ nhàng và đúng kỹ thuật để không làm ảnh hưởng đến móng thật của khách.

    – Ngâm móng của khách trong các dung lịch loại bỏ nước sơn móng (nail polish remover) trong khoảng 2-3 phút.

    – Dùng thanh gỗ (orangewood stick) nhẹ nhàng đẩy những lớp wrap mềm ra khỏi móng. Nên đẩy từ từ, để tránh làm tổn thương móng.

    – Buff móng nhẹ nhàng loại bỏ hết keo bám quanh móng và trên bề mặt móng.

    – Bôi cuticle oil cho lớp biểu bì (cuticle) xung quanh móng để phục hồi lại sức khỏe của móng và giữ ẩm cho lớp da quanh móng.

    Thy Nga – VietBeauty Magazine

  • Cách làm Gem Stone Nails đính đá sang trọng: xu hướng nail 2021

    Cách làm Gem Stone Nails đính đá sang trọng: xu hướng nail 2021

    Một màu sơn đẹp sẽ giúp bộ móng bạn trông sạch sẽ và tươi mới. Và nếu bộ móng được gắn thêm một vài hạt đá điểm xuyến nhiều màu sắc, sẽ tạo hiệu ứng vô cùng đẹp mắt, giúp bàn tay trở nên nổi bật và sang trọng hơn. Cùng tìm hiểu một vài bí quyết sáng tạo với nail đính đá (Gem Stone Nails).

     - baogiadinh.vnChọn sơn dưỡng tăng cường cấu trúc móng
    Để đính đá lên móng với độ bám tốt, thì trước khi đính đá, bạn cần sơn lên móng các sơn dưỡng móng và sơn bóng giúp móng tay cứng hơn. Điều này, giúp kết cấu móng vững chắc, đá đính khó bị rơi ra.

    Có rất nhiều loại đá giúp tôn dáng đôi bàn tay. Ngoài các loại đá thông thường, người ta còn sử dụng các loại đá quý (gemstone), đá bán quý (semi-precious stones), đá quý mô phỏng kim cương (rhinestones), pha lê (crystal), núm tròn (stud) gắn lên móng. Mỗi loại đá đều mang lại một vẻ đẹp riêng với nhiều hình dạng.

    Việc đính đá lên móng không hề đơn giản, mà cần sự kiên nhẫn cao và tốt nhất nên được thực hiện tại salon làm móng.

    Từ những viên đá đủ kích cỡ, các thợ nail sẽ sáng tạo nên những mẫu nail đính đá (gemstone nail) thật bắt mắt. Chẳng hạn, nail đính đá tạo hình trên móng, nail đính đá kết hợp với kim tuyến, họa tiết ren (lace) hay đính đá trên đường phân cách giữa hai màu sơn trong french nail sẽ làm bộ móng bạn thêm nổi bật, duyên dáng và mềm mại.

    Sự hài hòa giữa màu sơn và màu sắc của đá
    Hiệu ứng của bộ nail đính đá phụ thuộc rất lớn vào sự hài hòa giữa màu sơn móng và màu đá mà bạn lựa chọn. Về cơ bản, nên chọn màu sơn móng có tone gần màu đá. Chẳng hạn:

    Màu sơn màu trắng hay nude cho hiệu ứng khác nhau với nhiều màu đá: Ví dụ khi màu sơn này kết hợp với màu đá pastel (hồng phấn, xanh da trời, tím nhạt, xanh ngọc bích, vàng nhạt) thể hiện chất nữ tính, đơn giản và tinh tế. Sơn màu trắng khi kết hợp với đá nhiều màu, tạo độ tương phản và sinh động, làm cho bộ móng nhiều màu sắc và tăng chiều sâu, sức hút,giúp tạo điểm nhấn trên móng, thể hiện nét cá tính của chủ nhân.

    Màu sơn móng đen hay xám kết hợp đá nhiều sắc màu mang lại vẻ đẹp huyền bí, sang trọng, rất thích hợp cho những buổi dạ tiệc.

    Để đá không bị rơi
    Khi gắn đá lên móng, bạn nên thực hiện lúc móng đang ẩm ướt. Có thể thực hiện gắn đá trên nhiều chất kết dính như keo (nail glue), nhựa (resin) hay gel… mỗi loại có ưu nhược điểm riêng.

    Top Coat: người ta có thể sơn hai lớp nail polish, để khô. Cuối cùng là sơn một lớp top coat và gắn đá lên. Cách này đơn giản nhưng đá sẽ nhanh chóng rơi ra sau đó.

    Nail Glue: để tăng độ kết dính nhanh hơn, có thể sử dụng keo nhanh khô (quick-dry glue nail), nhưng tránh sử dụng keo cũ, làm giảm độ kết dính.

    Gel : ngoài việc sử dụng gel polish sơn lên móng và đính đá, còn có thể sử dụng gel mềm (soak-off gel) giúp đá bám tốt trên móng. Tuy nhiên, cần lấy lượng gel vừa phải để dán đá. Nếu lấy ít gel, thì đá không thể bám chặt. Nếu lấy nhiều, gel sẽ dính lên toàn bộ viên đá làm mất độ sáng bóng, lấp lánh của đá. Khi đặt đá lên mặt móng, dùng nhíp (tweezer) hay thanh gỗ (orangewood stick) ấn giữ đá trong vài giây để đá bám chắc vào móng.

    Resin: đối với các viên đá lớn, bạn cần sử dụng nhựa thông (resin) để kết dính. Điều này giúp cho đá có độ bám chắc, thợ nail có thể gỡ đá ra và tái sử dụng cho lần sau.

    Sau khi đính đá, bạn phủ một lớp sơn bóng và sơn dưỡng lên bề mặt móng, giúp sơn bền màu và móng bóng hơn.

    Độ bám dính của đá lên móng phụ thuộc rất nhiều vào sự bảo quản của khách. Sau khi đính đá, cần tránh sử dụng móng tay như một công cụ (cào, gẩy), nếu không các viên đá sẽ nhanh chóng rơi ra.

    Đơn giản hơn, bạn có thể tự làm cho mình bộ nail đính đá tại nhà với bộ sticker gems, mỗi viên đá có keo dính phía sau, bạn chỉ cần gỡ và dán lên móng. Tuy nhiên, độ sắc nét của bộ nail thì không thể được như thực hiện tại tiệm.

    Chăm sóc nail đính đá
    Trang trí các viên đá lên móng là cách đơn giản giúp bàn tay bạn thêm nổi bật. Mặt khác, việc giữ gìn nail đính đá phải hết sức cẩn thận. Những tác động mạnh vào móng như làm việc nhà hay cào, gãi… có thể làm đá gắn trên móng bị rơi ra. Thế nên, kiểu trang trí này, đặc biệt phù hợp cho các buổi tiệc đêm hay những dịp lễ với trang phục sang trọng, lộng lẫy.

    Việc đính những viên đá cầu kỳ lên cả bàn tay thường phù hợp cho các sự kiện. Tuy nhiên, nếu bạn biết giữ gìn cẩn thận, vẫn có các mẫu nail đính đá đa dạng để bạn lựa chọn cho nhiều dịp. Chẳng hạn, các mẫu nail đính đá đơn giản: đính ít đá hay đính đá trên một ngón làm điểm nhấn.

    Những mẫu nail đính đá nhiều với thiết kế mới lạ và bắt mắt luôn mang lại cho đôi tay bạn vẻ đẹp rạng ngời. Bạn có thể kết hợp nail đính đá với nhiều loại trang phục tuỳ vào từng hoàn cảnh. Tất cả đều mang lại cho bạn một vẻ ngoài cá tính, sang trọng cho người sử dụng.

    Thy Nga – VietBeauty Magazine

  • Quý phái với màu móng kim loại CHROME EFFECTS by OPI

    Quý phái với màu móng kim loại CHROME EFFECTS by OPI

     - baogiadinh.vn
    Bột kim loại OPI Chrome Effects Powders bền đẹp gấp 10 lần các sản phẩm tương tự trên thị trường.

     - baogiadinh.vnKhởi đầu từ năm 2021 sự cuồng nhiệt của làng móng thế giới với các sắc màu kim loại quý phái cho đến nay dường như chưa bao giờ dứt. OPI, một trong những công ty móng hàng đầu thế giới, đã khẳng định điều này qua sản phẩm mới nhất bột mạ kim loại OPI CHROME EFFECTS POWDERS.

    Màu sắc đẹp, bền và dễ làm là 3 yếu tố căn bản khiến OPI tự hào về sản phẩm mới nhất của mình.

    Ưu điểm của bột mạ kim loại OPI CHROME EFFECTS POWDERS:
    – Do OPI chú trọng đến chất lượng sản phẩm nên nếu xài trên gel nail, móng mạ kim loại có thể bền đẹp trên 2 tuần; trên lacquer nail, bền trên 7 ngày. Khách hàng xài sản phẩm của các hãng khác thường móng chỉ kéo dài được một vài ngày là đã thấy hiện tượng móng bị bong tróc, xước mẻ. OPI cho biết sản phẩm chrome kém chất lượng trên thị trường chính là nguyên nhân làm cho trào lưu xài màu mạ kim loại bị chậm lại trong thời gian qua, do khách hàng cảm thấy quá tốn kém khí chọn lối trang trí móng với màu sắc này.

    Đơn giản, dễ làm: Mạ màu kim loại trên móng được thực hiện qua 1 bước đơn giản: dùng một dụng cụ cung cấp sẵn trong bộ sản phẩm mang tên spong-tipped applicator để chà trên móng, sau đó sơn top coat rồi hơ móng để hoàn tất.

     - baogiadinh.vnChỉ cần 1 bước đơn giản để mạ bột kim loại.

     - baogiadinh.vn8 màu Chrome Effects Mirror Shine shades: Amethyst Made the Short List, Blue “Plate” Special, Bronzed by the Sun, Gold Digger, Great Copper-tunity, Mixed Metals, Pay Me in Rubies, Tin Man Can

     - baogiadinh.vn“Gold Digger” – 1 trong 8 màu trong bộ sản phẩm OPI CHROME EFFECTS POWDERS

     - baogiadinh.vnChrome Effects Nail Lacquer Top Coat (trái) & Chrome Effects GelColor Top Coat tạo độ bóng như gương sau khi mạ bột kim loại Chrome Effects.

     - baogiadinh.vnBột mạ CHROME POWDERS by OPI nâng tầm sang trọng và độ bền bỉ của sản phẩm mạ chrome. Bộ sản phẩm có nhiều tông màu phù hợp với các lễ hội trong năm.

    Muốn tìm mua sản phẩm OPI CHROME EFFECTS POWDERS, xin tìm đến các đại lý beauty suppliers toàn quốc.

    Muốn biết thêm chi tiết về sản phẩm bột mạ kim loại OPI Chrome Effects và cách làm móng chrome nails, xin ghé trang mạng www.opi.com/chrome-nails
    Một số video hướng dẫn kỹ thuật làm chrome nails với sản phẩm OPI Chrome Effects:

    Trên móng Lacquer – Nail Lacquer Application:

    Trên móng Gel – Gel Application:

    Cách tháo mạ kim loại & gel – Gel Removal:

  • 8 lý do phổ biến khiến sơn móng không bền màu

    8 lý do phổ biến khiến sơn móng không bền màu

    Lớp sơn móng của bạn không bền màu có thể là do một hoặc một vài nguyên nhân sau đây:

     - baogiadinh.vn1. Bã nhờn tích tụ
    Sơn móng sẽ dễ bong tróc hơn nếu có bã nhờn tích tụ trên bề mặt móng. Đây là lý do vì sao các chuyên viên làm móng yêu cầu bạn rửa tay trước khi họ bắt đầu làm móng cho bạn. Rửa tay với nước xà phòng là cách hay nhất để loại bỏ bã nhờn trước khi phủ sơn móng.

    2. Tì vết trên bề mặt móng
    Kể cả khi bạn quan sát móng mình bằng mắt thường và thấy móng hoàn toàn trơn láng, nhưng thật ra khi quan sát dưới kính hiển vi, móng có rất nhiều chỗ gồ ghề, lồi lõm và không đồng nhất với nhau. Móng càng có nhiều tì vết, càng khó để sơn được phủ đẹp hoàn hảo và bền màu.

    3. Không dùng base coat và top coat
    Bạn đừng nghĩ rằng mình chỉ cần sử dụng duy nhất sơn màu và kỳ vọng nó bền đẹp nếu bạn không dùng sơn nền và sơn bóng. Sơn nền (base coat) sẽ hỗ trợ cải thiện những tì vết trên móng, còn sơn bóng (top coat) có tác dụng khóa lớp sơn màu và tạo một lớp bảo vệ để ngăn lớp sơn màu bong tróc.

    4. Xé da tay
    Nhiều người có thói quen xé móng tay hoặc xé da tay khi họ lo lắng, tập trung, hay phấn khích chuyện gì đó. Bạn không nên xé lớp da xung quanh móng mình, vì phần da biểu bì đó nếu bị xé bỏ, có thể làm mất đi một ít sơn cùng với nó.

    5. Móng giòn, dễ gãy
    Nếu móng bạn quá yếu, chúng sẽ khó giữ được lớp sơn móng trong thời gian dài. Khi móng tự nhiên của bạn bị sứt mẻ, thì chắc chắn là lớp sơn cũng bị sứt mẻ theo. Hãy cố gắng cải thiện độ chắc khỏe cho móng của bạn!

    6. Sơn không đúng cách
    Bạn không cần nhiều hơn ba nét cọ để có được lớp sơn hoàn hảo. Sơn nhiều hơn ba nét có thể khiến lớp sơn móng của bạn trở nên quá dày và không khô hoàn toàn, dẫn đến bong tróc sơn sau này.

    7. Chăm sóc bàn tay
    Nếu bạn không chăm sóc bàn tay mình, thì những ngón tay, bộ móng và lớp sơn của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng. Hãy luôn đeo găng cao su khi làm những việc như chùi rửa hay giặt giũ, do nhiều sản phẩm giặt rửa có thể gây hai cho da và móng của bạn.

    8. Sơn móng chất lượng kém
    Sơn móng rẻ tiền cũng có thể là nguyên nhân khiến lớp sơn móng của bạn không bền. Nếu có thể, hãy lựa chọn một nhãn hiệu đắt tiền hơn và xem nó có tạo sự khác biệt không.

    Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine

  • 8 màu sơn gợi ý cho bộ móng Thu

    8 màu sơn gợi ý cho bộ móng Thu

    Khi mùa Thu đến, sẽ có nhiều trào lưu sơn móng cho bạn lựa chọn. Trong bài này, chúng tôi xin gợi ý cho bạn những khuynh hướng màu sơn phổ biến vào mùa này.

     - baogiadinh.vn

    1. Xanh dương (blue) là màu của mùa Thu
    Inky Blue và Midnight Blue là những tông màu được ưa chuộng vào mùa này.

    2. Màu của lá
    Các sắc độ thể hiện sự chuyển màu của lá Thu cũng là cảm hứng cho nhiều sản phẩm sơn móng. Màu đỏ tươi (scarlet), màu cam cháy (burnt orange), nâu hạt dẻ (chestnut) là những màu bạn có thể lựa chọn.

    3. Đen tuyền (jet black) quyến rũ
    Bộ móng đen kết hợp với những trang phục cá tính như váy xếp li (pleated skirt), giày cao gót oxford (oxford heels), và sơ-mi cài nút – trông sẽ rất đẳng cấp và sành điệu!

    4. Đỏ
    Sẽ luôn là lựa chọn khôn ngoan khi dùng tông màu đỏ cho mùa Thu. Tông màu đỏ thắm (crimson) cũng hợp với các trang phục có phối đăng-ten (lace) và len tweed.

    5. Màu da
    Các tông màu nude luôn có chỗ đứng riêng – từ sơn móng trong suốt cho đến màu hồng da đều được ưa chuộng. Bạn đừng bao giờ coi nhẹ quyền năng của những màu trung tính.

    6. Tím hoàng gia (royal purple)
    Thêm một lựa chọn lý tưởng khác cho mùa Thu. Màu này khá hợp với những dịp cần ăn mặc đẹp.

    7. Màu ánh kim (metallics)
    Sự bóng bẩy và lấp lánh của những tông màu kim loại sẽ đem lại sức sống cho bộ móng của bạn. Các màu này rất bắt mắt và đẹp lung linh!

    8. Màu đá quý (jewel tones)
    Sơn móng màu đá quý và các tông màu nổi cũng là lựa chọn phù hợp cho mùa Thu. Với một bộ móng màu này, bạn có thể chuyển đổi phong cách từ trẻ trung tinh nghịch sang thanh lịch trang trọng.

    Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine

  • Gợi ý màu sơn nude cho người da sậm

    Gợi ý màu sơn nude cho người da sậm

    Chúng tôi xin giới thiệu với bạn 5 màu sơn nude đẹp, được các ngôi sao da màu sử dụng và đã nhận được nhiều nhận xét tích cực:

     - baogiadinh.vn

    OPI Samoan Sand Nail Lacquer,$10,50, bán tại Ulta Beauty.

    Tại lễ trao giải CFDA Awards, Ishizu đã dùng màu sơn khaki cho bộ móng của Kehlani. Màu móng giản dị khiến những hình xăm trên người Kehlani và bộ đầm vàng cô mặc trở nên nổi bật. Theo Ishizu, Samoan Sand luôn là tông nude cô chọn cho bất cứ màu da nào. Độ phủ của sơn không giống phấn (chalky) cũng không quá mờ (opaque). Sản phẩm có một chút ánh hồng, nhưng không quá nhiều, nên thật sự phù hợp với hầu hết mọi màu da.

     - baogiadinh.vn

    Vetro Gel Nail Polish in Mocha 614, $10.00, bán tại Skyline Beauty Supply.

    Tại lễ trao giải BET Awards, ca sĩ Normani phối bộ trang phục gợi cảm của cô với bộ móng màu nude chỉ sáng hơn màu da của cô vài cấp độ. Chuyên viên làm móng Kim Truong dành lời khen cho Vetro in Mocha, một tông màu creamy chocolate, được sử dụng cho nữ ca sĩ.

     - baogiadinh.vn

    Pear Nova Dianna Boss, $11.50, bán tại Pear Nova.

    Issa Rae diện bộ móng màu caramel tuyệt đẹp trong The Today Show suốt tour quảng báo cho mùa ba của loạt phim Insecure. Ishizu chọn màu sơn của Dianna Boss cho Issa vì nó sáng hơn màu da của cô vài sắc độ, do đó rất nổi bật.

     - baogiadinh.vn

    Deborah Lippmann Crème Nail Polish in Fashion, $18.00, bán tại Bloomingdale’s.

    Màu sơn Tiffany Haddish diện tại Met Gala là màu trung tính, những vẫn đủ đặc biệt để không bị mọi người bỏ qua. Chuyên viên làm móng cho Haddish, Gina Edwards, khuyên bạn nên thử sản phẩm này trước khi mua, vì màu bạn thấy trong chai có thể không giống màu sơn hiện ra trên móng thật của bạn.

     - baogiadinh.vn

    Essie Nail Polish in Seeing Stars, $9,00, bán tại Dermstore.

    Viola Davis không chỉ thích môi màu nude, cô ấy còn thích móng màu nude. Tại sự kiện Golden Globes, cô diện một tông màu chỉ hơi đậm hơn màu da của cô một chút. Quy tắc chung khi sơn móng đó là: màu da càng sậm, màu sơn càng phải opaque. Theo chuyên viên làm móng Gina Viviano, bạn hãy chọn một tông màu gần giống màu của vùng da quanh móng. Màu sơn Davis dùng có một chút kim tuyến nên không hề đơn điệu.

    Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine

  • 8 cách chăm sóc móng bị nấm hoặc móng đâm vào thịt

    8 cách chăm sóc móng bị nấm hoặc móng đâm vào thịt

    Một số mẹo đơn giản sau có thể giúp bạn cải thiện tình trạng nấm móng hoặc tình trạng móng đâm vào thịt:

     - baogiadinh.vn

    Cắt ngắn móng
    Hãy ngăn bệnh nấm (fungus) lây lan móng bạn bằng cách cắt ngắn móng. Móng bạn càng dài, chúng càng dễ vướng vào quần áo, giày dép – khiến cho móng bị hở khỏi da, mở đường cho hơi ẩm (moisture) và nấm xâm nhập. Bạn nên giữ cho đầu móng chỉ hơi dài hơn đầu ngón tay một chút, và giữ cho móng chân bằng với đầu ngón chân.

    Ngâm giấm
    Nếu móng bạn ngả màu xanh lá (green), rất có thể là do móng bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm nấm. Các a-xít tự nhiên trong giấm (vinegar) có thể giúp loại bỏ những kẻ xâm nhập đó. Hãy ngâm móng bị bệnh trong một chén giấm trắng, thực hiện vài lần mỗi ngày.

    Sử dụng muối Epsom
    Nếu móng bạn đâm vào thịt (nhưng chưa bị nhiễm trùng), hãy đổ một nắm muối Epsom (Epsom salt) vào bồn nước tắm hoặc vào một tô nước ấm. Khi muối đã tan ra, hãy ngâm bàn chân của bạn trong nước đó 15-20 phút; việc này giúp phòng tránh viêm nhiễm, giảm đau và làm mềm da. Lặp lại vài lần mỗi ngày cho đến khi tình trạng của móng bạn được cải thiện. Khi không ngâm chân, hãy giữ móng của bạn khô ráo hoàn toàn.

    Dùng thuốc làm tê móng
    Các thuốc giảm đau răng (dental pain reliever) thường chứa một chất gây mê (anesthetic) có tên gọi benzocaine, bạn có thể dùng nó ngoài da để giảm đau khi bị móng đâm vào thịt. Chỉ sử dụng một lượng nhỏ nhất có thể để tạo cảm giác tê (numbness): Bạn có thể nhỏ một giọt lên lớp biểu bì (cuticle). Để vết thương thông thoáng trong vài phút, cho đến khi phần da đó tê đi.

    Dùng bông gòn
    Đầu tiên, ngâm bàn chân trong nước nóng và muối Epsom để làm mềm da. Lấy một cục bông gòn nhỏ, nhúng vào thuốc kháng sinh (antibiotic ointment). Vo cục gòn lại thành một dải hẹp (narrow strand) hoặc một cục tròn nhỏ (small ball). Khử trùng một que tăm (toothpick) hoặc một cây kẹp tăm (bobby pin) trong cồn isopropyl (rubbing alcohol), sau đó dùng nó để nhẹ nhàng đưa cục gòn vào bên dưới cạnh của chiếc móng đâm vào thịt, tạo một miếng đệm giữa móng và phần da của bạn. Loại bỏ phần móng nhọn đậm vào thịt sẽ giúp giảm đau, giúp da bắt đầu lành lại, và dưỡng móng mọc đúng. Thay cục gòn hàng ngày và làm sạch ngón chân giữa các lần tự chữa để ngăn nhiễm trùng.

    Dưỡng ẩm
    Một miếng băng cá nhân (bandage) được làm ẩm có thể giúp làm mềm móng và ngăn nó đâm vào da. Bạn hãy băng một miếng băng cá nhân hoặc một dải vải gạc (strip of gauze) lên móng và nhỏ một ít nước lên đó. Thay miếng băng mỗi ngày và lặp lại cho đến khi chiếc móng đã mềm và sẵn sàng để bị cắt một cách an toàn.

    Cắt tỉa móng đúng cách
    Cắt tỉa móng đúng cách sẽ giúp phòng ngừa tình trạng móng đâm vào thịt. Trước tiên, hãy ngâm bàn chân trong nước ấm hoặc nước nóng. Như vậy móng bạn sẽ mềm và dễ cắt hơn. Sử dụng dụng cụ cắt móng sạch và bén, khử trùng chúng bằng cồn isopropyl hoặc bằng nước sôi. Cắt móng theo đường thẳng, không bo tròn hoặc cắt nhọn ở các góc. Một quy tắc hàng đầu khi cắt móng tay/chân là cắt sao cho móng dài bằng đầu ngón tay/chân. Các góc thẳng (straight corners) của móng nên lộ ra ở hai bên thay vì bị “nhét” vào dưới da. Giũa các góc nhọn bằng cây giũa phủ bột mài (emery board) để giúp móng bớt nhọn.

    Thử dùng Vicks
    Có nhiều phương thuốc giảm đau cho tình trạng móng đâm vào thịt, nhưng thông thường chúng chỉ là giải pháp tạm thời và không giải quyết vấn đề triệt để. Nhưng bạn có thể thử dùng Vicks Vaporub! Hãy thoa sản phẩm kem menthol (menthol cream) này lên toàn bộ vùng cần thoa – kể cả bên dưới móng, nếu có thể – và quấn hờ một miếng băng cá nhân để cố định. Thực hiện hai lần mỗi ngày. VapoRub sẽ giúp giảm đau và giảm viêm, đồng thời làm mềm da và móng, dưỡng cho móng mọc đúng.

    Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine

  • 3 kỹ năng giao tiếp giúp salon của bạn thành công hơn

    3 kỹ năng giao tiếp giúp salon của bạn thành công hơn

    Trong ngành dịch vụ nói chung và ngành làm đẹp nói riêng, giao tiếp tốt – nhất là giao tiếp với khách hàng – sẽ giúp bạn có lợi thế trong công việc. các chuyên viên thẩm mỹ có thể “bỏ túi” cho mình một số kỹ năng giao tiếp sau:

     - baogiadinh.vn

    Kỹ năng #1: Rõ ràng
    Sẽ thật dễ dàng khi bạn giao tiếp với một khách hàng biết cách truyền đạt một cách rõ ràng những gì họ muốn. Tuy nhiên, không phải khách hàng nào cũng được như vậy. Thỉnh thoảng bạn cũng sẽ gặp những người có khó khăn trong việc giải thích hay miêu tả những gì họ muốn bạn làm cho họ. Khi đó đòi hỏi bạn phải sáng tạo và biết khai thác kỹ năng giao tiếp của chính mình để hiểu họ. Trong lúc giao tiếp rõ ràng với khách hàng, điều quan trọng là bạn cần hiểu khách hàng muốn gì, và điều chỉnh những kỳ vọng đó của họ nếu bạn thấy cần.

    Hiểu mong muốn của khách
    Để làm vừa lòng khách hàng, bạn cần nắm rõ họ muốn gì từ bạn. Nếu khách hàng không biết cách truyền đạt rõ ràng cho bạn hiểu, sử dụng hình ảnh có thể giúp ích: các màu sơn, màu tóc, kiểu lông mi, kiểu móng, kiểu trang điểm, v.v… mà bạn và khách hàng sưu tầm được. Khi khách hàng gặp rắc rối nào đó và họ tìm đến bạn, thường là họ muốn được một chuyên gia trong lĩnh vực làm đẹp giúp đỡ. Bạn cần tìm hiểu đầy đủ vấn đề trước khi bắt đầu giải quyết. Đôi khi điều này có nghĩa là bạn phải đặt cho họ những câu hỏi theo cách tế nhị nhất có thể.

    Góp ý
    Dựa trên những ý muốn ban đầu của khách, đôi khi bạn nhận thấy điều chỉnh ít nhiều sẽ có lợi cho họ (và cho bạn) hơn. Khi khách hàng có ý muốn không hợp lý hoặc không khả thi, tốt nhất bạn nên thành thật với họ. Sẽ là lý tưởng nếu bạn có sẵn các giải pháp khác cho họ lựa chọn. Sự thất vọng của khách hàng khi không có được chính xác thứ họ muốn có thể được xua tan bằng những phương án sáng tạo và có tâm từ người làm nghề. Một số khách hàng khó tính sẽ vẫn khó chịu dù bạn cho họ bất cứ lựa chọn khác nào đi nữa. Nhưng thông thường, đa phần mọi người sẽ bằng lòng thỏa hiệp khi bạn cho họ giải pháp phù hợp hơn mong muốn lúc đầu của họ.

    Kỹ năng #2: Thỏa hiệp và thảo luận
    Thương lượng với khách hàng có thể là một trong những phần việc đáng sợ nhất của ngành dịch vụ. Dù bạn giỏi nghiệp vụ, nhưng nếu bạn không biết giao tiếp để đi đến thỏa thuận chung với khách hàng, bạn sẽ khó giữ được khách. Bạn phải nói lên được những quan ngại của bạn dành cho khách và đưa ra các giải pháp cho khách biết.

    Thể hiện các quan ngại
    Có những khách hàng đưa ra những đòi hỏi mà chuyên viên làm đẹp không đáp ứng được. Tuy vậy, bạn không nên làm khách hàng thấy xấu hổ hoặc thấy ngu ngốc vì điều đó. Sẽ có lúc bạn có thể đặt cho khách hàng một số câu hỏi để họ tự rút ra kết luận và điều đó sẽ có lợi cho bạn. Trong những trường hợp khác, bạn có thể đưa ra một giải thích đơn giản, ân cần về những vấn đề của khách mà bạn nghĩ khách cần nhận ra.

    Cũng có lúc bạn sẽ phải lịch sự thông báo cho khách rằng vấn đề của họ nằm ngoài năng lực và khả năng của bạn. Tuy nhiên, bạn cần giao tiếp rõ ràng về điều bạn muốn nói khách biết, đồng thời phải luôn tử tế với khách. Sự chu đáo và có tâm của bạn sẽ giúp khách có ấn tượng tốt về bạn.

    Đưa ra giải pháp
    Đưa ra được những lựa chọn thay thế hợp lý, hấp dẫn và hiệu quả hơn cho khách hàng khi bạn không thể cho họ chính xác thứ họ muốn chính là một phần mấu chốt để khách vui lòng và quay lại với bạn những lần sau. Điều này đòi hỏi bạn phải có sự chuẩn bị, có tay nghề và thật sự nỗ lực trong công việc. Bạn không thể biết trước tất cả các tình huống có thể xảy ra, nhưng tìm hiểu về phong cách và cá tính của các đối tượng khách hàng sẽ giúp bạn bớt bị động. Hãy thường xuyên cập nhật các xu hướng mới, đồng thời trau dồi kỹ năng xử lý các vấn đề liên quan đến khách hàng, học cách quan tâm chân thành đến những nhu cầu của khách có thể giúp tạo khác biệt lớn cho bạn.

    Kỹ năng #3: Tự tin
    Ngành thẩm mỹ tập trung chăm chút bề ngoài. Và một vẻ ngoài tự tin là rất quan trọng với chuyên viên làm đẹp. Sự tự tin của bạn sẽ giúp khách hàng yên tâm về tay nghề và năng lực của bạn, họ biết rằng bạn sẽ giúp họ đẹp hơn.

    Chuyên nghiệp
    Để thể hiện sự tự tin của mình và giúp khách hàng tin mình hơn, chuyên viên làm đẹp có thể trưng bày tại không gian làm việc các bằng cấp nghề nghiệp họ đạt được hoặc đưa cho khách hàng một tập portfolio để giới thiệu kinh nghiệm của mình. Với những khách hàng mới và những dự án tiềm năng, hãy tỏ ra bình tĩnh và tự tin – khách hàng của bạn cũng sẽ cảm thấy như thế về bạn. Hãy thường xuyên thực hành tay nghề và nắm bắt các xu hướng mới. Hãy thể hiện phong thái chuyên nghiệp xuyên suốt các mối quan hệ giữa bạn với khách hàng – việc này sẽ khiến họ yên tâm khi sử dụng dịch vụ của bạn.

    Kết nối cá nhân
    Trong ngành làm đẹp, lý tưởng nhất là bạn giúp khách hàng cảm thấy họ xinh đẹp không chỉ bên ngoài mà cả bên trong. Kỹ năng giao tiếp của bạn với khách hàng không cần phải quá xuất sắc, nhưng nếu hành vi, lời nói và việc làm của bạn làm cho khách hàng cảm thấy yêu chính họ hơn, điều đó sẽ giúp ích cho công việc của bạn.

    Sức mạnh của thái độ tích cực
    Khách hàng có một ý tưởng nào đó? Hãy khen ngợi sự sáng tạo của họ, kể cả khi sáng kiến đó là thứ bạn không thực hiện được.

    Ở khách hàng có đặc điểm đẹp nào đó mà bạn muốn giúp họ làm nổi bật nó? Hãy nói họ biết.

    Khách hàng có phong cách độc đáo? Hãy khen ngợi phong cách đó của họ. Bên cạnh việc nâng cao tay nghề của mình, bạn cũng nên tập nói những điều tích cực với khách hàng mỗi khi có thể.

    Chúng tôi hy vọng một số mẹo giao tiếp trên sẽ giúp bạn thêm thoải mái khi tác nghiệp với khách hàng.

    Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine