Danh mục: Khoá học nails

  • 8 cách diện trang phục denim trong mùa hè

    8 cách diện trang phục denim trong mùa hè

    Vải denim hầu như không bao giờ lỗi thời. Điều tuyệt vời của chất liệu này đó là có rất nhiều cách để sử dụng nó – từ quần skinny jeans cho đến váy midi hay trang phục áo liền quần,… Mời bạn cùng chúng tôi điểm qua cách diện đồ denim của một số fashion blogger trong mùa hè này:

     - baogiadinh.vnẢnh: Walk in Wonderland

    Váy denim dài ngang bắp chân (denim midi skirt)
    Bạn hãy thử kết hợp một chiếc váy midi chất liệu denim cùng với một chiếc áo thun in họa tiết – như vậy trông bạn sẽ rất trẻ trung trong một ngày hè.

     - baogiadinh.vnẢnh: Always Judging

    Quần yếm denim (denim overalls)
    Hãy thử phối quần yếm denim với sandals cao gót màu đen và một chiếc áo sơ-mi phom rộng!

     - baogiadinh.vnẢnh: Pursuit of Shoes

    Áo sơ-mi denim (denim shirt)
    Hãy thử dùng áo sơ-mi denim cột ngang eo, kết hợp với đầm ren màu đen cho ngày hè!

     - baogiadinh.vnẢnh: Love By Lynn

    Quần đùi Bermuda denim (denim Bermuda shorts)
    Một chiếc quần đùi phong cách baggy và được xé rách, kết hợp với áo blazer vừa vặn, giúp bạn trông vừa cá tính và năng động.

     - baogiadinh.vnẢnh: Sazan

    Đồ bay lửng denim (denim romper)
    Phiên bản đồ bay trẻ trung này là lựa chọn lý tưởng để mặc bên ngoài áo tắm vào mùa hè.

     - baogiadinh.vnẢnh: The Fashion Philosophy

    Denim trắng (white denim)
    Quần denim trắng là món đồ được ưa chuộng vào mùa hè. Bạn hãy thử tạo phong cách layer cùng quần denim trắng, áo cánh phom dài (long blouse) và một chiếc áo jacket lửng (cropped jacket).

     - baogiadinh.vnẢnh: Styled Avenue

    Áo jacket denim kiểu dáng kinh điển (classic denim jacket)
    Áo khoác denim có thể được phối với hầu hết mọi thứ – quần shorts, váy hay đầm bó sát. Để có một phong cách thể thao khỏe khoắn, bạn hãy thử phối áo jacket denim với quần skinny đen và giày Nike!

     - baogiadinh.vnẢnh: Sincerely, Jules

    Đầm sơ-mi denim (denim shirt dress)
    Đầm sơ-mi denim không chỉ có thể được dùng cho phong cách thường ngày (casual). Nếu bạn muốn diện chiếc đầm này cho một tối đi chơi, hãy thử phối nó với giày cao gót màu ánh kim và dây chuyền to bản.

    Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine

  • Một số ý tưởng làm móng trong suốt

    Một số ý tưởng làm móng trong suốt

    Nghệ thuật móng trong suốt (clear nail art) sẽ giúp bộ móng của bạn trở nên thanh lịch và duyên dáng. Xin giới thiệu đến bạn một số mẫu móng trong suốt mà bạn có thể kết hợp với hầu hết mọi trang phục:

     - baogiadinh.vnẢnh: chaunlegend

    Các mẫu móng dài, trong suốt sẽ giúp bạn cảm thấy như mình là công chúa. Móng trong suốt hợp với tất cả các màu và với mọi phong cách – thường ngày (casual), trang trọng (formal) hay cho những dịp cần lộng lẫy (glamour) – nói chung là cho hầu hết các tình huống.

     - baogiadinh.vnẢnh: _thenaillady_

    Móng trong suốt không quá khó thực hiện. Nếu bạn muốn, các salon có thể tạo cho bạn những bộ móng như thế này.

     - baogiadinh.vnẢnh: The.glitter.nail

    Không những vậy, kiểu móng trong suốt đem lại nhiều khoảng trống cho bạn sáng tạo. Bạn có thể dặm thêm kim tuyến, vẽ hoa văn trang trí, phối với màu sơn khác, đính hột đá, v.v…

     - baogiadinh.vnẢnh: nailsbyjoannmarie

     - baogiadinh.vnẢnh: wonderfullyglammed

     - baogiadinh.vnẢnh: majadoesnails

    Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine

  • Mẹo dành cho những người lần đầu làm phù dâu

    Mẹo dành cho những người lần đầu làm phù dâu

    Được mời làm phù dâu là một vinh dự tuyệt vời. Nếu đây là lần đầu tiên bạn làm phù dâu, có thể bạn sẽ cần một vài chỉ dẫn đơn giản sau đây:

     - baogiadinh.vnGiúp đỡ cô dâu
    Có thể bạn sẽ hơi bỡ ngỡ khi lần đầu làm phù dâu, nhưng hãy nhớ điều quan trọng là tình bạn giữa bạn và cô dâu. Cô dâu yêu quý và tin tưởng bạn nên mới mời bạn làm phù dâu cho cô ấy. Vì vậy hãy cố gắng hết sức để giúp đỡ cô dâu trong mọi mặt có thể. Lo liệu cho đám cưới thường rất áp lực và nặng nề với nhiều cô dâu tương lại, nên đừng để bụng nếu cô ấy có vẻ cáu kỉnh, hách dịch hoặc xa cách với bạn. Nếu cô dâu có gì đó lấn cấn, bạn hãy dành thời gian lắng nghe cô ấy, và nếu được, hãy giúp cô ấy giải quyết vấn đề.

    Giao tiếp
    Trong thời gian chuẩn bị cho đám cưới, bạn cần giữ liên lạc với cô dâu và những phụ dâu khác để nắm được lịch trình cho những việc cần làm. Nhìn chung, hãy cố gắng trả lời tất cả tin nhắn và email kịp thời, giữ thái độ cởi mở và trung thực. Nếu có ý tưởng hoặc ý kiến gì đó, bạn có thể đóng góp suy nghĩ của mình cho họ. Nếu bạn thấy mình không thích nghi được với mẫu áo đã ấn định, hay bạn nghĩ tiệc độc thân cần điều chỉnh đôi chút nếu không muốn vượt tầm kiểm soát, hay những người khác muốn biết ý kiến của bạn trước khi ra quyết định,… hãy nói lên suy nghĩ của bạn! Nếu bạn gặp gì đó lấn cấn và không biết làm sao, hãy thử tham khảo ý kiến của một bên thứ ba để có cái nhìn khách quan hơn và nhận được lời khuyên phù hợp. Dù tình huống có là gì đi nữa, hãy luôn nhớ: Giao tiếp (communication) là phương tiện chủ yếu để giải quyết vấn đề.

    Chuẩn bị tinh thần để chi tiền
    Là phù dâu, bạn sẽ phải tốn một khoản tiền cho vinh dự này. Nếu chi phí là vấn đề với bạn, nên lựa chọn thời điểm phù hợp trong quá trình chuẩn bị cưới để hỏi cô dâu (hoặc phù dâu chính) về chi phí ước lượng của váy áo, giày, và những chi phí khác để bạn có thể lượng sức mình. Nếu bạn thấy mình không đủ khả năng trở thành phù dâu, chỉ cần lịch sự và nhẹ nhàng từ chối lời đề nghị.

    Hiện diện bên cô dâu
    Làm phù dâu, tất cả các sự kiện liên quan đến đám cưới đôi khi có thể khiến bạn thấy quá tải. Nhưng hãy nhớ rằng với cô dâu – người bạn hoặc chị/em của bạn – các sự kiện này là những khoảnh khắc đặc biệt trong đời cô ấy, mà rất có thể cô ấy chỉ được nếm trải một lần. Hãy ghi nhớ điều này trong đầu mỗi khi bạn cảm thấy mệt mỏi hoặc chán nản. Hãy cố gắng hết sức hiện diện bên cô dâu những khi cô ấy cần để chia sẻ niềm vui cùng cô ấy. Sẽ rất bất hạnh cho cô dâu nếu cô ấy không tìm được ai để trông cây vào.

    Tận hưởng niềm vui
    Làm phù dâu là một nhiệm vụ vinh dự và nặng nề, nhưng bạn cũng đừng quên tận hưởng niềm vui của từng khoảnh khắc trong suốt quá trình. Tiệc tùng, vui chơi, diện đồ đẹp, trang điểm, làm tóc tai,… và hãy tự hào khi là một trong những người có công giúp ngày cưới của bạn/chị/em mình thành công!

    Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine

  • VietBeauty QUIZ OF THE MONTH / ĐỐ VUI CÓ THƯỞNG – Tháng Hai 2108

    VietBeauty QUIZ OF THE MONTH / ĐỐ VUI CÓ THƯỞNG – Tháng Hai 2108

     - baogiadinh.vn

    Mời các bạn tham dự cuộc thi ĐỐ VUI CÓ THƯỞNG với các giải thưởng giá trị của nhà bảo trợ OPI.

    Cuộc thi bắt đầu vào thứ Tư, ngày 7 tháng Hai và chấm dứt vào 9 pm Chủ Nhật, ngày 18 tháng Hai (giờ miền Tây Hoa Kỳ)

    Sau khi share cuộc thi này, bên dưới phần trả lời câu hỏi, các bạn cần cho biết:

    1. Tên họ của bạn
    2. Tên thành phố và tiểu bang mà bạn đang cư ngụ.

    Danh sách trúng thưởng sẽ được công bố vào ngày 22 tháng Hai. Các bạn trúng thưởng sẽ cần cung cấp địa chỉ chính xác để VietBeauty gởi quà và báo biếu đến tận nhà.

    Chúc các bạn may mắn!

    Xin ấn vào link này để tham dự cuộc thi:


     - baogiadinh.vn

    VietBeauty QUIZ OF THE MONTH – February 2021

    Participate in VietBeauty QUIZ OF THE MONTH and win big prizes from OPI.

    The Quiz starts on Wednesday, February 7 and will end on Sunday, February 18 at 9 pm (Pacific Time – US West Coast)

    After sharing this Quiz and answering all the questions, please provide in your post:

    1. Your full name
    2. The city and state you are currently living in.

    The list of the winners will be announced on February 22. The winners will then need to provide their full address for VietBeauty to send the OPI’s prizes and VietBeauty complimentary copies to your home.

    Good luck!

    Please click this link to participate:

  • 6 lời khuyên chưa thật sự tốt mà bố mẹ không nên dạy con mình

    6 lời khuyên chưa thật sự tốt mà bố mẹ không nên dạy con mình

    … Và giải pháp thay thế – nếu bạn muốn con mình thành công và hạnh phúc về lâu dài:

     - baogiadinh.vn

    Ảnh: parents.com

    1. Trẻ thường được dạy: Hãy tập trung vào tương lai. Hãy nhìn vào phần thưởng trước mắt. (Focus on the future. Keep your eyes on the prize.)

    Thay vào đó, hãy dạy trẻ: Sống/Làm việc trong khoảnh khắc hiện tại. (Live/Work in the moment.)

    Một tâm trí lúc nào cũng tập trung vào tương lai – như hy vọng mình giành điểm cao trong học tập hoặc mơ mình vào đại học – sẽ có xu hướng dễ lo âu và sợ hãi. Một chút áp lực có thể giúp trẻ có động lực, nhưng áp lực thường xuyên và kéo dài dễ khiến sức khỏe và trí tuệ của trẻ suy yếu, trẻ có thể tập trung kém đi hoặc giảm trí nhớ. Kết quả là, việc tập trung quá nhiều vào tương lai có thể làm trẻ giảm năng lực trong hiện tại.

    Trẻ sẽ hạnh phúc và dễ có thành tích tốt hơn nếu trẻ biết cách sống cho giây phút hiện tại. Khi cảm thấy hạnh phúc, các bé sẽ học nhanh hơn, tư duy sáng tạo hơn, và giải quyết vấn đề dễ dàng hơn.

    Sống có mục tiêu là tốt. Nhưng thay vì bắt con luôn tập trung vào bước tiếp theo trong danh sách những việc cần làm, hãy giúp trẻ tập trung vào nhiệm vụ hoặc cuộc đối thoại mà trẻ đang có.

    2. Trẻ thường được dạy: Áp lực là điều không tránh khỏi, hãy luôn thúc ép bản thân. (Stress is inevitable;  keep pushing yourself.)

    Thay vào đó, hãy dạy trẻ: Hãy học cách thư giãn. (Learn to chill out.)

    Trẻ nhỏ thường cảm thấy lo lắng về nhiều thứ, lo về điểm số và cảm thấy áp lực phải học tập tốt hơn. Đáng buồn là, xã hội chúng ta chưa nhìn nhận đủ nghiêm túc về các vụ tự tử vì nạn nhân không chịu được áp lực. Cách người lớn chúng ta sống thường truyền cho trẻ thông điệp rằng áp lực là một điều không tránh khỏi nếu muốn sống một cuộc đời thành đạt. Đè nén áp lực bằng rượu bia, thuốc ngủ hoặc Xanax,… không phải là lối sống lành mạnh để làm gương cho trẻ.

    Là cha mẹ, bạn nên dạy con mình những kỹ năng cháu cần để giữ được cân bằng khi đối mặt với áp lực. Dù không thể thay đổi được đặc thù công việc và cuộc sống của mình, bạn có thể dạy con tập thiền (meditation), yoga, và cách thở để ứng phó với căng thẳng hiệu quả hơn.

    Các công cụ này giúp trẻ vận dụng hệ thần kinh giao cảm “nghỉ ngơi và tiếp nhận” (parasympathetic “rest and digest” nervous system), thay vì phản ứng với căng thẳng kiểu “chiến hay biến” (“fight or flight” stress response).

    3. Trẻ thường được dạy: Hãy giữ cho mình bận rộn. (Stay busy.)

    Thay vào đó, hãy dạy trẻ: Tìm thấy niềm vui khi không làm gì cả. (Have fun doing nothing.)

    Xã hội phương Tây thường đánh giá cao các cảm xúc tích cực có cường độ cao như sự hưng phấn (excitement), và ít khi coi trọng các cảm xúc có cường độ thấp như sự yên bình (calm). Không có gì sai khi sống trong trạng thái hưng phấn, vui vẻ, trải nghiệm những cái mới. Nhưng cảm giác hưng phấn kéo dài, cũng giống như cảm giác căng thẳng, sẽ khiến sinh lý chúng ta mệt mỏi do nó kích thích hệ thần kinh “chiến hay biến”.

    Hơn thế nữa, nghiên cứu chỉ ra rằng não bộ chúng ta dễ nảy sinh những ý tưởng độc đáo hơn khi chúng ta thư giãn; giống như nảy ra sáng kiến nào đó khi ta đang tắm. Vì vậy, thay vì bắt trẻ lúc nào cũng bận rộn, hãy cho trẻ thời gian không-làm-gì-cả. Bất cứ tình huống nào cũng có thể là cơ hội cho trẻ tìm thấy niềm vui – như ngồi trong phòng chờ (waiting room) hoặc đi bộ đến trường,… Trẻ có thể chọn những hoạt động thư thái như đọc sách, dắt cho đi dạo, hoặc đơn giản là nằm dưới gốc cây ngắm mây bay,… Các trẻ có được những khoảng thời gian thư thái như vậy thường sáng tạo và năng nổ hơn. Những hoạt động như vậy còn giúp trẻ học cách thư giãn.

    Mục đích ở đây không có nghĩa là bạn không được để trẻ thử sức trong những hoạt động mới hoặc bạn ngăn cản trẻ học hỏi. Mục tiêu ở đây là bạn không để trẻ quá bận rộn đến mức không có thời gian vui chơi độc lập, được ở một mình và được mơ mộng, được học cách tìm thấy niềm vui đơn giản từ việc tồn tại (being) thay vì phải làm (doing) một cái gì đó.

    4. Trẻ thường được dạy: Hãy thể hiện những sở trường của con. (Play to your strengths.)

    Thay vào đó, hãy dạy trẻ: Đừng sợ phạm sai lầm và hãy học cách thất bại. (Make mistakes and learn to fail.)

    Cha mẹ thường có xu hướng nhận diện con của họ qua những sở trường của trẻ. Họ gọi con họ là “đứa giỏi toán” (“a math person”), “đứa hoạt bát” (“people person”), hoặc một “họa sĩ” (“artist”). Nhưng những quan niệm đó có thể đóng khung trẻ trong những lĩnh vực đó và khiến trẻ ít muốn thử những cái mới, những cái mà có thể trẻ không giỏi. Điều này dễ khiến trẻ lo lắng và buồn bực khi đối mặt với thất bại hoặc với thử thách mới. Tại sao? Tại vì trẻ tin rằng: nếu trẻ gặp trở ngại trong một lĩnh vực nào đó, tức là trẻ “không giỏi” lĩnh vực đó.

    Nhưng não bộ chúng ta tiến hóa là để thích nghi với việc học những cái mới. Và học từ những sai lầm của chúng ta khi còn trẻ là một cách học rất tốt. Vì thế, thay vì nhận diện con theo sở trường của trẻ, bạn hãy dạy con rằng cháu có thể học bất cứ thứ gì – chỉ cần cháu cố gắng.

    5. Trẻ thường được dạy: Hãy tự biết những điểm yếu của con, và đừng tỏ ra yếu đuối. (Know your weaknesses, and don’t be soft.)

    Thay vào đó, hãy dạy trẻ: Hãy đối xử tốt với bản thân. (Treat yourself well.)

    Khuyến khích trẻ tự ý thức về điểm yếu của bản thân là điều tốt, nhưng nhiều người lớn thường nghĩ rằng phê bình trẻ sẽ giúp trẻ tự cải thiện. Và những lời phê bình của cha mẹ đôi khi khiến trẻ tự chê trách bản thân mình. Nếu một người nói với con mình rằng trẻ cần cởi mở hơn, vô tình trẻ có thể cho rằng tính cách hướng nội bẩm sinh của mình là không tốt.

    Nghiên cứu cho rằng tự chê trách (self-criticism) về cơ bản là sự tự hủy hoại (self-sabotage). Khi tự chê trách mình, trẻ sẽ chỉ thấy những khuyết điểm của bản thân, từ đó mất tự tin. Trẻ sẽ sợ thất bại, dẫn đến thể hiện không tốt, dẫn đến việc trẻ bỏ cuộc dễ dàng hơn, dẫn đến khả năng ra quyết định kém. Tự chê trách khiến trẻ dễ lo âu và buồn chán khi đối mặt với thử thách.

    Thay vào đó, bố mẹ nên khuyến khích con mình xây dựng thái độ yêu thương bản thân (self-compassion). Hãy dạy trẻ đối xử với chính mình giống như khi trẻ đối xử với một người bạn mà trẻ yêu mến khi bạn ấy gặp thất bại hoặc đau buồn. Điều này không có nghĩa là trẻ được nuông chìu bản thân quá đáng hoặc lẩn tránh trách nhiệm khi trẻ phạm sai lầm. Điều này chỉ có nghĩa là trẻ không hành hạ bản thân mình. Ví dụ: một cháu bé có tính rụt rè (shy) nhưng biết yêu thương bản thân, có thể tự nói với mình rằng: thỉnh thoảng cảm thấy nhút nhát là chuyện bình thường, tính cách của bé đơn giản chỉ là bé không được cởi mở như nhiều người khác – và bé có thể đề ra cho mình những mục tiêu nhỏ, vừa sức mình để dần dần thoát khỏi vỏ ốc. Tư duy này sẽ giúp bé ứng phó tốt hơn trước những thử thách, giúp bé phát triển các kỹ năng xã giao mới, và học hỏi từ sai lầm.

    6. Trẻ thường được dạy: Đây là một thế giới tàn khốc, nên hãy giao du với kẻ mạnh nhất. (It’s a dog-eat-dog world , so look out for Number One.)

    Thay vào đó, hãy dạy trẻ: Bày tỏ lòng yêu thương với những người khác. (Show compassion to others.)

    Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, việc có những mối quan hệ tích cực với những người khác là một yếu tố quan trọng để trẻ hạnh phúc, bình yên, khỏe mạnh và sống lâu. Các tác động này sẽ ảnh hưởng đến khả năng trí tuệ và thành công chung cuộc trong đời sống của trẻ.

    Kể cả khi các kỹ năng của trẻ không thật sự xuất sắc, nhưng việc được người khác quý mến được xem là một trong những yếu tố dự báo đậm nét nhất cho thành công của trẻ. Nếu trẻ biết bày tỏ tình yêu thương với những người xung quanh, trẻ có thể tạo ra những mối quan hệ ấm áp thay vì chỉ tập trung vào bản thân. Khi đó trẻ sẽ dễ thành công về lâu về dài hơn – miễn là trẻ không để người khác lợi dụng mình.

    Trẻ nhỏ thường có tố chất thương người và tốt bụng. Nhưng theo nhận định của một nhà tâm lý học, người trẻ cũng đang có xu hướng ngày càng chú ý đến bản thân. Vì vậy, điều quan trọng là bạn hãy khuyến khích trẻ nhỏ phát huy bản chất tốt đẹp của các bé là quan tâm đến cảm xúc người khác vào đặt mình vào vị thế người khác.

    Thế giới này đúng là nhiều lúc không mấy dễ chịu. Nhưng thế giới sẽ bớt khắc nghiệt đi nhiều nếu chúng ta bớt chú trọng việc “cắt cổ” nhau và đề cao việc học cách sống tốt với nhau.

    Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine

  • Chọn áo khoác giữ ấm cho mùa Đông

    Chọn áo khoác giữ ấm cho mùa Đông

    Quần áo giữ ấm là thứ không thể thiếu trong mùa Đông. Thế nhưng, nếu lựa chọn và mặc không đúng cách, bạn vẫn không thể giữ ấm cơ thể trước giá lạnh. Cùng tìm hiểu những bí quyết chọn và diện áo khoác mùa Đông.

     - baogiadinh.vn

    Photo VAN ANH LE | Model CINDY LE
    Makeup & Hair CINDY LE | Creative Director & Stylist VAN ANH LE

    Bảo quản
    Không nên nhét áo ấm vào trong các túi nén. Điều này có thể làm mất form áo, nhất là áo len (wool coat) và làm giảm tuổi thọ của chúng. Tốt nhất nên treo áo ấm trong tủ quần áo.

    Áo khoác mùa Đông dù là áo độn lông (down filled) hay áo pha len (wool blend), bạn cũng nên giặt hai lần trong mùa. Điều này giúp tránh cho cấu trúc vải bị co hay thay đổi. Đối với các loại áo khoác lông (down coat) hay vải tổng hợp (synthetic-filled coats) cần được làm sạch kỹ lưỡng hơn.

    Chú ý chất liệu
    Chất liệu giữ ấm tốt có thể chống lại tất cả các yếu tố khắc nghiệt gặp phải trong mùa đông như tuyết, mưa tuyết và gió lạnh. Bên trong áo ấm nên có lớp cách nhiệt dày (insulation) để làm ấm cơ thể cả ngay khi bạn không di chuyển. Các vật liệu cách nhiệt thường được sử dụng như lông vũ (down feathers) thường dùng cho bầu không khí khô ráo và sợi tổng hợp (synthetic fibers) được mặc trong thời tiết mưa, tuyết.

    Áo khoác giữ ấm cho mùa Đông, nhưng cũng cần đảm bảo cho cơ thể bạn khô ráo và thoải mái. Vì thế, nên chọn các loại áo với lớp ngoài không thấm nước (waterproof).

    Tránh chọn áo ấm chất liệu Polyester, vì chất liệu này giữ ấm không tốt và không thoát mồ hôi, làm cơ thể có mùi khó chịu.

    Chọn loại áo
    Chú ý lựa chọn kiểu áo giữ ấm mùa Đông phù hợp với những hoạt động của bạn, với vài lựa chọn cơ bản như:

    Technical Winter Jackets: là loại áo mặc khi trượt tuyết hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời khác như leo núi, trượt băng. Loại áo này có trọng lượng nhẹ, với những thiết kế đặc biệt như mũ bảo hiểm (helmet-compatible hoods), tính năng thông gió tốt (ventilation) và lớp ngoài không thấm nước (waterproof shell)…nhằm bảo vệ cơ thể trước sự khắc nghiệt của thời tiết mùa Đông. Technical Winter Jackets có thể đóng gói, nén lại mà không ảnh hưởng đến hình dạng áo.

    – Casual coats: được mọi người sử dụng phổ biến để mặc hàng ngày khi đi lại, hoạt động và làm việc trong thời tiết lạnh. Casual coats thời trang (more stylish) và có nhiều tính năng thoải mái hơn như mũ trùm (hood) lớn, độ dài áo tốt … mang lại sự ấm áp tuyệt vời.

    Chú ý kiểu dáng
    Áo khoác cần đảm bảo đủ độ dài để bảo vệ cơ thể. Chọn áo có độ dài qua thắt lưng sẽ giữ ấm cơ thể tốt nhất. Chú ý khi bạn giơ tay ngang đầu, đảm bảo áo khoác vẫn giữ ấm phần thân.

    Để cơ thể ấm áp và đẹp hơn,bạn nên trang bị thêm các phụ kiện giữ ấm như mũ len, bịt tai, khăn quàng cổ, găng tay, tất chân, giày, boots. Đặc biệt, khi bạn mặc váy thì những chiếc quần tất dày và những đôi boots cao cổ sẽ giữ ấm và làm bạn trông thời trang hơn.

    Chọn một chiếc áo khoác giữ ấm phù hợp giúp bạn cảm thấy thoải mái và ấm áp trong mùa đông này. Không phải tất cả áo khoác sẽ phù hợp và hoàn hảo với bạn, vì vậy hãy dành thời gian thử một vài phong cách, kiểu dáng khác nhau để chọn được chiếc áo giữ ấm tốt nhất cho mình.

    Thy Nga – VietBeauty Magazine

  • 5 ngành học được dự báo sẽ biến mất trong 20 năm tới

    5 ngành học được dự báo sẽ biến mất trong 20 năm tới

    Tương lai của loài người đã được phác họa trong phim ảnh với rất nhiều rô-bốt. Trong tương lai không xa, rô-bốt sẽ làm thay con người trong nhiều ngành nghề. Nguồn nhân lực sẽ di chuyển về hướng những lịch vực nghề nghiệp phức tạp hơn mà người máy chưa thay thế được. Nếu bạn dự định theo học một trong các ngành sau thì có thể bạn nên cân nhắc lại, vì rất có thể trong nhiều năm tới, nhu cầu đối với những ngành này sẽ dần giảm sút:

     - baogiadinh.vn

    Kế toán (accounting)
    Về cơ bản, bạn sẽ không cần dùng đến kế toán viên nếu có những phần mềm hoặc ứng dụng có thể làm việc đó cho bạn. Kế toán là-con-người chỉ thật sự cần thiết trong những công ty lớn, còn những nhu cầu kế toán nhỏ lẻ có thể được thực hiện trực tiếp trên mạng. Thay vì học kế toán, bạn nên chọn ngành tài chính (finance), như vậy cơ hội nghề nghiệp của bạn sẽ rộng mở hơn.

     - baogiadinh.vn

    Nhà hàng khách sạn và du lịch (hospitality and tourism)
    Phần lớn công việc trong lĩnh vực này có thể được đảm nhận dễ dàng bằng công nghệ trong tương lai. Nhu cầu thuê mướn tiếp tân, đại lý du lịch, và những công việc liên quan đang có sự suy giảm mạnh.

     - baogiadinh.vn

    Trợ lý luật (paralegal)
    Ngày nay phần lớn công việc của một trợ lý luật có thể được đảm nhận dễ dàng bởi máy vi tính mà không cần bàn tay con người động vào. Bản thân ngành luật cũng có thể được thay thế bằng công nghệ, và trợ lý luật là một ngành sẽ bị cắt giảm trong lĩnh vực này.

     - baogiadinh.vn

    Truyền thông dự báo (broadcast communications)
    Ngành dự báo là ngành luôn có nhiều biến đổi. Ti-vi không còn là kênh truyền thông duy nhất, và bằng cấp trong ngành này đang dần lỗi thời. Các phương thức giao tiếp đang thay đổi hàng ngày – từ Snapchat đến Facebook – chúng ta tiếp nhận tin tức theo một cách rất khác vào ngày nay.

     - baogiadinh.vn

    Dược (pharmacy)
    Đơn thuốc của bạn có thể được kê bởi một người máy. Ngày càng có nhiều hiệu thuốc sử dụng rô-bốt kê đơn thuốc thay cho người bán thuốc (pharmacist). Bào chế thuốc (compounding) vẫn đang là ngành có nhu cầu tương đối, nhưng khi các “ông lớn” trong ngành dược làm chủ thị trường, nhu cầu đối với ngành bào chế cũng sẽ giảm.

    Lời cuối: Bài viết này chỉ có tính tham khảo, không được viết với mục đích thay thế các tư vấn hướng nghiệp. Nếu bạn muốn tìm được sự tư vấn hướng nghiệp trong bất cứ ngành nghề nào nêu trên, bạn nên nhờ đến một chuyên gia phù hợp.

    Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine

  • Chọn dầu gội cho da đầu nhạy cảm

    Chọn dầu gội cho da đầu nhạy cảm

    Chăm sóc và nuôi dưỡng tóc khỏe đẹp đòi hỏi bạn phải chú ý đến nhiều yếu tố tác động lên da đầu, trong đó có việc chọn loại dầu gội phù hợp với da đầu. Đặc biệt với những người có da đầu nhạy cảm, nếu chọn sai dầu gội, mái tóc bạn về lâu dài có thể chịu những tác hại như khô, rụng tóc bất thường và nhất là tình trạng da đầu bị kích ứng, mẩn ngứa, nhiễm trùng.

     - baogiadinh.vn

    Dầu gội có thật sự an toàn cho tóc
    Dầu gội được sử dụng chủ yếu với mục đích làm sạch tóc và da đầu khỏi các chất bụi bẩn, chất nhờn …Dầu gội có thể chứa những thành phần nuôi dưỡng tóc, nhưng bên cạnh đó cũng có những thành phần gây hại.

    Về cơ bản, thành phần chính trong dầu gội là chất tẩy và một hỗn hợp dung môi. Chất tẩy có loại mạnh (Natrium Lauryl Sulfate, Natrium Stearat) và loại nhẹ (Sodium Laureth Sulfate, Ethanolamine laurate). Dung môi bao gồm dầu (dầu dừa và dầu olive) và nước.

    Ngoài ra, để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng và tăng tính cạnh tranh, nhà sản xuất sẽ bổ sung vào dầu gội những hóa chất khác nhau. Rất nhiều trong số đó là những hóa chất gây hại cho da đầu và tóc như mùi hương nhân tạo, chất tạo bọt, chất tạo màu sắc và ánh nhũ, chất bảo quản, chất chống dị ứng..

    Thời gian đầu, khi bạn sử dụng một loại dầu gội có thể chưa xảy ra kích ứng. Nhưng sau một thời gian, hóa chất trong dầu gội sẽ làm suy yếu da đầu và gây ra những bệnh lý cho da đầu như rụng tóc, viêm da đầu, thậm chí là các bệnh lý về thần kinh.

    Chú ý thành phần dầu gội cho da đầu nhạy cảm
    Một số thành phần sau sẽ gây hại cho da đầu nhạy cảm:

    -Chọn dầu gội có độ PH thấp, để không làm thay đổi độ PH của tóc sau khi gội.
    Nếu chọn dầu gội có độ PH cao cho da đầu nhạy cảm, sẽ dễ làm hỏng lớp keratin bảo vệ bao quanh sợi tóc, tóc sẽ bị khô, gãy và mất đi sự óng ả nhanh chóng.

    -Tránh thành phần làm sạch dầu trên tóc khá độc hại như: Sodium Lauryl Sulfate (SLS), Sodium Laureth Sulfate (SLES). Hai chất này có tác dụng làm sạch dầu trên da đầu hiệu quả, nhưng nó lại bào mòn, gây khô da, tóc. Đặc biệt, nó dễ gây kích ứng cho da đầu nhạy cảm, phá hủy nang tóc và lớp màng bảo vệ da đầu. Nếu sử dụng lâu dài, dễ gây nên tình trạng nhiễm trùng da đầu và rụng tóc nhiều.

    -Tránh các chất tạo hương thơm dễ gây dị ứng cho da đầu nhạy cảm như parabensethylparaben, methylparaben, propylbaraben và propylene glycol.

    Cách tốt nhất là chọn dầu gội chứa các thành phần hữu cơ thiên nhiên sẽ an toàn hơn cho da đầu nhạy cảm.

    Cách thức gội đầu an toàn cho da đầu nhạy cảm
    Đối với da đầu nhạy cảm bạn nên rất thận trọng với hóa chất trong dầu gội và sản phẩm chăm sóc tóc. Bạn đã chọn dầu gội có chất tẩy nhẹ hơn, ít mùi hương, ít chất gây hại, nhưng bạn cũng cần hạn chế đến mức tối đa sự tiếp xúc của dầu gội lên da đầu:

    – Không để dầu gội tiếp xúc trực tiếp với da đầu.

    – Không để dầu gội lưu lại quá lâu trên da đầu, để tránh các hóa chất trong dầu gội thấm vào da đầu. Còn dầu xả thì chỉ thoa trên phần thân tóc.

    – Chỉ xoa bóp nhẹ nhàng, không cào, gãi vào da đầu quá nhiều, dễ làm tổn thương da đầu và kích ứng da nhạy cảm.

    – Xả kỹ tóc lại bằng nước sạch, để loại bỏ các hóa chất trong dầu gội còn lưu lại trên da đầu.

    – Nên dưỡng da đầu sau khi gội. Khi da đầu đang còn ẩm, dưỡng chất dễ hấp thụ vào da đầu hơn, giúp da đầu khỏe, tóc bóng mượt.

    Nếu bạn có da đầu nhạy cảm, hãy quan tâm hơn đến sức khỏe da đầu, từ việc làm sạch nhẹ nhàng, chọn dầu gội an toàn và dưỡng ẩm thường xuyên với dưỡng chất thiên nhiên. Tất cả sẽ mang lại cho bạn một mái tóc khỏe, đẹp và không còn lo lắng về tình trạng da đầu nhạy cảm.

    Thy Nga – VietBeauty Magazine

  • Bí quyết giúp bạn sống đúng như con người thật của mình

    Bí quyết giúp bạn sống đúng như con người thật của mình

    Vì mỗi cá nhân đều là một cá thể độc đáo – không bao giờ có hai người có nhân cách giống nhau hoàn toàn!

     - baogiadinh.vn

    Đón nhận cảm xúc nhưng loại bỏ quy chụp bạn dành cho bản thân
    Nhiều người cảm thấy buồn phiền vì họ cứ mãi lắng nghe những tiếng nói nội tâm cho rằng họ không đủ giỏi, không đủ xinh đẹp, không đủ mạnh mẽ,… Trừ khi bạn đến từ một gia đình hoàn hảo và có những mối quan hệ hoàn hảo, thông thường trí não của bạn sẽ dành cho bạn những nhận xét và đánh giá tiêu cực như vậy. Tùy theo hoàn cảnh cụ thể của bạn, những lời tự kỷ ám thị này có thể biến thành những niềm tin sai lầm: Thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu không có tôi. Không ai hiểu tôi. Không ai yêu tôi. Tôi vô giá trị. Tôi không xứng đáng có được cuộc đời tốt đẹp hơn thế này. Bạn hãy tránh việc để những ý nghĩ này ám ảnh mình. Bạn có thể chấp nhận những cảm xúc mình có, chứ đừng khuất phục những phán xét của bản thân. Bạn có thể cảm thấy giận dữ, nhưng đừng nghe theo lời quy chụp mà não bộ “dụ” bạn nghe theo. Bạn có quyền cảm thấy cô đơn, nhưng đừng vì vậy mà cho rằng mình không đáng được yêu.

    Dám thể hiện những cái “thật” của bản thân và không sợ mình khác biệt
    Nhiều người không dám thể hiện nhu cầu và mong muốn thật của bản thân. Thay vào đó, họ phô ra phiên bản không đúng của mình, một phiên bản chỉ lo tìm cách được người khác thừa nhận vì như vậy họ mới thấy yên lòng (một sự yên lòng không vững chãi). Nhưng không dám sống đúng với chính mình sẽ khiến bạn làm lãng phí những món quà mà tạo hóa dành cho bạn – những thứ khiến bạn khác biệt với mọi người trên hành tinh này. Bạn hãy kể câu chuyện của mình bằng “giọng nói” của riêng bạn. “Giọng nói” đó chính là những thế mạnh mà bạn có. Sống thật với chính mình sẽ cho phép bạn tìm ra “giọng nói” của riêng mình.

    Không lo lắng trước những trải nghiệm tiêu cực trong cuộc sống
    Với những biến cố không mong muốn trong cuộc sống – như một cuộc tranh cãi với người yêu, một cuộc hẹn không thành công, thay đổi công việc,… – bạn hãy xem chúng như những món quà từ Thượng đế, từ vũ trụ hay từ bất cứ thế lực siêu nhiên nào mà bạn tin tưởng. Chúng là những thứ mà bạn vay mượn và học hỏi từ đó. Vì lẽ đó, bạn không nên quá lo lắng về những trải nghiệm này. Chúng ta thường lo lắng khi chúng ta tìm cách kiểm soát một thứ gì đó – trong các mối quan hệ, trong công việc, với con cái, và với những khía cạnh nhất định của chính chúng ta. Nhưng nếu bạn tin rằng những sự kiện, con người, hoặc trải nghiệm đó là những yếu tố tách bạch khỏi bạn – bạn không làm chủ những thứ đó – thì những thứ đó sẽ không có quyền năng gì khiến bạn bất an. Điều này không có nghĩa là bạn chối bỏ những cảm xúc của bạn. Cảm xúc của bạn là quý giá và chúng thuộc về bạn, chúng thể hiện được con người của bạn. Nhưng những sự kiện trong đời sống của bạn chỉ là những thứ bạn vay mượn từ bên ngoài. Bạn hãy xem chúng như công cụ để học hỏi và trưởng thành.

    Dành cho mình một số quy tắc không-thể-thay đổi
    Chúng ta thường phải thương lượng trong nhiều tình huống như công việc, lương bổng, các mối quan hệ, sự phân bổ thời gian, những đam mê, sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta. Nhưng hãy thử nghĩ: Nếu bạn không có một số quy tắc không-thể-thay-đổi, bạn sẽ dễ dàng mất phương hướng trong cuộc sống; bạn sẽ không biết mình là ai. Khi đó, rất có thể những nhu cầu và quyền lợi chính đáng của bạn sẽ bị thiệt thòi, vì người khác biết rằng họ có thể làm lập trường của bạn sứt mẻ. Một vài gợi ý cho những quy tắc không-thể-thay-đổi: niềm đam mê của bạn, hoặc bạn tuyệt đối không làm những việc dối gạt người khác, v.v…

    Sống theo những giá trị nội tại
    Nhiều người đánh giá bản thân và đánh giá người khác thông qua những vật ngoại thân: tiền bạc, nghề nghiệp, xe cộ, nhan sắc, ý kiến của người khác. Với kiểu tư duy này, họ gần như không thể sống đúng với chính mình. Họ “ép” bản thân cho vừa khuôn khổ mà xã hội ấn định cho họ, và đánh mất tiếng nói cũng như bản sắc riêng vì điều đó. Sống theo những giá trị nội tại căn bản cũng có nghĩa là bạn không đè nén cảm xúc trong lòng. Cảm xúc bị đè nén thường trở thành sự giận dữ và thù hận, và đó sẽ là gánh nặng của bạn. Hãy trút bỏ gánh nặng bằng cách thể hiện cho thế giới thấy những giá trị mà bạn tin tưởng!

    Mở rộng những khoảnh khắc hạnh phúc
    Hầu hết mảnh đời nào cũng có những lúc buồn lúc vui. Để tận hưởng cuộc sống trọn vẹn hơn, bạn có thể tập trung cảm nhận những thời gian hạnh phúc của mình – kể cả khi đó chỉ là những hạnh phúc giản đơn. Một buổi sáng thư thả ngồi uống cà phê. Thời gian giải lao giữa ngày. Được ăn món ăn bạn yêu thích. Mùi thơm của người bạn yêu. Một cuộc nói chuyện đầy cảm hứng. Mặc một chiếc đầm đẹp. Được nghe các con líu lo kể chuyện trường lớp. Bạn hãy tìm cho mình càng nhiều khoảnh khắc hạnh phúc như vậy càng tốt, kéo dài chúng ra và kết nối chúng với nhau, như vậy tháng ngày của bạn sẽ nhẹ nhàng và vui vẻ hơn.

    Chia sẻ câu chuyện đời bạn
    Việc này không có nghĩa là bạn gặp ai cũng buông lời kể lể về đời mình. Mà lời khuyên này có nghĩa là bạn sẵn sàng bày tỏ cho người khác thấy mặt yếu đuối của mình, và chấp nhận cởi mở những khi thích hợp. Những khi thích hợp có thể là khi bạn nghĩ rằng câu chuyện của mình có thể sẽ giúp được ai đó, chứ không phải xuất phát từ nhu cầu muốn được người khác chú ý hoặc ca ngợi. Mỗi con người sống trên cuộc đời này là mỗi một câu chuyện đáng được kể, và nếu tất cả chúng ta cùng chia sẻ câu chuyện đời mình với nhau, chúng ta sẽ học được từ nhau nhiều điều và không ai còn cảm thấy đơn độc nữa.

    Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine

  • Chuẩn bị cho con vào đại học: Tìm kiếm sự giúp đỡ hay “tự lực cánh sinh”?

    Chuẩn bị cho con vào đại học: Tìm kiếm sự giúp đỡ hay “tự lực cánh sinh”?

    Up Vietbeauty Con Vao Dai Hoc - baogiadinh.vnẢnh: maura24 / Pixabay

    Các high school counselors (cố vấn trường cấp ba) có thể sẽ giúp đỡ các bậc cha mẹ và con của họ rất nhiều trong quá trình giúp trẻ chuyển tiếp lên đại học. Nhưng đôi khi các bậc phụ huynh muốn có thêm thông tin. Vậy làm sao để biết khi nào nên tìm thêm sự giúp đỡ trong việc chuẩn bị tài chính và con đường học tập cho con? Và làm sao để tìm thấy một independent college consultant (cố vấn đại học làm việc độc lập) phù hợp với đặc thù của gia đình bạn?

    Cũng như trong mọi vấn đề khác: Nếu thấy mình tự làm được, bạn có thể tự làm. Nếu thấy nó vượt quá khả năng của bạn, thì bạn thuê chuyên gia để họ giúp bạn.

    Tiết kiệm tiền cho con
    Hiện nay ở Mỹ, nhiều người lựa chọn một 529 plan để có tiền cho con họ vào đại học. Nhưng bạn nên biết rằng có những chương trình online khác có thể giúp bạn lập kế hoạch tài chính cho việc học đại học của con mình. Chẳng hạn, với College Advantage, khoảng 50% người tham gia chọn Direct Plan, nghĩa là họ không đầu tư thông qua một financial advisor.

    Có nên tìm đến một college consultant?
    Thông thường, người ta tìm đến sự giúp đỡ của một college consultant vào cuối năm lớp 10 của con họ. Nếu cha mẹ bắt đầu nói về việc học đại học với con cái từ quá sớm, đứa trẻ sẽ chịu áp lực không cần thiết. Cuộc sống không chỉ xoay quanh việc vào đại học – bạn cần cho phép con mình tận hưởng từng khoảnh khắc hiện tại.

    Vậy, một college consultant độc lập làm những việc gì? Câu trả lời: họ cung cấp những hướng dẫn về việc kết nối những sở thích của trẻ với các nghề nghiệp tiềm năng và giúp lập nên một danh sách các trường đại học dựa trên các tiêu chí đó. Họ không “ép” trẻ vào một “dream school” nào cụ thể như các ông bố bà mẹ hay làm. Một independent college consultant giỏi không chỉ cần có kinh nghiệm mà còn cần có đạo đức.

    Vậy thì sử dụng dịch vụ của một chuyên gia như thế sẽ có giá bao nhiêu? Mức phí khác nhau ở từng khu vực và từng trường hợp tư vấn cụ thể. Cần lưu ý là chi phí cho dịch vụ này không thể được thanh toán bởi các chương trình college savings như 529 plan.

    Chuyên gia đề xuất các bậc cha mẹ tính đến việc thuê consultant trong ba tình huống sau:

    1. Quy trình chuẩn bị cho con vào đại học đang gây căng thẳng cho gia đình.

    2. High school counselor không đủ khả năng tư vấn cho từng trường hợp cụ thể (hoặc high school của trẻ không có dịch vụ college counseling).

    3. Trẻ có những kinh nghiệm, kỹ năng độc đáo (như âm nhạc hoặc thể thao) hoặc các vấn đề sức khỏe (như mắc chứng anxiety hay depression).

    Nếu bạn muốn tìm ngôi trường tốt nhất cho con mình và phù hợp nhất với khả năng kinh tế của gia đình nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, sử dụng dịch vụ của một consultant có thể thật sự giúp ích cho các bạn.

    Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine