Danh mục: Khoá học nails

  • 12 thói quen giúp tăng cường sự gắn kết chung thủy (loyalty bond) giữa bạn và bạn đời

    12 thói quen giúp tăng cường sự gắn kết chung thủy (loyalty bond) giữa bạn và bạn đời

    Trong tình yêu và hôn nhân, nhiều người cho rằng “chung thủy” (loyalty) là một sự hy sinh và là rào cản ngăn họ đạt được một mức độ thỏa mãn cao hơn trong mối quan hệ của mình. Nhưng theo chúng tôi, khi bạn và người bạn đời chung thủy với nhau theo mọi phương thức các bạn có thể nghĩ đến, sự gắn kết (bond) giữa các bạn sẽ được củng cố: bạn và người bạn đời sẽ tin tưởng, yêu thương và tôn trọng nhau hơn. Có nhiều cách làm đời sống các bạn phong phú bằng cách nuôi dưỡng sức mạnh của lòng chung thủy. Hãy thử bắt đầu với mười hai cách sau đây, và biết đâu bạn sẽ khám phá ra nhiều cách khác:

     - baogiadinh.vn

    Ảnh: mulierchile.com

    #1 – Biểu hiện rõ ràng nhất của lòng chung thủy là chúng ta bỏ qua tất cả những nhân tình chúng ta có thể có để duy trì lòng chung thủy tính dục (sexual fidelity) với bạn đời.

    #2 – Dành thời gian ở bên nhau và làm những việc cả hai cùng yêu thích, đồng thời tham gia vào những hoạt động mà bản thân một trong hai bạn có thể không thật sự hứng thú, nhưng các bạn vẫn lựa chọn trở thành một phần của nhau trong những trải nghiệm đó vì điều đó có ý nghĩa với bạn đời các bạn.

    #3 – Khi chúng ta nhận thấy bạn đời mình có bất đồng ở chỗ làm, với các thành viên gia đình, hoặc với bạn bè, chúng ta luôn đứng về phía bạn đời mình bất cứ khi nào có thể.

    #4 – Đoàn kết với bạn đời mỗi khi đối mặt với khó khăn trong cuộc sống (bệnh tật, nghèo khó, những bước lùi trong sự nghiệp, mất mát, vấn đề với con cái, với các thành viên gia đình và bạn bè,…); khi đó mỗi quan hệ của các bạn sẽ được củng cố và bền vững hơn.

    #5 – Khi giữa hai bạn có bất đồng và tranh cãi, các bạn luôn cố gắng xem xét vấn đề từ góc nhìn của bạn đời mình, có thiện chí thỏa hiệp với anh/cô ấy, và đứng về phía bạn đời thay vì chống đối – khi đó các bạn cho thấy rằng sự hòa hợp trong mối quan hệ quan trọng với các bạn hơn là việc giành phần đúng về mình hoặc việc muốn mọi thứ theo ý mình.

    #6 – Hạn chế chê bai và phán xét; khi đó các bạn sẽ tạo ra một mái nhà yên bình.

    #7 – Hãy chọn cách chủ động lắng nghe những tâm sự của bạn đời, bày tỏ sự quan tâm (thay vì tỏ ra xa cách, bỏ bê bạn đời,…), chúng ta có thể khiến bạn đời mình cảm nhận được lòng chung thủy chúng ta dành cho họ.

    #8 – Khi chúng ta cân nhắc cẩn thận trước khi chấp nhận một cam kết nào đó với bạn đời, và chỉ đồng ý với những việc chúng ta tin mình thật sự có thể hoàn thành, đó cũng là lúc chúng ta thể hiện lòng chung thủy với bạn đời, và khi ấy, những cam kết được hiện thực hóa sẽ giúp xây dựng lòng tin giữa hai bạn với nhau.

    #9 – Khi bạn đời chúng ta lỡ quên thực hiện một điều như đã hứa, hoặc làm chúng ta thất vọng, hoặc vi phạm một cam kết nào đó, chúng ta thông cảm và bỏ qua cho họ, thay vì trách cứ họ. Đó cũng là cách chúng ta thể hiện lòng chung thủy với họ.

    #10 – Biết bạn đời mình muốn gì và hết lòng giúp họ đạt được điều đó là một biểu hiện mạnh mẽ rằng các bạn xem nhu cầu và mơ ước của bạn đời mình cũng quan trọng như nhu cầu và mơ ước của bản thân. Thông qua việc ủng hộ và giúp đỡ bạn đời mình đạt được những mục tiêu của họ, bạn sẽ cho bạn đời mình thấy bạn chung thủy với họ.

    #11 – Chân thành vui mừng với bạn đời khi họ đạt được thành công và cùng họ ăn mừng những thành công đó.

    #12 – Hãy tập trung thể hiện sự biết ơn của các bạn dành cho bạn đời mình theo nhiều cách khác nhau: biết ơn họ vì họ đã chung thủy với bạn, hỗ trợ bạn suốt nhiều năm các bạn ở bên nhau, cùng bạn làm những việc bạn muốn làm, giải quyết các vấn đề khó khăn cùng bạn, tha thứ cho những thiếu sót của bạn,… Đó là cách họ thể hiện lòng chung thủy với bạn; và bạn hãy đền đáp lại điều đó bằng cách biết ơn họ và chung thủy với họ.

    Khi bạn thực hành những thói quen này thường xuyên, không phải với suy nghĩ mình đang hy sinh điều gì đó, mà với tất cả lòng nhiệt thành, sự gắn kết giữa bạn và bạn đời sẽ nảy nở. Bạn không cần phải bắt chước rập khuôn theo những gì chúng tôi gợi ý, hãy nhìn vào mối quan hệ của chính bạn và nhận định xem người bạn đời đã thể hiện lòng chung thủy như thế nào với bạn, xem lòng chung thủy của họ đã đem lại cho bạn những điều tốt đẹp gì; và hãy thử nuôi dưỡng mối quan hệ của hai bạn nhiều hơn nữa với những cách trên.

    Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine

  • Mẹo chọn mua mỹ phẩm chăm sóc da

    Mẹo chọn mua mỹ phẩm chăm sóc da

    Với nhiều phụ nữ, việc chọn mua mỹ phẩm cũng phức tạp như việc chọn mua áo quần; nhưng với một vài bí quyết sau, bạn có thể bớt đau đầu vì chuyện đó.

     - baogiadinh.vn

    Chọn thời điểm thích hợp
    Tìm mua serum đòi hỏi bạn phải tập trung nhiều hơn, vì thế hãy ghé cửa hàng mỹ phẩm vào những giờ vắng khách như buổi sáng hoặc đầu giờ chiều. Nếu bạn bận làm việc vào các giờ này, hãy đi mua mỹ phẩm sau giờ tan tầm từ ngày thứ Hai (Monday) đến hết thứ Tư (Wednesday), hoặc khi một cửa tiệm nào đó mới mở vào dịp cuối tuần.

    Nhờ sự tư vấn
    Sự tư vấn của các chuyên viên và nhân viên bán hàng tại cửa hàng mỹ phẩm là rất hữu ích cho bạn, nhất là trong việc giải thích sự khác nhau của những sản phẩm chăm sóc da có tại tiệm của họ.

    Dùng mẫu thử
    Đừng xem thường vai trò của mẫu thử (tester), đặc biệt là khi da bạn nhạy cảm và dễ bị dị ứng. Thông thường, trong các cửa hàng mỹ phẩm đều có những mẫu thử để khách hàng đem về nhà. Trước khi quyết định mua mỹ phẩm, bạn nên dùng trước mẫu thử tại nhà. Bạn cũng có thể dùng thử mẫu thử ngay tại tiệm.

    Lưu ý cho da nhạy cảm
    Nếu bạn bị chàm (eczema) hoặc bị dị ứng với một số thành phần nào đó, nhiều chuyên gia khuyên bạn nên tránh xa những sản phẩm có chứa màu nhuộm (dyes), hương liệu (perfumes) và tinh dầu (essential oils). Sản phẩm chứa thành phần làm săn da (skin lifting) và tẩy tế bào chết (exfoliating) như grainy scrubs, glycolic acid và kem retinol cũng có thể gây bỏng da. Nếu muốn một công thức tẩy tế bào chết dịu nhẹ, bạn hãy thử chọn sản phẩm có chứa hạt nhân tạo (synthetic beads) có chứa công thức rửa glycolic (glycolic wash) với độ pH cao và không gây bỏng da hay kích ứng, có nồng độ thấp nên rất hợp với da nhạy cảm với retinoid. Đừng quên thử sản phẩm trên cánh tay bạn trước khi thoa lên mặt.

    Thành phần không được nêu
    Thường thì quá trình sản xuất và vận chuyển, chất lượng nguyên liệu và công thức sản phẩm là một số yếu tố khiến nhà sản xuất sử dụng những thành phần mà họ không nêu trên nhãn mác. Ví dụ: các peptide và amino acid có khả năng kích thích quá trình sản sinh collagen của da nhưng thường không được nói tới trong danh mục thành phần. Có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ biết nhà sản xuất dùng bao nhiêu phần trăm peptide trong một sản phẩm của họ, nhưng bạn cũng đừng lo lắng: nhà sản xuất thường chỉ đưa vào một lượng an toàn nhằm đảm bảo khách hàng của họ thu được hiệu quả tốt nhất.

    Những thành tố nên có
    Nếu bạn chọn mua sản phẩm chăm sóc da đắt tiền, hãy lựa chọn sản phẩm có chứa chất chống nắng hoặc retinol. Các chất chống nắng thông thường với màng chắn có chứa ô-xít kẽm (zinc oxide) và titanium dioxide sẽ khiến da bị kích ứng hoặc bạn phải bôi lại thường xuyên. Bạn nên chọn một sản phẩm có khả năng thẩm thấu dễ dàng vào da, với công thức nhẹ để da bạn đẹp tự nhiên và không nặng nề.

    Chọn loại được đóng gói đúng cách
    Thông thường, tuýp mỹ phẩm của bạn được làm từ chất liệu có chứa aluminum với phần miệng tuýp nhỏ. Việc này là nhằm bảo vệ các thành phần và công thức của sản phẩm.

    Kiên nhẫn
    Bạn phải dùng mỹ phẩm thường xuyên trong ít nhất tám tuần mới có thể thu được hiệu quả mong đợi; trừ khi bạn bôi kem trị mụn trứng cá – có thể cho kết quả sau một đến hai ngày. Nhiều trường hợp còn mất nhiều thời gian hơn – tùy thuộc cơ địa từng người.

    Với một vài mẹo trên đây, chúc bạn sẽ chọn mua được cho mình sản phẩm chăm sóc da vừa ý!

    Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine

  • Cải thiện tình trạng tóc rụng vào mùa Hè

    Cải thiện tình trạng tóc rụng vào mùa Hè

    Nếu tóc bạn rụng nhiều hơn bình thường vào mùa này, hãy thử áp dụng các mẹo đơn giản sau.

     - baogiadinh.vn

    Mát-xa với tinh dầu (oil massage)
    Biện pháp này không chỉ giúp kích thích các giác quan của bạn mà còn có ích cho da đầu. Mát-xa da đầu với tinh dầu đã được làm ấm giúp kích thích máu lưu thông, khiến chân tóc khỏe hơn và ngăn tóc rụng. Bạn có thể sử dụng biện pháp này ba lần một tuần.

    Sử dụng những sản phẩm tự nhiên
    Nếu bạn bị rụng tóc nhiều, tốt nhất vẫn là nên tránh các sản phẩm chăm sóc tóc làm từ hóa chất. Bạn có thể chọn cho mình các loại mỹ phẩm có nguồn gốc tự nhiên như nước cốt dừa (coconut milk) hoặc tinh dầu phúc bồn tử (gooseberry oil extract),… Tinh dầu phúc bồn tử giúp xoa dịu và làm mát da đầu, đồng thời giúp trị gàu – gàu là một trong những nguyên nhân gây rụng tóc.

    Chiết xuất trái cây (fruit extracts)
    Một số nguyên liệu tự nhiên như nha đam (aloe vera) hay cỏ lúa mì (wheatgrass) cũng giúp hạn chế tóc rụng. Nước cốt lấy từ các nguyên liệu này giúp da đầu không bị khô, giữ tóc mềm mượt, đồng thời còn kích thích tóc mọc, ngăn viêm nhiễm da đầu và nuôi dưỡng tóc từ bên trong. Bạn có thể sử dụng các nguyên liệu này hai lần mỗi tuần cho da đầu.

    Dinh dưỡng
    Có lẽ nói đi nói lại điều này bao nhiêu lần vẫn là không đủ: dinh dưỡng lành mạnh và cân bằng là yếu tố quan trọng để có được làn da – và thậm chí là mái tóc – đẹp. Các loại quả hạch (nuts) như hạnh nhân (almond) và quả óc chó (walnut) giúp kích thích tóc mọc. Các loại rau có lá xanh giúp tóc mọc dày hơn và ngăn tóc gãy rụng. Bên cạnh rau xanh, bạn cũng nên cung cấp protein, calcium và các khoáng chất cho tóc bằng cách tiêu thụ sữa, trứng và các loại đậu.

    Điều chỉnh lại cách chăm sóc tóc
    Nếu tóc bạn đột nhiên gãy rụng nhiều, rất có thể là do tóc bạn không hợp với các biện pháp chăm sóc tóc mà bạn đang dùng. Trong trường hợp đó, hãy thử có những điều chỉnh nhỏ như sử dụng dầu gội dịu nhẹ hơn, chải tóc bằng lược răng thưa, không cột tóc quá chặt, bảo vệ tóc khi đi ra ngoài nắng bằng cách đội nón hoặc dùng khăn choàng,…

    Dưỡng ẩm
    Uống nhiều nước là cách tốt nhất để cung cấp nước cho cơ thể – và tóc – vào mùa Hè. Bạn nên uống 5-6 chai nước mỗi ngày. Uống nước cũng giúp cơ thể thải bỏ độc tố khỏi cơ thể.

    Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine

  • 3 lý do nhiều người yêu và lấy sai người

    3 lý do nhiều người yêu và lấy sai người

    Theo các chuyên gia, những người đang tìm kiếm cho mình một mối quan hệ tình cảm dài hạn đừng nên lựa chọn đối tượng dựa trên các yếu tố sau:

    Up Vietbeauty Chon Sai Nguoi - baogiadinh.vnẢnh: SeaReeds / Pixabay

    Ngoại hình hấp dẫn
    Nếu bạn đang tìm kiếm một mối quan hệ lâu dài và ổn định, tốt nhất bạn đừng quá chú trọng ngoại hình của đối tượng. Nhiều người xinh trai đẹp gái cũng thường là người kém chung thủy và dễ đi đến ly hôn, do họ khó kháng cự lại những cơ hội gặp gỡ và kết đôi với những “vệ tinh” xung quanh.

    Giọng nói quyến rũ
    Một số người bị thu hút bởi những người có giọng nói hay, quyến rũ. Họ cho rằng giọng nói quyến rũ thường đi kèm những đặc điểm như ngoại hình đẹp và tính cách thú vị. Nhưng trên thực tế, những người có giọng nói lôi cuốn cũng thường có nhiều bạn tình hơn và ít chung thủy hơn trong các mối quan hệ dài hạn.

    “Hoa đã có chủ”
    Một số người bị thu hút bởi những đối tượng đã có người yêu/bạn đời. Họ nghĩ rằng những “bông hoa có chủ” này phải có những phẩm chất đáng mơ ước mới được ai đó “tuyển” làm bạn trai/bạn gái/vợ/chồng. Tuy nhiên, nếu bạn tìm kiếm một mối quan hệ dài hạn, việc theo đuổi kiểu đối tượng này là không lý tưởng. Nếu những người “đã có chủ” này từ bỏ bạn đời/người yêu của họ để đến với bạn, họ cũng có thể từ bỏ bạn để đến với người khác.

    Chọn đúng người
    Vậy thì, thế nào là một đối tượng lý tưởng để bạn xây dựng một mối quan hệ nghiêm túc? Một số phẩm chất cần thiết mà người đó (và cả bạn) nên có bao gồm:
    – Mutual respect (Sự tôn trọng lẫn nhau)
    – Honesty (Sự trung thực)

    Xét về ngoại hình, những cặp đôi có mức độ hấp dẫn của ngoại hình tương đương nhau thường có mối quan hệ lâu dài và ổn định hơn. Tuy nhiên, nếu các bạn dành thời gian tìm hiểu nhau nhiều hơn và dần dành cho nhau nhiều sự tôn trọng hơn, yếu tố ngoại hình của đối phương sẽ dần trở thành thứ yếu trong việc hình thành và duy trì mối quan hệ dài hạn.

    Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine

  • Những cái nên và không nên khi nói chuyện với trẻ nhỏ về cái chết

    Những cái nên và không nên khi nói chuyện với trẻ nhỏ về cái chết

    Đối mặt với cái chết của một người thân thương không bao giờ dễ dàng. Trải nghiệm này thậm chí còn khó khăn hơn với trẻ nhỏ. Nếu con của bạn bị mất đi một người mà cháu yêu quý, sau đây là một số điều bạn nên biết để giúp con mình ứng phó với điều đó:

     - baogiadinh.vnẢnh: pixel2013 / Pixabay

    NÊN:
    • Lập tức nói sự thật về những gì đã xảy ra cho trẻ biết. Sự thật giúp lý giải nỗi đau buồn và nước mắt của bạn trước mặt trẻ. Cởi mở và dám bày tỏ cảm xúc giúp bạn dạy con mình cách khóc thương người qua đời.

    • Hãy chuẩn bị đón nhận nhiều phản ứng cảm xúc khác nhau. Dù bạn tiếp cận đề tài này theo cách nào đi nữa, hãy nhớ rằng trẻ sẽ đau buồn, và thậm chí là giận dữ trước sự mất mát. Hãy chấp nhận các phản ứng cảm xúc của trẻ. Bạn sẽ có thời gian nói chuyện với con một lần nữa về chúng sau khi con của bạn xử lý xong sang chấn ban đầu.

    • Đừng ngại dùng những từ “dead” hoặc “die” (“chết”). Nhiều người nghĩ rằng những từ này gây khó chịu và thích dùng những từ như “passed away”, “lost”, “crossed over”, “went to sleep”, nhưng nghiên cứu nhận thấy việc dùng những từ thực tế để miêu tả cái chết sẽ có ích cho quá trình khóc thương.

    • Chia sẻ thông tin có liều lượng. Hãy ước lượng xem đứa trẻ có thể tiếp nhận bao nhiêu lượng nhỏ thông tin mỗi lần. Bạn có thể căn cứ điều này dựa trên những câu hỏi trẻ đưa ra.

    • Đừng ngại khi phải nói: “I don’t know” (“Bố/Mẹ không biết”). Có tất cả mọi đáp án cho mọi câu hỏi không phải chuyện dễ dàng, đặc biệt là trong những lúc bạn đang bối rối và đau lòng. Sẽ có ích nếu cho trẻ biết rằng có thể bạn không có câu trả lời cho tất cả mọi thứ, như: “Bà ngoại chết như thế nào?”, “Chuyện gì xảy ra với dì Rita ở nhà tang lễ?”, “Tại sao Spike lại chạy ra đường?” hay những câu hỏi không thể trả lời khác.

    • Hãy khóc. Cùng nhau khóc. Thường xuyên khóc. Đó là hành động lành mạnh và có tác dụng chữa lành.

    • Hãy cho trẻ tham gia các hình thức tưởng nhớ. Để trẻ chọn quần áo cho người thân yêu đã khuất, chọn các tấm ảnh để tưởng niệm, chọn một bài hát hay một bài đọc tưởng nhớ. Việc này giúp trẻ có cảm giác mình làm chủ được sự mất mát đau thương đó.

    • Để con khóc thương theo cách của con. Cháu có thể muốn giữ im lặng về cái chết. Viêc trẻ thấy cô đơn và tự cô lập mình trong giai đoạn này cũng là bình thường. Người lớn thường cho rằng trẻ nhỏ không bị tác động nào khi người thân quen qua đời. Nhưng thực tế là có nhiều cách đau buồn khác nhau.

    • Làm công tác tư tưởng cho trẻ về những gì trẻ sẽ thấy ở nhà tang lễ hoặc trong đám tang. Nói cho trẻ biết chúng sẽ thấy những gì, sẽ có ai ở đó, cảm xúc mà họ có thể có và họ sẽ làm gì. Với những trẻ còn nhỏ, hãy miêu tả cụ thể môi trường xung quanh đó sẽ trông ra sao. Ví dụ: Bạn có thể miêu tả chiếc quan tài, quần áo mà người chết mặc. Hoặc nếu đó là một lễ tưởng niệm, hãy kể về vị trí đặt tro cốt (nếu xác đã đươc thiêu), hoặc trong một chiếc hòm đã đóng nắp hay đã được chôn. Hãy đem theo ai đó để họ trông đứa trẻ nếu bạn quá đau buồn.

    • Giúp trẻ chuẩn bị tinh thần cho một tương lai không có người thân yêu đó. Nói về cảm xúc trẻ có thể có khi đến dịp sinh nhật, lễ kỷ niệm, ngày lễ và những dịp đặc biệt mà không có người đó. Hãy nhờ trẻ giúp lên kế hoạch cho sự kiện tiếp theo trong tương lai.

    • Hãy chuẩn bị tâm thái để nói về những suy nghĩ và cảm xúc nhiều lần. Có khả năng bạn sẽ phải nói với trẻ về chúng trong nhiều ngày, nhiều tuần và nhiều tháng tới. Đừng e ngại điều đó, vì khóc thương người chết là cả một quá trình.

    • Nhớ chăm sóc bản thân. Là cha mẹ, chúng ta đôi khi quên mất điều này. Trẻ nhỏ học hỏi từ những điều chúng thấy, vì vậy hãy làm gương cho con trong việc chăm sóc bản thân tại những thời điểm như thế này.

    KHÔNG NÊN:
    • Đừng giấu nỗi đau buồn trước mặt trẻ. Nhìn thấy bạn đau buồn khi người thân yêu chết đi – và suốt một thời gian dài sau đó – sẽ cho trẻ hiểu rằng khóc và buồn cho một mất mát to lớn là một biểu hiện bình thường và lành mạnh.

    • Đừng ngại chia sẻ với con những kỷ niệm về người đã chết. Đôi khi người lớn sợ nói về người chết vì họ nghĩ việc đó sẽ làm người còn sống đau lòng. Nghiên cứu cho thấy nỗi đau từ việc làm sống lại những kỷ niệm và những câu chuyện sẽ giúp ích cho việc chữa lành và cho hồi kết của quá trình này.

    • Đừng tránh né việc kết nối với con vì bạn cảm thấy bất lực và buồn bực, hoặc vì bạn không biết nói gì. Đôi khi một cái nhìn đồng cảm cũng có thể đem lại sự gắn kết mạnh mẽ. Thậm chí một cái chạm hay một cái ôm cũng là một sự an ủi lớn.

    • Đừng đổi đề tài khi bạn thấy con bước vào phòng. Làm vậy sẽ khiến trẻ nghĩ rằng nói về cái chết là đề tài cấm kỵ. Thay vào đó, hãy điều chỉnh từ ngữ và liều lượng thông tin khi có sự hiện diện của trẻ.

    • Đừng thay đổi lịch sinh hoạt hàng ngày. Trẻ nhỏ cần sự điều độ. Hãy cố hết sức để thời khóa biểu hàng ngày của mọi người trong nhà và ở chỗ làm được ổn định. Đồng thời, hãy cố giúp trẻ duy trì các hoạt động thường ngày của trẻ ở trường và trong cộng đồng.

    • Đừng cho rằng cái chết không cho phép sự hiện diện của tiếng cười. Tiếng cười là công cụ chữa lành tuyệt vời. Cười vui khi nói về những kỷ niệm các bạn có với người thân đã khuất là dấu hiệu cho thấy sự hiện diện của họ trong đời các bạn từng quan trọng ra sao.

    • Đừng đề ra giới hạn thời gian cho sự khóc thương của trẻ – hay của chính bạn. Mỗi người có cách khóc thương khác nhau. Hãy hiểu rằng một (vài) yếu tố mới trong cuộc sống sẽ phải xảy ra và các bạn sẽ cần thời gian để tái thích nghi với cái chết của một người quan trọng. Nếu các bạn cần được hỗ trợ thêm, hãy tìm đến trường nơi trẻ học, y bác sĩ của trẻ, hoặc một cộng đoàn tôn giáo. Một chuyên gia tâm lý cũng có thể giúp trẻ vượt qua giai đoạn này.

    Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine

  • 7 ý nghĩ nên từ bỏ khi bạn già đi

    7 ý nghĩ nên từ bỏ khi bạn già đi

    Khi bạn dần có tuổi, các suy nghĩ sau đây có thể sẽ xuất hiện trong bạn. Nhưng chúng độc hại, làm bạn tổn thương và sẽ kìm hãm sự tiến hóa của bạn. Hãy nhận diện và thay thế chúng bạn những suy nghĩ phù hợp hơn:

    7 ý nghĩ nên từ bỏ khi bạn già đi - baogiadinh.vn

    Ảnh: DariuszSankowski / Pixabay

    1. It’s too late for me. (Mọi chuyện đã quá muộn với tôi rồi.)
    Đây là một ý nghĩ không tốt. Dĩ nhiên, có thể bạn đã bỏ lỡ một vài thứ trong đời: như sinh con, cao thêm vài phân, hoặc hẹn hò với thần tượng của mình,…, nhưng khi “Mọi chuyện đã quá muộn với tôi” trở thành phương châm sống của bạn, tức là bạn đang đầu độc chính mình và ngăn cản bản thân đến với những cơ hội.

    Tuổi già vẫn là không quá muộn để làm rất nhiều thứ. Khi bạn nhận ra mình đang có suy nghĩ “Mọi chuyện đã quá muộn với tôi”, sao không bắt tay vào làm ngay điều mà bạn cho là “đã muộn”? Hãy bắt tay vào tập luyện cho cuộc đua xe đạp cấp quốc gia nếu đó là điều từ nào đến giờ bạn vẫn muốn làm! Hãy tham gia một khóa học kinh doanh nếu đó vẫn là ước mơ bạn nung nấu trong lòng!…

    Khi suy nghĩ là thuốc độc, hành động sẽ là thuốc giải độc.

    2. My best self is behind me. (Những tháng ngày tươi đẹp nhất của tôi đã lùi lại phía sau.)
    Suy nghĩ này sẽ khiến bạn buồn phiền, bởi bạn tin rằng giai đoạn tốt đẹp nhất của mình đã qua, đã mất đi mãi mãi. Cũng dễ hiểu nếu bạn nghĩ rằng những năm đôi mươi bạn có hình thể đẹp nhất; hay khi bạn còn trẻ lối sống của bạn rất năng động,… Thật khó để buông bỏ điều gì đó mà chúng ta từng yêu quý. Nhưng thay vì khóc thương cho một vài giai đoạn nào đó trước đây trong đời, sao bạn không tiếp tục phấn đấu?

    Hãy tin rằng theo thời gian bạn sẽ ngày càng trở nên tuyệt vời hơn. Phần tốt đẹp nhất vẫn chưa đến. Hãy lập danh sách những điều độc đáo, riêng biệt và tuyệt vời ở bạn. Viết những ưu điểm mà bạn thích ở bản thân mình lên những tờ giấy nhắn và dán chúng ở những nơi bạn dễ thấy.

    Hãy lập kế hoạch để khiến phần đời còn lại của bạn rực rỡ hơn. Chúng ta ai cũng có quãng đời mình bỏ lại sau lưng, nhưng chúng ta cũng còn một cuôc đời để sống ngay lúc này. Hãy cố hết sức mình tô điểm cho phần đời còn lại đó.

    Đừng nghe lời người khác. Bạn hãy quyết định quãng đời còn lại của mình. Biến nó thành một câu chuyện khiến bạn hạnh phúc.

    3. Nobody wants to hear from an old man/woman. (Không ai muốn nghe một ông/bà già nói chuyện.)
    Có thật không? Sao bạn biết không ai muốn nghe? Gần đây bạn có cố gắng nói điều gì hay ho không? Bạn có mạnh dạn lên tiếng không? Hay bạn chỉ suy diễn là không ai thèm nghe mình? Có điều gì bạn thật sự muốn nói không? Đâu là những thông điệp quan trọng mà bạn muốn truyền đạt?

    Chúng ta dễ cảm thấy mình mất đi chỗ đứng khi chúng ta già đi. Nhưng đừng viện cớ rằng không ai muốn nghe bạn, nhất là khi bạn không chịu nói gì.

    Điều quan trọng nhất là hãy nói những điều thật sự ý nghĩa với bạn. Kể chuyện. Động viên ai đó. Viết blog. Và nhiều hình thức khác. Để tìm thấy những điều có ý nghĩa với bản thân, bạn phải lắng nghe chính mình. Bạn phải tìm ra những gì khiến bạn trăn trở và chú ý.

    Vài câu chuyện phiếm xã giao thiếu chiều sâu không đủ để lôi kéo sự chú ý. Bạn có thể thử nghiệm nhiều cách khác nhau. Hãy thử bắt đầu bằng cách kể cho những người ngồi cùng bàn ăn tối với bạn một câu chuyện hài hước, nhiều thông tin thú vị và lôi cuốn.

    4. Kids today… (Bọn trẻ bây giờ… )
    Khi bạn thể hiện sự bất mãn với thế hệ trẻ bây giờ, tức là bạn đang nói về cách giáo dục của thế hệ mình, của bà của mẹ mình. Thái độ đó mệt mỏi và già cỗi lắm.

    Sự thật là: Tuổi trẻ thời nào cũng tuyệt vời. Chỉ là mỗi thời có những khác biệt riêng. Tuổi trẻ ngày nay có những vấn đề riêng, thời thế riêng và những tri thức mới. Nếu bạn phán xét thanh niên bây giờ, tức là bạn đang đánh mất cơ hội kết nối với giới trẻ theo những cách ý nghĩa; và bạn cũng mất cơ hội tiếp cận tri thức mới, sức sống mới và những điều phi thường khác.

    Lời khuyên cho bạn: Hãy quan tâm đến các thế hệ trẻ. Kết bạn với chúng. Đặt cho chúng những câu hỏi mà bạn trăn trở. Đọc sách chúng đọc. Nghe nhạc chúng nghe. Nhảy những điệu nhảy của chúng. Lắng nghe những tư tưởng, quan điểm, thái độ của chúng với một tư duy cởi mở.

    Cách hay nhất để trưởng thành ở độ tuổi này không phải là tìm cách cho bản thân trẻ mãi, mà là tiếp thu những ảnh hưởng của giới trẻ.

    5. The past matters more than the future. (Quá khứ quan trọng hơn tương lai.)
    Nếu thật vậy, thì chúng ta đầu tư cho tương lai của mình làm gì? Nếu quá khứ quan trọng hơn, thì chúng ta đã có thể tự mãn vì những gì đã đạt được, rồi ngồi lì trên ghế xem TV, nhậu cho đã, bỏ mặc thế giới và ngừng học hỏi. Ý nghĩ rằng quá khứ quan trọng hơn tương lai sẽ khiến chúng ta bế tắc, vì chúng ta không thèm phấn đấu cho tương lai nữa.

    Dù bạn 49, 59 hay 99 tuổi, tương lai của bạn vẫn luôn quan trọng. Rất quan trọng. Tương lai của bạn quan trọng vì chỉ cần bạn còn sống, bạn luôn có tiềm năng làm bất cứ điều gì có ý nghĩa cho đời mình – thậm chí là cho người khác – trong tương lai.

    Bạn muốn là ai trong tương lai? Hãy thiết kế nên tương lai của bạn. Hãy tin rằng tương lai của bạn quan trọng cho tới khi bạn chết, và niềm tin đó sẽ định hình con người bạn và những việc bạn làm sau này.

    6. I don’t have much to offer. (Tôi không có nhiều để cho.)
    Tất nhiên, tuổi tác có thể khiến bạn không còn gan góc và nhanh nhạy như lúc trẻ. Nhưng nếu bạn nghĩ mình không còn gì để trao tặng cuộc sống, điều đó có thể khiến bạn không còn ý chí cố gắng.

    Một trong các cột mốc phát triển của quá trình già đi là ý muốn quan tâm và giúp đỡ các thế hệ tiếp theo. Bạn hãy sáng tạo trong cách thức đóng góp cho cuộc sống và cho người khác.

    7. I can’t bear another loss. (Tôi không chịu được thêm mất mát nào nữa.)
    Đừng nghĩ vậy. Bạn sẽ lại trải qua mất mát, bởi cũng như việc già đi, mất mát là một phần của cuộc sống. Hãy tin bản thân đủ kiên cường để đương đầu với tất cả những điều đó.

    Mỗi khi chúng ta nói mình không thể chịu thêm mất mát nào nữa – dù đó là mất người thân quen, thú cưng, của cải, hay một cái răng,… – tức là chúng ta đang “dọn đường” cho bản thân gánh thêm thống khổ. Chúng ta ngăn cấm mình đón nhận nỗi buồn của việc mất mát. Chúng ta phủ nhận vòng tuần hoàn của tự nhiên: chết và tái sinh là một phần của tự nhiên.

    Khi chúng ta kháng cự những mất mát, tức là chúng ta chối bỏ vị trí của mình trong tự nhiên và xem nhẹ vai trò của bản thân trong vòng tuần hoàn tất yếu đó.

    Hãy mở lòng đón nhận sự tiến triển của cuộc sống và vai trò của bạn trong đó. Bạn là một phần trong vũ trụ bí ẩn và màu nhiệm này. Bạn được tạo nên từ bụi sao. Hãy an yên chiêm ngưỡng cuộc sống với tất cả sự nhiệt thành.

    Hãy chấp nhận các cảm xúc của bản thân. Cử hành những nghi lễ để tưởng nhớ. Tụ họp với những người khác để khẳng định sự kết nối của bạn trong bức tranh lớn của cuộc sống.

    Hãy nhớ, những cảm xúc bạn có khi đối diện mất mát sẽ cho thấy bạn yêu quý những gì.

    Vì vậy hãy yêu một cách sâu sắc.

    Lời kết:
    Đã đến lúc bạn thay đổi những suy nghĩ lỗi thời về tuổi già bằng những suy nghĩ và niềm tin mới, tốt đẹp hơn. Bằng cách thay đổi suy nghĩ của bản thân, bạn sẽ thay đổi chính mình. Bằng cách thay đổi chính mình, bạn sẽ thay đổi thế giới.

    Được già đi là một điều kỳ diệu. Và bạn cũng là một điều kỳ diệu.

    Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine

  • Cách loại bỏ 6 loại vết bẩn trên ghế sô pha

    Cách loại bỏ 6 loại vết bẩn trên ghế sô pha

     - baogiadinh.vn

    Khi ghế sô pha (couch) nhà bạn bị dính bẩn, bạn có thể làm sạch theo cách sau:

    Trước tiên, hãy kiểm tra chỉ dẫn vệ sinh của ghế (nếu có). Sau đây là một số mã chỉ dẫn cách vệ sinh:

    • W: chỉ chùi ướt (wet cleaning) hoặc chùi nước (water cleaning)
    • S: chỉ chùi bằng dung môi khô (dry solvent)
    • SW: chùi bằng dung môi khô hoặc chùi ướt đều được
    • X: để cho người chuyên nghiệp vệ sinh hoặc chỉ được hút bụi (vacuum). Nếu nhãn ghế sô pha của bạn có mã này, nên mang đi bảo dưỡng nếu cần.

    Nếu bạn không thể tìm thấy các mã này trên ghế sô pha, hãy thử tìm thêm thông tin trên website của công ty nơi bạn mua hàng, hoặc trong tình huống tệ nhất, hãy thử phản ứng vết bẩn (spot test) ở chỗ bạn nghi là dính bẩn trước khi tiến hành làm sạch toàn bộ món đồ nhằm tránh việc khiến vết bẩn trầm trọng hơn. Phần lớn các mẹo trong bài này là chùi ướt, vì thế bạn nên xác định xem ghế sô pha của mình có phù hợp để chùi ướt hay không.

    Thứ hai là hãy luôn hút bụi trước khi bạn tiến hành lau chùi. Hút bụi giúp loại bỏ bụi bặm và chất dơ dính trên ghế sô pha; và có thê bạn sẽ nhận thấy vết bẩn được cải thiện nhiều hơn sau khi được hút bụi.

    1. Vết đồ ăn
    Hầu hết các vết đồ ăn dính trên ghế sô pha có thể được làm sạch bằng nước và xà bông. Bạn hãy dùng một miếng bọt biển (mặt mềm) hoặc một miếng vải sạch. Có thể dùng nước ấm, trừ khi vết bẩn có thành phần bơ sữa. Để tránh tình trạng protein vón cục lại, nên dùng nước lạnh. Nếu bạn không biết thành phần của vết bẩn, tốt nhất cũng hãy dùng nước lạnh.

    Nếu xà bông và nước không tẩy sạch được vết bẩn, hãy thử nước xà bông giặt đồ (liquid detergent) có chứa các enzyme trong đó. Chờ nước xà bông giặt thấm vào vết bẩn trong khoảng nửa tiếng rồi dùng bọt biển thấm (blot) khô. Với những vết bẩn lớn, hãy bắt đầu vệ sinh từ bên ngoài vết bẩn rồi tiến vào trong.

    2. Vết dầu mỡ
    Hãy rắc baking soda lên vết bẩn hoặc pha baking soda với nước rồi thoa lên chỗ bẩn rồi để yên như thế trong 10 phút hoặc hơn. Dùng máy hút bụi hút baking soda đi, sau đó dùng rượu vodka thấm khô chỗ bẩn còn sót lại. Hoặc bạn có thể dùng một ít xà bông rửa chén và bàn chải đánh răng chà lên chỗ bẩn rồi thấm cho sạch bằng khăn giấy ướt.

    3. Vết rượu vang và quả mọng
    Hãy dùng một miếng vải sạch và sparkling water chùi lên vết bẩn. Nếu cách này không hiệu quả, hãy pha một tablespoon giấm (vinegar) và một teaspoon nước xà bông giặt với bốn tách (cup) nước lạnh. Dùng dung dịch này chặm lên chỗ bẩn bằng một miếng vải sạch, sau đó chặm lại với nước sạch.

    4. Vết bia và cà phê
    Với ghế sô pha dính bia, hãy dùng một cục nước đá chà lên vết bẩn. Sau đó pha một lượng nhỏ nước xà bông giặt đồ (khoảng một teaspoon) với nước ấm rồi rồi dùng dung dịch này chặm lên vết bẩn bằng khăn giấy.

    Vết cà phê cũng có thể được xử lý tương tự, chỉ cần bỏ qua bước chà với nước đá mà đi thẳng đến bước dùng nước xà bông giặt.

    5. Vết mực
    Đổ một ít rubbing alcohol lên vết bẩn, sau đó chặm vết bẩn từ ngoài vào trong. Dung môi vệ sinh khô (dry-cleaning solvent) cũng có thể cho tác dụng tương tự nếu bạn có sẵn để dùng. Nhưng dù với cách gì đi nữa, đừng chà lên vết bẩn – việc đó có thể khiến vết bẩn loang ra.

    6. Nước tiểu vật nuôi
    Pha nước với giấm theo tỉ lệ 1:1 rồi đổ lên vết bẩn, sau đó dùng một miếng vải sạch chặm cho đến khi bạn loại bỏ được phần lớn độ ẩm. Bạn có thể phun baking soda lên vết bẩn và chờ cho nó khô để giảm bớt mùi hôi. Khi vết bẩn đã khô thì dùng máy hút bụi hút đi phần baking soda sót lại.

    Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine

  • Chà là: Loại trái cây được cho là tốt nhất cho bệnh đau tim, cao huyết áp, đột quỵ và cholesterol

    Chà là: Loại trái cây được cho là tốt nhất cho bệnh đau tim, cao huyết áp, đột quỵ và cholesterol

     - baogiadinh.vn

    Ảnh: Internet

    Ở Mỹ, đột quỵ (stroke) là nguy cơ hàng đầu dẫn đến tàn tật nghiêm trọng và lâu dài. Mỗi năm có khoảng 795,000 người bị đột quỵ, trong đó khoảng 600,000 bị đột quỵ lần đầu tiên. Theo Tạp chí Sức khỏe Hàng ngày (Daily Health Post), trái chà là (dates) là loại thực phẩm số một với khả năng ngăn ngừa đột quỵ, cũng như ngăn huyết áp cao và cholesterol trong máu.

    Chà là là một loại cây nở hoa thuộc gia đình nhà cọ (palm family). Trái chà là giàu calcium, sắt (iron), magnesium, potassium và kẽm (zinc), do đó trái chà là có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.

    Phòng ngừa xơ vữa động mạch: Theo một số nhà nghiên cứu, ăn chà là ít nhất một lần mỗi ngày có thể giúp bạn giảm nguy cơ bị xơ vữa động mạch (atherosclerosis). Trong một nghiên cứu được xuất bản trên Tạp chí Hóa Nông nghiệp và Thực phẩm (Journal of Agricultural and Food Chemistry), ăn ít nhất 3.75 ounce chà là mỗi ngày trong bốn tuần có thể làm giảm nồng độ triglyceride (chất béo) của bạn xuống 15%. Chúng cũng giúp làm giảm mức độ ô-xi hóa chất béo trong cơ thể bạn xuống ít nhất 33%, nhờ đó giúp hạ nồng độ cholesterol trong máu.

    Hạ huyết áp: Theo một nghiên cứu tại Trường Y Harvard (Harvard Medical School), tiêu thụ 8 servings (nửa pound) chà là một tuần cũng giúp làm giảm huyết áp.

    Phòng ngừa đột quỵ: Do chứa nhiều magnesium, trái chà là có thể giúp bạn ngăn ngừa đột quỵ. Bằng cách tiêu thụ 100mg magnesium mỗi ngày, bạn có thể giảm nguy cơ đột quỵ của mình xuống 10%.

    Các lợi ích khác cho sức khỏe: Theo một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Thuốc từ Thiên nhiên (Journal of Ethnopharmacy), tiêu thụ trái chà là hàng ngày có thể giúp cải thiện tình trạng viêm loét đường tiêu hóa, do trong trái chà là có chứa chiết xuất ethanolic với khả năng làm giảm lượng ethanol sản sinh trong mật độ histamine và gastrin.

    Phòng ngừa ung thư: Như đã nói, lượng magnesium trong trái chà là giúp làm giảm viêm nhiễm. Theo một công trình nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Dinh dưỡng Anh quốc (British Journal of Nutrition) năm 2021, ăn trái chà là có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư kết trực tràng (colon cancer).

    Mang thai và sinh nở: Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, những phụ nữ mang thai tiêu thụ chà là trong bốn tuần cuối trước khi sinh ít có nhu cầu kích thích chuyển dạ (induction) và sinh tự nhiên dễ dàng hơn.

    Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine

  • Móng trái cây 3D với 5 bước đơn giản

    Móng trái cây 3D với 5 bước đơn giản

    Mời bạn cùng chúng tôi điểm qua một số mẫu móng 3D đẹp mắt và dễ thực hiện:

     - baogiadinh.vnMóng quả dâu
    1. Phủ sơn nền màu đỏ.
    2. Sơn nhiều lớp sơn đỏ để tạo độ dày. Phủ một lớp top coat lên móng sau mỗi lần sơn để ngăn màu đỏ trở nên quá đậm.
    3. Dùng một cây tăm để kiểm tra độ dày. Nếu cần, hãy sơn nhiều lớp hơn. Càng nhiều lớp, hiệu ứng 3D sẽ càng đẹp.
    4. Khi sơn khô được 90%, dùng que tăm tạo lỗ giống trái dâu tây.
    5. Dùng cọ nail art brush nét mảnh, vẽ một đường cong màu xanh lá lên lớp biểu bì (cuticles).

     - baogiadinh.vnMóng quả táo
    1. Pha sơn acrylic màu xanh lá và trắng rồi tạo hình các hạt vừng (sesame seeds).
    2. Phủ hai lớp sơn nền màu xanh lá.
    3. Khi sơn nền còn ướt, dùng tăm xỉa răng xếp các hạt vừng lên móng (hạt vừng phải còn ướt).
    4. Tiếp thêm các hạt vừng sao cho chúng hơi xếp chồng lên nhau.
    5. Để hoàn tất, dùng cọ nail art brush nét mảnh dặm một ít sơn xanh lá lên những hạt vừng.

     - baogiadinh.vnMóng quả nho
    1. Đổ một ít sơn tím lên một miếng tin foil, sau đó dùng một cây tăm lăn thành các hạt mù tạt (mustard seeds).
    2. Phủ hai lớp sơn nền màu tím.
    3. Khi sơn vẫn còn ướt, dùng que tăm đính các hạt mù tạt lên móng. Những hạt mù tạt này cũng nên còn hơi ướt để có độ dính.
    4. Tạo một chùm nhỏ các hạt màu tím (dùng cây tăm) và xếp chúng ngẫu nhiên lên móng.
    5. Để hoàn tất, dùng cọ nail art brush nét mảnh dặm một ít sơn tím lên các hạt mù tạt.

    Móng trái bắp
    1. Sơn nhiều lớp sơn vàng lên móng để tạo độ dày. Phủ một lớp top coat sau mỗi lần sơn để màu vàng không trở nên quá đậm.
    2. Khi sơn gần khô, nhẹ nhàng ấn một tấm lưới kim loại (metal net) lên móng để tạo hiệu ứng mắt lưới rồi lấy tâm lưới ra ngay. Không phủ top coat.

    Triệu Khánh Ngọc – VietBeauty Magazine

  • Hoạt động đúng tư thế để có vóc dáng đẹp

    Hoạt động đúng tư thế để có vóc dáng đẹp

    Trong các hoạt động hàng ngày, cơ thể bạn phải đứng, ngồi với rất nhiều tư thế khác nhau. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe xương khớp và giữ được vẻ đẹp của vóc dáng, bạn cần phải luyện tập, thực hiện các hoạt động theo đúng thao tác chuẩn. Đó là bí quyết cơ bản giúp bạn giữ được vẻ đẹp của vóc dáng, ngay cả khi đã lớn tuổi.

     - baogiadinh.vn

    Tư thế đóng một vai trò quan trọng trong việc làm săn chắc cơ bắp. Thường xuyên làm việc và hoạt động sai tư thế có thể dẫn đến nhiều dị tật cho cơ thể.

    Phần đầu hoạt động sai tư thế – bị nọng cằm
    Hàng ngày nếu bạn di chuyển miệng hoặc cổ sai tư thế, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ cằm, gây nên hiện tượng nọng cằm (double chin). Vì thế, cần tuân thủ các chỉ dẫn sau:

    -Luôn đứng và ngồi thẳng ở một vị trí thoải mái. Không nên chồm người quá nhiều về phía trước.

    -Không bao giờ kẹp điện thoại giữa tai và cổ. Nếu thực hiện tư thế này thường xuyên, không chỉ làm bạn bị gai cột sống (spondylosis) mà còn làm cổ bạn bị nọng cằm rất rõ.

    -Khi đọc sách hay làm việc trên máy tính, luôn giữ lưng thẳng, chỉ có đầu hơi cúi. Khuôn mặt bình thường và có khoảng cách nhất định với máy tính. Không nghiêng đầu, vẹo cổ hay uốn cong mặt không cần thiết.

    Nằm, ngồi sai tư thế – ngực chảy xệ
    Nếu thường xuyên nằm sấp (sleep on your back) hay ngủ cong gập… dễ khiến bạn bị đau cổ và lưng. Khi bạn duy trì các tư thế ngủ này, mặt bạn sẽ áp vào gối làm máu tuần hoàn lên ngực kém, bầu ngực buông thõng, dễ bi biến dạng, chảy xệ.

    Tư thế ngủ có thể chọn là nằm ngửa. Nếu mỏi có thể đổi tư thế nằm nghiêng với tiêu chuẩn: lưng thẳng, mông thẳng và chân nâng cao gần mông, sao cho đầu gối vuông góc. Cần để chiếc gối chèn bên hông, để tạo điểm chống đỡ cho “núi đôi”.

    Nếu bạn ngồi sai tư thế khi làm việc như ngồi áp ngực vào cạnh bàn, ngồi với tư thế chống cằm, để một phần cơ thể “nằm dài” trên mặt bàn hoặc khi ngồi xổm, bó gối làm hai chân ôm lấy ngực… . Tất cả điều này dễ khiến cho bộ ngực bị dồn ép quá mức, gây ức chế quá trình lưu thông mạch máu. Các mô ngực bên trong sẽ nhanh lão hóa và chảy xệ là điều dễ thấy.

    Ngồi làm việc sai tư thế – lưng khòm
    Để tránh lưng bị khòm, cần điều chỉnh tư thế ngồi theo các chỉ dẫn sau:

    -Không ngồi quá cao hoặc quá thấp so với mặt bàn làm việc..Chiều cao bàn nên thấp hơn ngực của bạn khi ngồi vào, nhưng không thấp quá để bạn không phải cúi quá nhiều khi làm việc. Điều này sẽ làm giảm áp lực cho cổ, vai và lưng

    -Không ngồi xổm và nhón chân khi ngồi.

    -Nên ngồi thẳng, đùi song song với sàn nhà, đầu gối vuông góc, cả bàn chân tiếp xúc với mặt sàn.

    -Ngồi thẳng lưng, có thể chọn ghế có miếng tựa để thư giãn xương sống với một góc 135o. Ngồi đúng tư thế không chỉ giúp bạn tránh bị cong vẹo cột sống mà còn giúp có được dáng đúng chuẩn.

    -Không cúi đầu khi xem báo, xem điện thoại…sẽ khiến cột sống của bạn phải chịu nhiều sức nặng. Cách tốt nhất là nên giữ thẳng đầu khi xem điện thoại, màn hình vi tính, tránh tối đa việc cúi đầu, khom người.

    Mang vác sai tư thế – dáng bị lệch
    Bạn thường xuyên duy trì các tư thế như nghiêng đầu, cúi đầu hay khom người bưng bê vật nặng không đúng cách … sẽ làm dáng đi bạn bị lệch. Vì thế cần nắm rõ một số lưu ý sau:

    -Không thường xuyên nghiêng người về một phía…làm phát sinh những cơn đau nhức ở vai.

    -Nên mang túi nhẹ hay túi đeo chéo trước ngực sẽ giúp giảm áp lực cho cơ thể. Khi mang nhiều túi nên chia đều ra hai vai. Nên dùng tay giữ túi để vai không phải làm nhiệm vụ điều chỉnh túi xách.

    -Khi bạn làm việc nhà như dọn dẹp hay lau sàn…nên chọn dụng cụ dọn dẹp có cán dài để thoải mái làm việc trong tư thế thẳng đứng.

    -Khi nâng vật nặng: dang hai chân rộng bằng vai, giữ lưng thẳng và hạ thấp người xuống. Trước khi nâng, cần nhìn về phía trước, để giữ ổn định cơ cổ, cố gắng vận dụng cơ đùi.

    -Luôn giữ lưng thẳng khi đứng, không ưỡn ngực về trước hay chu mông ra sau. Tất cả sẽ giúp bạn có tư thế và vóc dáng chuẩn.

    Thy Nga – VietBeauty Magazine